STVN – Ngày 4/9/2020, Nghệ sĩ Bảo Cường đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VIETKINGS vinh danh bằng những Kỷ lục giá trị với nội dung là: Người nghệ sĩ bằng tài năng và niềm đam mê, biểu diễn trong các lĩnh vực như ngâm thơ, thổi sáo, đánh trống, hát ru, ca Huế... Đồng thời, sáng tác, xuất bản nhiều tác phẩm văn học để thể hiện tình yêu, góp phần duy trì và bảo tồn những nét văn hóa của nghệ thuật dân gian Việt Nam với chặng đường hoạt động trên 45 năm.
Ngày 4/9/2020, Nghệ sĩ Bảo Cường đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VIETKINGS vinh danh bằng những Kỷ lục giá trị với nội dung là: Người nghệ sĩ bằng tài năng và niềm đam mê, biểu diễn trong các lĩnh vực như ngâm thơ, thổi sáo, đánh trống, hát ru, ca Huế… Đồng thời, sáng tác, xuất bản nhiều tác phẩm văn học để thể hiện tình yêu, góp phần duy trì và bảo tồn những nét văn hóa của nghệ thuật dân gian Việt Nam với chặng đường hoạt động trên 45 năm.
Nghệ sĩ Bảo Cường tên thật là Nguyễn Cửu Quảng (sau đổi là Tôn Quốc Cường), sinh năm 1943, trong một gia đình có truyền thống biểu diễn nghệ thuật âm nhạc tại vùng thượng nguồn sông Hương (chiến khu Dương Hòa, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Cha ông là nghệ sĩ thổi sáo nổi tiếng ở Huế thập niên 40 – 50 của thế kỷ trước. Mẹ là một phụ nữ đảm đang, am hiểu về ca Huế và các làn điệu dân ca miền Trung.AA
Hơn 10 tuổi, Bảo Cường được cha chỉ cho cách thổi những làn điệu du dương, trầm bổng được tấu lên từ cây sáo trúc khiến anh vô cùng sung sướng. Hằng đêm anh thường mở radio nghe chương trình ngâm thơ Tao Đàn của đài phát thanh Sài Gòn do Tô Kiều Ngân phụ trách. Từ đó, thơ và sáo luôn quyện tròn trong tâm hồn chàng trai trẻ Bảo Cường… Năm 17 tuổi (1960), vùng Dương Hòa quê anh, chiến tranh loạn lạc, bom rơi đạn nổ tơi bời… buộc anh phải từ giã quê hương vào Sài Gòn lập nghiệp. Ông chia sẻ “Lưu lạc vào Nam với hai bàn tay trắng, tôi phải làm quần quật suốt ngày để kiếm sống nhưng lắm lúc vẫn không đủ ăn. Làm đủ thứ nghề như: lượm ve chai, rửa chén bát, bốc vác, phụ hồ, ai thuê gì làm nấy… mà nghèo túng vẫn hoàn nghèo túng. Khi đó, những thứ xa xỉ như cà phê, rượu bia, thuốc lá… tôi đều quyết bỏ hẳn. Dù khổ đến mấy, cơ cực đến mấy, tôi vẫn nhất quyết luôn mang theo thơ và sáo bên mình…”
Hàng chục năm liền, cái cảnh nghèo đói, thiếu trước hụt sau cứ đeo đuổi bên người anh như bóng với hình không thể thoát ra được. Mãi cho đến một ngày, may mắn đã mỉm cười với anh khi anh được người bạn thân chọn làm môn sinh của cụ tổ thợ vàng Cao Đình Độ.
Ấy là một lần có dịp ghé thăm tiệm kim hoàn của người em “cột chèo”. Lúc ấy tự dưng anh chợt có ý nghĩ muốn học nghề thợ bạc. Được người em ra sức ủng hộ, và ngày hai buổi Bảo Cường xắn cao tay áo, chúi mũi chúi lái học nghề thợ bạc cho đến khi thành nghề. Đó là những năm đầu thập niên 80 của thề kỷ trước, và sau khi có được một cửa hàng mua bán kim hoàn tại Quận 3 (TP.HCM), cuộc đời anh đã sang trang…Đời sống kinh tế dần khá lên, gia đình anh đi lên từ lợi nhuận của việc mua bán vàng và tiền làm gia công nữ trang. Từ đó, anh bước hẳn sang con đường nghệ thuật: Viết văn, làm thơ và giao lưu biểu diễn ngâm thơ, thổi sáo… để phục vụ khán giả, người hâm mộ khắp mọi nơi.
