STVN – Chưa bao giờ, tôi thấy sự vô trách nhiệm trước giá trị văn hóa, tồn tại lâu dài và ngang nhiên như thế ( đã 6 tháng), kể từ khi tôi có ý kiến lần đầy tiên. Do đó, tôi đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Thành ủy và UBND TP Hạ Long, xem xét, chỉ đạo các cấp dưới quyền, cho dỡ bỏ tất cả các bày vẽ tùy tiện rườm rà, vô căn cứ, vô văn hóa và cả vô chính trị này đi, trả lại Nhà Lưu niệm vẻ đẹp, sự trang trọng nghiêm cẩn và trong sạch, mà nó đã có như nhiều năm trước đây
Địa chỉ văn hóa nói ở đây là nơi có văn bản gốc bài thơ của vua Lê Thánh Tông khắc trên vách đá núi Truyền Đăng tháng 3/1468. Do sự kiện này mà nhân dân đổi tên núi Truyền Đăng thành núi Bài Thơ. Rồi từ bài thơ này mà có Ngày thơ Quảng Ninh được Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép tổ chức hằng năm vào ngày 29/3 (từ 1988 đến nay) và là tiền đề, để 15 năm sau (từ năm 2003) có Ngày thơ Việt Nam. Nơi đây cũng đã là điạ chỉ để Hội Nhà văn Việt Nam đã 3 lần tổ chức Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới, đưa khách quốc tế và các nhà văn cả nước đến thăm và một lần đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, cùng 150 nhà thơ, nhà văn quốc tế, từ đây, thả những câu thơ hay nhất Việt Nam lên trời, báo cáo với Trời Đất và Thiên hạ, về sự cường thịnh của một quốc gia có văn hóa là nước Việt Nam, ở một tỉnh có văn hóa là tỉnh Quảng Ninh.
Bài thơ này là 1 trong những dấu ấn văn hóa nằm trong Quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt – được một số đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm – đã được bổ sung vào Di sản thế giới vịnh Hạ Long. Để bảo vệ văn bản gốc của bài thơ, vào dịp kỉ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy và Thường trực Thành ủy Hạ Long, đã bổ móng để xây dựng một ngôi nhà 3 gian nhỏ, trân trọng, trước và trong nhà không bày biện gì, vì để bảo vệ và tôn vinh Bài Thơ, thì để chính Bài Thơ tự lên tiếng về giá trị vĩnh cửu của nó, không cần phải bày vẽ lằng nhằng, phản cảm. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy lúc đó là Đỗ Thị Hoàng hỏi tôi, nên đặt tên nhà là gì, tên là Đền thì không phải, vì Đền thờ thánh mà ở đây không thờ ai. Tôi bảo đó là Nhà Lưu niệm văn bản bài thơ gốc của vua Lê Thánh Tông tháng 3/ 1468. Nội dung là thế, nhưng chưa nên đề vội. Nhiều nhà thơ trong nước và quốc tế đã đến thăm, ai cũng khen là ngôi nhà giản dị mà có sự trầm tĩnh văn hóa rất phù hợp với di tích. Hằng năm Trao giải Lê Thánh Tông của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại biểu các cơ quan liên quan và các tác giả trúng giải, đều đến đây dâng hương trước Bài Thơ, để tưởng nhớ vị vua anh minh và nhà thơ lớn của dân tộc.
Để khách đến thăm đọc và hiểu được bài thơ, TP đã dựng 3 phiến đá ghi lại bài thơ của vua Lê bằng chữ Hán, bản phiên âm Hán Việt và bản dịch nghĩa ra tiếng Việt. Rất tiếc cả 3 bản đều sai, ai đọc cũng chê cười, rất đáng xấu hổ, đến mức buộc phải phế bỏ, TP đã đưa ra ngoài. Đầu tiên là để không, tựa vào vách núi, rồi lãnh đạo nghĩ ngợi thế nào, lại cho xây nền và làm mái che, để bảo vệ sự sai phạm về văn hóa của 3 vật thể đã bị loại bỏ, có lần tôi qua vào ngày lễ, còn cắm cả cờ đỏ sao vàng lên mái.
Phía trước nhà Lưu niệm, TP lại cho xây mới một tấm bình phong án ngữ cái sân đã quá chật hẹp, bức bối. Trước cửa nhà, lại trưng lên tấm biển đỏ đề ĐỀN BÀI THƠ. Tên này rõ ràng là sai.
