STVN – Ngày hội Thơ Ca Ba Miền do Hội Người Yêu thơ Việt phối hợp với CLB thơ Ban Mê tổ chức tại Đắk Lắk từ ngày 14 đến ngày 16/4, 2023 đã thành công tốt đẹp, sức lan tỏa của Ngày hội lan tỏa tới vô cùng.
“Ngôi nhà” chung của những người yêu thơ
Đó là Hội Người Yêu Thơ Việt – Một tổ chức thơ ca quần chúng, tập hợp người yêu thơ trong cả nước. Hội được thành lập và Đại hội lần thứ Nhất vào tháng 2/2018 tại Việt Trì và Đại hội lần Hai tổ chức ở Hà Nội tháng 12/2020. Hiện nay, nhà thơ Chử Thu Hằng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội làm Chủ tịch, nhà thơ Vũ Quần Phương là Chủ tịch danh dự. Các nhà thơ: Ngô Thái, Nguyễn Thu Hải, Lưu Quốc Trường, Giáo sư Nguyễn Bá Đức cùng một số nhà thơ, nhà văn Hội Nhà văn Việt Nam tham gia Ban Cố vấn. Ban lãnh đạo Hội phần lớn là các Cựu chiến binh, các cán bộ đã nghỉ hưu, họ là những người yêu thơ, rất nhiệt tình, hăng hái hoạt động trong phong trào thơ ca quần chúng, được các bạn thơ yêu mến và tín nhiệm.
Trong 5 năm hoạt động, Hội và hơn 50 CLB thơ thành viên đã có nhiều hoạt động sôi nổi, lành mạnh, mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nhiều ý nghĩa cho xã hội, cho các địa phương. Hàng năm, Hội tổ chức ngày thơ ở các địa phương trong cả nước, mỗi năm một địa điểm: Yên Bái, Hoà Bình, Hải Dương, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Đà Lạt… Năm 2022, sau Đại dịch Covid – 19, Hội đã phối hợp với Hội Thơ xứ Huế tổ chức Liên hoan Thơ ca ba miền tại thành phố Huế. Ngoài ra, Hội còn thường xuyên tổ chức các chương trình Tiếng thơ, các đợt vận động nhân các ngày lễ lớn và các sự kiện trọng đại của đất nước. Hội còn xuất bản 5 tập thơ: “Những tháng năm rực rỡ, “Hà Nội trong mắt tôi”, “Đất nước vào Xuân” tập 1, “Đất nước vào Xuân” tập 2 và “Dấu ấn Đại hội II” v.v.
Năm nay, được UBND tỉnh Đăk Lăk cho phép và được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hội VHNT tỉnh Đăk Lăk và Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh ủng hộ, Hội đã phối hợp với CLB Thơ Ban Mê do nhà thơ Lưu Tấn Văn làm Chủ nhiệm, tổ chức Ngày hội Thơ ca ba miền tại Đắk Lắk năm 2023 với chủ đề Nồng nàn Cao Nguyên nhân Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam 19/4. Nhân dịp này, Hội đã vận động đợt sáng tác về quê hương Đắk Lắk, chưa đầy một tháng đã có hơn 160 tác phẩm gửi tham gia. Tới đây, Hội sẽ chọn những bài thơ hay để in vào tập thơ Nồng nàn Cao Nguyên, dự kiến sẽ ra mắt nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023)
Qua tham dự những hoạt động của Hội, chúng tôi nhận thấy, hoạt động của Hội Người Yêu thơ Việt ngày càng phong phú; quy mô các sự kiện do Hội cùng các CLB thành viên tổ chức ngày càng lớn, mang tính chuyên nghiệp cao. Hội thực sự là “Ngôi nhà” chung của những người yêu thơ trong cả nước.
Dấu ấn Ban Mê
Những ngày diễn ra các hoạt động của Ngày hội Thơ ca ba miền tại Đăk Lăk năm 2023 đã để lại trong chúng tôi những dấu ấn đặc biệt như sau:
Thứ nhất, Ban Tổ chức đã tập hợp lực lượng đông đảo với gần 300 nhà thơ, văn nghệ sĩ và người yêu thơ thuộc 41 Hội thơ, CLB thơ đến từ 33 tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, nhiều nhà thơ cao tuổi như nhà thơ Tăng Ngọc Pho, 90 tuổi; nhà thơ Bạch Thị Thiêm, 80 tuổi…đến từ Hà Nội; Nhiều CLB tham gia đông người đến từ vùng cao, xa xôi như đoàn của Hội Thơ Yên Bái; đoàn Bình Phước; Bình Thuận, Cà Mau, Bến Tre, Hội Thơ xứ Huế v.v.
Dấu ấn thứ 2 đó là khâu tổ chức chu đáo, chuyên nghiệp. Từ đón tiếp, ăn nghỉ đến việc tổ chức các chuyến xe đưa đón, tham quan…Do bị động bởi số lượng người đăng kí tham gia tăng đột biến, khó tránh những sơ suất nhỏ nhưng tựu trung, công tác tổ chức và đều khoa học, theo kịch bản.
Dấu ấn thứ ba, đó là chương trình Ngày hội phong phú. Trong khuôn khổ của Ngày hội, các đoàn đã được tham quan những danh lam thắng cảnh nổi tiếng tại 4 huyện, thành phố của Đắk Lắk như: Lắk, Krông Bông, Krông Ana và thành phố Buôn Ma Thuột với 9 điểm: Đá Voi Mẹ, Hồ Lắk, biệt điện Bảo Đại, Làng Cà phê Trung Nguyên, Cà phê Đường sách, Buôn Ako Dhong, Bảo tàng tỉnh, thác Dray Nur và Liên hoan đốt lửa trại, Cồng chiêng Tây Nguyên, múa Xòe Tây Bắc, hò Huế, đờn ca tài tử, diễn ngâm thơ…
Dư âm tới vô cùng
Chúng tôi không ngại quá lời khi đánh giá: Dư âm của Ngày hội Thơ ca ba miền lan tỏa tới vô cùng là bởi, trong hàng trăm nhà thơ, nhà văn và người yêu thơ về dự Ngày hội, hầu hết đều rung động trước vẻ đẹp hùng vĩ của Tây Nguyên và đều ghi lại bức ảnh; đều sáng tác thơ, văn về đất và người Đắk Lắk đăng trên các trang cá nhân và các trang của CLB. Thông tin về Ngày hội Thơ ca ba miền, về đất và người Đắk Lắk không chỉ đăng tải trên các báo và còn tràn ngập trên các trang mạng xã hội đã lan tỏa tới vô cùng. Qua đó, Ngày hội Thơ ca ba miền không những có ý nghĩa nuôi dưỡng tình yêu thơ ca, tình yêu cuộc sống đối với đồng bào các dân tộc trong cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng mà còn góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
Nhà văn Minh Cao
MỘT SỐ HÌNH ẢNH.
\
Nhà thơ Lưu Tấn Văn, Chủ nhiệm CLB Thơ Ban Mê đón đoàn Hà Nội tại Sân bay Buôn Mê Thuột. Trong ảnh: Nhà thơ Lưu Văn Tấn, mặc áo xanh, tặng hoa cho Đoàn.
Các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức Ngày hội nhận Bằng khen của UBND tỉnh.
Nhà thơ Lưu Tấn Văn, Chủ nhiệm CLB Thơ Ban Mê – một trong những người có công lớn vào thành công của Lễ hội.
Tiết mục của Hội thơ Xứ Huế.
Đoàn Hà Nội.