LĐST – Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu là dịp quan trọng để các nước đưa ra cam kết và giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu. Trong đó, Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ cho phát triển năng lượng xanh, giảm phát thải trong thời gian gần đây.
Dự kiến, Hội nghị COP26 (Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu) sẽ diễn ra từ ngày 31/10 – 12/11 tại thành phố Glasgow, Scotland. Biến đổi khí hậu cũng như ô nhiễm môi trường được coi là một trong những thách thức lớn nhất đối với thế giới vào thời điểm hiện tại.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và ông Alok Sharma, Bộ trưởng Chính phủ Anh,
Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26. (Ảnh: MH).
Trước đó, vào chiều ngày 28/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Alok Sharma, Bộ trưởng Chính phủ Anh, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26, các Bên tham gia Công ước khung của COP26, đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Chủ tịch COP26 trao thư của Thủ tướng Anh Boris Johnson mời Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 diễn ra vào tháng 11 tới tại Anh, mong muốn Thủ tướng thu xếp thời gian dự Hội nghị quan trọng này.
Đối với Việt Nam, các chuyên gia năng lượng cho rằng, cần đánh giá lại các dự án, đặc biệt là với nhiệt điện than và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong Quy hoạch Điện VIII vừa được Bộ Công Thương trình Chính phủ để đảm bảo các cam kết của Đảng và Nhà nước về tăng trưởng xanh.
Nhìn lại thực trạng của điện than
Nhà máy nhiệt điện (ảnh minh họa, nguồn: internet).
Theo số liệu tại dự thảo Quy hoạch Điện VIII, ước tính từ năm 2030 trở đi, Việt Nam sẽ phải chi hàng chục tỷ USD/năm để phục vụ việc nhập khẩu than và khí làm nhiên liệu cho sản xuất điện.
Với tỉ lệ nguyên liệu nhập khẩu ngày càng lớn, đặc biệt là nguồn khí nhập khẩu, nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế đánh giá nền năng lượng Việt Nam sẽ bị trói buộc với thị trường nhiên liệu thế giới vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến động.
Các kịch bản về giá khí đốt đang được xem xét trong Quy hoạch điện VIII, nếu không được đánh giá kĩ lưỡng, nhiều khả năng sẽ đưa Việt Nam vào thế bị động phải tiếp tục huy động nguồn điện sử dụng nhiên liệu hết sức đắt đỏ.
Theo đánh giá từ Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), dự thảo có xây dựng danh mục dự án điện than ưu tiên, là những dự án được đánh giá là chắc chắn xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn ngắn hạn 2021-2025. Tuy nhiên, đánh giá như vậy là chưa đủ căn cứ, bởi lẽ danh mục dự án ưu tiên của dự thảo có liệt kê 21 dự án điện than (đều kế thừa từ Quy hoạch điện VII).
Bên cạnh đó, phát triển nhiệt điện với tỷ trọng cao sẽ gia tăng phụ thuộc nguồn than, khí nhập khẩu và đặt ra rủi ro cho an ninh năng lượng quốc gia.
Trong khi đó, tiềm năng của năng lượng tái tạo vẫn chưa được Việt Nam khai thác tối đa. Điện gió ngoài khơi cũng chưa được triển khai và nguồn vốn cho loại hình năng lượng này cũng khá đa dạng, đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và trong nước.
Vấn đề triển khai đối với nguồn năng lượng tái tạo
Dự án điện gió và mặt trời (ảnh minh họa, nguồn: internet).
Theo nhận định từ Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu GWEC, hiện nay vẫn chưa rõ cách thức triển khai đối với nguồn năng lượng tái tạo trong Quy hoạch Điện VIII.
“Dự thảo đã quy định cụ thể danh mục dự án đối với các nguồn điện than, khí, thủy điện, năng lượng mới, chỉ trừ nguồn điện gió và điện mặt trời, mới chỉ quy định khối lượng điện phân theo vùng. Với điện gió và gió ngoài khơi, nhà đầu tư thường mất nhiều thời gian để chuẩn bị từ khâu tìm hiểu thị trường, khảo sát, đánh giá tiềm năng và triển khai xây dựng.
Chính vì vậy, việc Quy hoạch chưa đưa ra danh mục dự án và cách thức triển khai cũng như chưa làm rõ kế hoạch ngắn hạn và trung hạn sẽ gồm các nội dung gì; danh mục kế hoạch đầu tư nguồn điện sẽ được xây dựng như thế nào, sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc chuẩn bị và lập kế hoạch đầu tư của mình”, GWEC nêu rõ.
Tại Nghị quyết 55/NQ-BCT năm 2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã yêu cầu xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.
Bộ Công Thương mới đây cũng đã chính thức trình Chính phủ Đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII); trong đó đặt ra cơ cấu cụ thể các nguồn điện.
Cũng theo số liệu năm 2020 cho thấy, công suất lắp đặt điện mặt trời đạt mức kỷ lục 15 GW, đưa tổng công suất phát điện mặt trời Mỹ lên 76 GW, chiếm 3% nguồn cung điện. Để hoạt động NLTT (gió và mặt trời) không bị gián đoạn, cần đầu tư mở rộng hạ tầng tích điện từ 30 GW hiện nay lên 400 GW vào năm 2035 và 1.700 GW vào năm 2050.
Chi phí đầu tư cho chiến lược phát triển điện mặt trời chưa được công bố, nhưng hiệu quả từ cắt giảm phát thải CO2, cải thiện chất lượng không khí được ước tính 1.100 – 1.700 tỷ USD.
Trước đó, theo nghiên cứu mới của hãng tin Bloomberg, các tập đoàn công nghệ đã mua 23,7 GW năng lượng sạch vào năm 2020, tăng từ 20,1 GW năm 2019 và 13,6 GW năm 2018. Báo cáo cho thấy, các hợp đồng năng lượng sạch đã được ký kết bởi hơn 130 công ty trong các lĩnh vực từ dầu khí đến công nghệ lớn.
Hội nghị COP26 là dịp quan trọng để các nước; trong đó có Việt Nam đưa ra cam kết và giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu.
Trước đó, tại buổi gặp vào tháng 5 vừa qua, Chủ tịch COP26 Alok Sharma nhấn mạnh Việt Nam là một trong các đối tác làm việc quan trọng của Chính phủ Anh để chuẩn bị cho Hội nghị COP26.
Chủ tịch COP26 hoan nghênh cam kết và sự tham gia tích cực của Việt Nam tại các khuôn khổ đa phương về biến đổi khí hậu. Đồng thời Chủ tịch COP26 đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam nhằm giảm phát thải khí nhà kính, khẳng định Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm đẩy nhanh sự phát triển về lĩnh vực năng lượng xanh.
Trang Nhung