Bước vào trong, mới thấy một dẫy bàn thờ bày suốt 3 gian, khán thờ trình bày sặc sỡ và loè loẹt, chữ khắc vào bàn thờ là thờ Hưng Nhượng vương Trần Quốc Nghiễn. Trần Quốc Nghiễn đã có đền thờ riêng rất trân trọng cách đây có một đoạn đường, sao lại còn thờ ở đây, ở ngay Trung tâm Nhà Lưu niệm bài thơ Vua, với các chữ thờ Kính ngưỡng tại, ở giữa và hai bên các chữ“ Sơn lâm ứng / Thủy thần chi” … không có nội dung và sở cứ gì. Hai cột ngoài cửa “ Đền” đắp nổi đôi câu đối: “Núi dựng vách nghiêng in nét bút / Trăng soi thơ họa cảnh nước non”, là 2 câu vịnh cảnh cấp phường xã, rất tùy tiện tầm thường… Lại có cả “ Nhà sắp lễ ”… để cúng khấn… rất không ổn, phá vỡ sự trầm tĩnh giản dị và nghiêm cẩn của Nhà Lưu niệm.
Trong nhà (tạm gọi là “hậu cung”) nơi có văn bản bài thơ gốc của vua Lê, nay trong khoảng rất hẹp, lại bày thêm cái bàn thờ nữa đặt rất chướng ở phía trước 3 bài thơ, rất phản cảm. Phiá sau bàn thờ ấy, là 3 bài thơ, 1 bài của vua Lê và 2 bài khác là của 2 cha con ông Nguyễn Văn Bản. Bài ông Bản sáng tác năm 1929 và bài của Quan thự tuần phủ tỉnh Quảng Yên, Nguyễn Văn Đào ( ghi rõ là con trai ông Nguyễn Văn Bản ) sáng tác năm 1935, cả 2 đều là thơ vịnh cảnh tương tự như thơ Câu lạc bộ phường xã bây giờ… Chỉ riêng việc hai cha con ông ta tự khắc thơ mình cũng khuôn khổ với thơ vua, liền cặp ngang với thơ vua, tương tự như thơ vua, đã phạm tội bất kính, phạm thượng, khi quân. Nếu còn ở thời Lê, thì tội đó chém đầu mà không phải xử. Vậy tại sao TP lại bày ra cái trò lởm khởm này, trình bày trên bảng rộng cả 3 bài thơ ngang nhau, để cùng thờ cúng. Sắp tới, tại TP Hạ Long sẽ có Hội thảo toàn quốc về thơ Đường thời Lê và thơ Lê Thánh Tông đề ở núi Bài Thơ, sau đó là Lễ Trao giải Lê Thánh Tông lần thứ 36, các đại biểu toàn quốc từ các tỉnh thành, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các đại biểu thay mặt cho các ngành và các nhà thơ, các bạn thơ trúng giải, lại dâng hương khấn vái trước 2 bài thơ của 2 cha con ông Bản này hay sao ? Tôi chịu, hoàn toàn không hiểu nổi. Tôi hỏi một số đồng chí lãnh đạo Thành ủy và ban chức năng của TP, họ đều bảo là họ không biết.
Còn bài thơ của vua Lê, bản dịch nghĩa, một số câu trái ngược hẳn với văn bản đã được Hội thảo khoa học do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh chủ trì tổ chức, phối hợp với Viện Văn học, Viện Hán Nôm, UBND thị xã Hồng Gai, Sở Văn hóa thông tin Quảng Ninh, do đồng chí Nguyễn Thị Hồng Cường, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh QN lúc bấy giờ. khai mạc, với nhiều bậc thầy của ngành văn hóa, lịch sử và Hán Nôm Việt Nam, như các GS Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Huệ Chi, Đặng Văn Bài, Hoàng Giáp … tham dự, cùng thảo luận và xác quyết các giá trị khoa học. Văn bản Tổng kết của GS Huệ Chi, các báo cáo, tham luận khoa học của GS Phan Huy Lê, GS Hà Văn Tấn…vân vân… Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh do Trưởng ban Thường vụ Tỉnh ủy Nguyễn Danh Ký đã kí, in thành sách “ Núi Bài Thơ, Lịch sử và Danh thắng” từ năm 1992, nay vẫn lưu hành và còn nguyên vẹn giá trị. Vậy ban hành các văn bản có nhiều chỗ ngược hẳn lại với các văn bản khoa học đã được khẳng định và xuất bản trên, như đã làm, là để làm gì? Điều đó rất không có lợi, vì nó có thể gây ra sự hiểu lầm, là có ai đó muốn đảo ngược một trong các giá trị mà Tỉnh ủy mấy khóa trước đã xác lập, trái với ý kiến của đồng chí Nguyễn Xuân Ký, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh hiện nay: Tỉnh ủy và UBND tỉnh luôn biết ơn, kế thừa và phát huy những thành tựu của cấp ủy các khóa trước ?
