LĐST – Để nâng cao khả năng thích ứng của thế hệ trẻ Việt Nam và nhân dân ta trong hội nhập đòi hỏi nền giáo dục nước ta phải đổi mới căn bản và toàn diện.
Mục tiêu chiến lược là hình thành một đội ngũ lao động mới chất lượng cao, giỏi nghề, có nhân cách trung thực, độc lập suy nghĩ và sáng tạo. Đổi mới tư duy trở thành một mục tiêu then chốt của giáo dục Việt Nam hiện đại.
TS. Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội VLCA phát biểu trong Hội thảo Khoa học.
Trước những chuyển biến lớn lao của đất nước và thời đại chúng ta không thể không đổi mới tư duy. Đổi mới tư duy trở thành nhu cầu sống còn, quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả phát triển. Đổi mới tư duy trở thành khâu đột phá, điểm xung yếu, điểm đòn bẩy để thúc đẩy phát triển.
Để nâng cao khả năng thích ứng của thế hệ trẻ Việt Nam và nhân dân ta trong một thế giới đang khủng hoảng và đầy biến động đòi hỏi nền giáo dục nước ta phải đổi mới căn bản và toàn diện. Trong đó mục tiêu chiến lược là hình thành một đội ngũ lao động mới chất lượng cao, giỏi nghề, có nhân cách trung thực, độc lập suy nghĩ và sáng tạo. Đổi mới tư duy trở thành một mục tiêu then chốt của giáo dục Việt Nam hiện đại.
Giáo dục
Về bản chất là rèn luyện tư duy, đổi mới tư duy theo hướng tư duy tích cực, tư duy khoa học, tư duy hệ thống, tư duy sáng tạo. Trong sự thay đổi nhanh chóng, bất định của thế giới hiện đại rất coi trọng hình thành và phát triển tư duy sáng tạo. Tư duy sáng tạo là đỉnh cao của năng lực tư duy. Chúng ta có thể thấy rõ tư duy sáng tạo nằm ở đỉnh của Thang Bloom.
Những sự thay đổi của Thang Bloom.
Trong 6 cấp độ tư duy thì khả năng tư duy phân tích, tổng hợp, đánh giá, sáng tạo là cấp độ tư duy bậc cao. Vì vậy, phát triển năng lực tư duy logic, tư duy hệ thống, tư duy phản biện, tư duy sáng tạo chính là phát triển năng lực tư duy bậc cao trong quá trình phát triển tư duy khoa học.
Nền giáo dục của chúng ta hiện nay do tác động của nhiều yếu tố nhất là các yếu tố liên quan đến nền tảng kinh tế, văn hóa, tư duy truyền thống (tiểu nông, phong kiến, giáo điều…), chưa coi trọng rèn luyện tư duy, đổi mới tư duy, phát triển tư duy sáng tạo. Trong trường học, các môn học vẫn chủ yếu coi trọng mục tiêu kiến thức, kỹ năng, thái độ (thiếu mục tiêu đổi mới tư duy). Trong cách dạy, cách học chưa hết tình trạng đọc chép, học vẹt, nhồi nhét…
Trong xã hội, tư duy lối mòn, rập khuôn, máy móc, thụ động, tư duy ăn xổi, chụp giựt, “mì ăn liền”…vẫn đang chi phối rất mạnh tới cách nghĩ, cách làm của nhiều người. Không phải chỉ người dân làm sạch rồi nhà mình đổ rác ra đường mà có nhiều doanh nghiệp cũng thải chất độc hại vào môi trường cho muôn người gánh chịu để giảm chi phí cho doanh nghiệp và tăng lợi nhuận. Thiếu tư duy hệ thống, tư duy sáng tạo cũng có thể thấy rõ trong một số chủ trương, chính sách và hành vi của nhiều công chức, viên chức.
Đổi mới tư duy vì vậy trở thành nhu cầu cấp bách đối với đất nước ta nhất là từ Đại hội Đảng VI (1986) đến nay. Đảng coi đổi mới là nhu cầu sống còn.
Để thúc đẩy sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước ta, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế đòi hỏi giáo dục đào tạo phải coi trọng mục tiêu rèn luyện tư duy khoa học, phát triển tư duy sáng tạo, tư duy hệ thống, kiên quyết chống sức ỳ tâm lý, tư duy lối mòn, máy móc, rập khuôn đang tồn tại phổ biến hiện nay.
Cần quán triệt tư tưởng đổi mới tư duy là mục tiêu chiến lược của giáo dục Việt Nam hiện đại. Đổi mới cách nghĩ, cách làm, dám nghĩ, dám làm phải được quán triệt trong từng môn học, trong từng chương trình đào tạo và trong toàn bộ xã hội học tập, học tập suốt đời.
Cần đầu tư để sớm đưa Khoa học tư duy, Khoa học hệ thống, Khoa học Sáng tạo vào giảng dạy trong tất cả các trường đại học, cao đẳng tạo nền tảng khoa học cho công cuộc đổi mới tư duy, rèn luyện tư duy hệ thống, tư duy sáng tạo và phát triển năng lực sáng tạo và đổi mới của dân tộc ta. Cùng với đó phải kiên quyết chống sức ỳ tâm lý, tư duy lối mòn, bệnh giáo điều, máy móc, rập khuôn đang tồn tại phổ biến hiện nay.
Khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dân tộc ta trở thành một “dân tộc thông thái”, nước ta “vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu”. Người cũng chỉ rõ con đường để thực hiện khát vọng đó là đổi mới và sáng tạo. “Chỉ cần chúng ta có đầy đủ ý thức làm chủ, tinh thần tập thể, kỷ luật và ra sức học tập, nâng cao trình độ văn hóa, kỹ thuật, có tinh thần sáng tạo, tìm tòi cái mới, học tập cái mới, ủng hộ cái mới, thực hiện cái mới thì việc gì chúng ta cũng làm được” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 10, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 314).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lá thư cuối cùng gửi các doanh nhân Việt Nam (ngày 06/9/2013) có viết: “Mong rằng các đồng chí sẽ giữ vững ý chí vươn lên theo tinh thần luôn luôn đổi mới, luôn luôn sáng tạo, nghĩ những điều chưa ai nghĩ, làm những việc chưa có tiền lệ, với ý thức vượt khỏi những ràng buộc của lối mòn… không ngừng mở rộng tầm nhìn, phát triển thị trường, xây dựng doanh nghiệp vươn tới trình độ khu vực và quốc tế trong thời đại Hồ Chí Minh, xứng danh với truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc”.
Trong công cuộc “Hội tụ – Làm giàu – Kiến quốc”. “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp. Cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo” (Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”).
Sáng tạo là linh hồn của đổi mới, là phương thức tồn tại của văn hóa, là động lực của phát triển, động lực của nền kinh tế tri thức, nền kinh tế sáng tạo. Xây dựng xã hội sáng tạo, phát triển hệ thống sáng tạo đổi mới quốc gia là mục tiêu hướng tới của tất cả các quốc gia khởi nghiệp, quốc gia văn hóa lấy sáng tạo và đổi mới làm giá trị cốt lõi để.phát triển bền vững.
Trong sự nghiệp đó rèn luyện tư duy khoa học, phát triển tư duy sáng tạo, đổi mới tư duy luôn là mục tiêu chiến lược, chứa đựng giá trị cốt lõi của giáo dục Việt Nam hiện đại.
TS. Nguyễn Văn Thanh