Ngoài ra, anh còn luôn theo dõi, đăng ký tham gia những cuộc thi về Hát ru, hát chầu văn, hò, vè… do các Bộ, Ngành từ Trung ương đến địa phương tổ chức, không chỉ gói gọn trong các cuộc thi của TP. HCM mà còn của cả các tỉnh, thành khác trong nước tổ chức để xác định lại năng khiếu của chính mình. Và ở những cuộc thi ấy, Bảo Cường đã giành được nhiều Huy chương vàng, bạc…và nhiều bằng khen, giấy khen của nhiều cơ quan, đơn vị văn hóa nghệ thuật trong nước trao tặng.
Khi được hỏi về nguyên nhân và thời gian anh chuyển qua việc viết văn, làm thơ, nghệ sĩ Bảo Cường đáp:
“Tôi làm thơ từ năm 18, 20 tuổi, còn viết văn thì chính xác là thành công bởi những tác phẩm đầu năm 2001. Tôi viết văn, làm thơ không phải để khoa trương thân thế mình mà viết bằng những khát vọng và: Khát vọng bao giờ cũng là màu xanh thuần khiết. Tôi xuất thân từ con nhà nghèo, thời thơ ấu từng đi chăn trâu cho người ta để kiếm miếng cơm, manh áo, từng trải qua nhiều khổ nạn triền miên… Nhưng, lúc nào tôi cũng giữ niềm lạc quan, tự tìm tòi, học hỏi… chỉ với một khát vọng duy nhất là được sống hết mình cho nghệ thuật.Với tôi, “Nghệ thuật phục vụ nhân sinh”, không gì khác hơn. Cuộc đời đã dạy cho tôi bài học không bao giờ quên là: muốn tồn tại và muốn không bị xa lánh thì hãy sống trung thực. Vì thế, khi đến với văn chương cũng vậy, tôi viết trung thực, không hư cấu, không tô hồng bôi đen, lúc nào cũng tôn trọng sự thật.”
Năm 2017, Bảo Cường gây bất ngờ với giới sáng tác tại TP.HCM và người yêu văn chương trong và ngoài nước bằng bộ sách 3 tập dày 2.000 trang, do NXB. Hội Nhà văn phát hành, gồm: “Bảo Cường – Cuộc đời và tác phẩm” (tạp văn), “Chữ Duyên đưa lối” (ký) và tập Thơ – Văn “Sợi chỉ ước mơ”. Tiếp đến, anh lần lượt cho ra đời nhiều tác phẩm văn học mà đa số là những câu chuyện dài, quá dài… tới năm bảy trăm trang, nhưng đầy hấp dẫn và cuốn hút người đọc.
Với tập ký đầu tay “Nửa vòng đất lạ” ông viết ở Mỹ 2005, nhân dịp ông được Hội thơ Tài tử Việt Nam ở hải ngoại mời sang Mỹ hội thảo và biểu diễn vào năm 2004 đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng buồn vui tốt đẹp. Năm 2014, một lần nữa ông lại được Hội thơ Tài tử Việt Nam mời sang đất nước Cờ Hoa biểu diễn để phục vụ cộng đồng người Việt ở nhiều tiểu bang, nhiều thành phố lớn, nơi có nhiều Việt kiều sinh sống.
Nghệ thuật thơ ca, văn chương của Bảo Cường là phần hồn, là tâm huyết, là ký ức, kỷ niệm, là mạch sống của ông đã dành cho lĩnh vực nghệ thuật này thật đáng trân trọng. Còn ở lĩnh vực biểu diễn sáo và ngâm thơ, hò vè… để phục vụ cộng đồng thì khỏi phải nói… Ở đâu có lời mời, dù bận rộn công việc đến mấy, nghệ sĩ Bảo Cường cũng sắp xếp chu toàn để khăn gói đi ngay, mặc dù việc biểu diễn nhiều khi không mang đến cho ông bất cứ một lợi nhuận nào, có khi biểu diễn xong, ông còn móc tiền túi ủng hộ chương trình…
Năm 2013, lúc tròn 70 tuổi, Bảo Cường từ giã chốn xô bồ Sài Gòn hoa lệ, trở về lại quê hương xứ Huế để được yên tĩnh sáng tác. Tại Cố đô, ngoài căn nhà nơi ông đang ở tại phường Vỹ Dạ, ông còn căn nhà do cha mẹ để lại tại làng Dương Hòa và một khu đất rộng ông mua làm “Không gian Văn hóa Bảo Cường” ở ngoài đường chính của làng Dương Hòa.
Hồng Nguyên (Tổng hợp)