Cụ thể: trong bài thơ vua Lê, có câu: “Hải Đông phong toại tức lang yên”. Các nhà khoa học xác nhận Hải Đông là tên tỉnh Quảng Ninh ở thời Lê, sao nay lại phủ nhận cho là biển Đông “đốt lửa trên biển Đông”. Vua Lê viết “ yển vũ tu văn ” là thành ngữ, các nhà tinh thông Hán học đều nhất trí “yển” là “giảm”, là “dẹp bớt” – vì là thời bình, không cần tập trung lớn về quân sự như thời có chiến tranh, chứ ko phải NGỪNG, không phải bãi bỏ, không phải “ sao nhãng, lãng quên việc võ bị quốc phòng “ ( “Tổng tập thơ chữ Hán Lê Thánh Tông” , trang 117 Viện Hán Nôm, Nxb Văn học tái bản năm 2003). Sao ở đây, lại ghi vào bảng chữ để thờ là “NGỪNG việc võ” (?). Đây là một sai lầm nghiêm trọng về chính trị, về chiến lược quốc gia, sao lại để cái sai lầm lớn đến mức như thế lên mà thờ. Bài thơ được xác định là Bản Tuyên ngôn của Quốc gia Đại Việt cường thịnh, sao việc võ lại NGỪNG là thế nào? Và nếu như thế, chúng ta giải thích với các cháu thanh niên thế nào về nghĩa vụ quân sự, nói với các thế hệ học sinh thế nào về bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc, khi việc võ đã NGỪNG.
Tôi rất ngạc nhiên, khi có một ý tưởng nông cạn, tùy tiện và sai lầm đến mức nguy hiểm như thế, mà không ai biết, không ai can ngăn, lại còn đem ra mà thờ. Ấy là chưa kể ý nghiã các câu thơ khác, bị hiểu sai, như “ Tín thủ giao đề Tốn Nhị quyền”, các GS, giải thích “ Tốn Nhị quyền” là điển tích của Kinh Dịch, sức mạnh của quốc gia, như “2 luồng gió lớn chồng lên nhau”, sao đây lại ghi là “khiêm tốn ” khi sử dụng quyền lực của nhà vua…. ( ? ) Vân vân… Tôi xin cho qua, để bàn lại vào dịp khác, nếu điều đó là cần. Những tư liệu đó, nếu chỉ để tham khảo nội bộ, thì không nói làm gì. Ở đây là những văn bản chính thức, có tính nghi lễ, để thờ, để thắp hương kính lễ, để tâm nguyện mà nói theo, mà làm theo, đồng thời, quảng bá trước bạn bè trong nước và quốc tế…
Những điều trên, tôi đã báo cáo với Sở Văn hóa Thông tin và được trả lời, đây là xây dựng mới, không phải tín ngưỡng, không phải di sản cũng không phải văn hóa, sở không có trách nhiệm. Việc đó là của phòng Văn hóa và phòng Nội vụ TP giải quyết là xong. Tôi đã báo cáo trực tiếp với Bí thư Thành ủy, Bí thư nói sẽ tiếp thu, nhưng đã lâu không thấy có hiệu quả gì. Chưa bao giờ, tôi thấy sự vô trách nhiệm trước giá trị văn hóa, tồn tại lâu dài và ngang nhiên như thế ( đã 6 tháng), kể từ khi tôi có ý kiến lần đầy tiên. Do đó, tôi đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Thành ủy và UBND TP Hạ Long, xem xét, chỉ đạo các cấp dưới quyền, cho dỡ bỏ tất cả các bày vẽ tùy tiện rườm rà, vô căn cứ, vô văn hóa và cả vô chính trị này đi, trả lại Nhà Lưu niệm vẻ đẹp, sự trang trọng nghiêm cẩn và trong sạch, mà nó đã có như nhiều năm trước đây./.
Nhà thơ TRẦN NHUẬN MINH