LĐST – Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đang là giải pháp để TP. Hà Nội đột phá, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Trong bối cảnh lao động công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng cao, các khoản chi phí đầu tư về giống, nhân công, lao động nông nghiệp giảm mạnh thì việc ứng dụng các mô hình công nghiệp vào sản xuất là phù hợp với thực tế.
Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết thành phố đang triển khai nhiều ứng dụng mô hình công nghiệp cao vào việc sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật, giống, vốn, nguồn thức ăn và chế phẩm sinh học cho người dân để xây dựng mô hình “Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP”. Nhờ thay đổi phương thức, quy trình sản xuất, hiệu quả kinh tế cao hơn 10% so với trước đây.
Mô hình áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và sử dụng dịch vụ phòng trừ dịch hại bảo vệ thực vật bằng công nghệ cao (sử dụng máy bay không người lái) hiện đang được Trung tâm khuyến nông Hà Nội áp dụng tại xã Dị Nậu và xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất) trên quy mô 100ha đã mang đến những hiệu quả rõ rệt.
Ảnh minh họa mô hình sản xuất mạ khay (nguồn Internet)
Bên cạnh đó, huyện Thạch Thất còn thực hiện thành công mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy máy. Trước đây, bà con chủ yếu canh tác sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống, cấy tay quá dày dễ gây ra nhiều sâu bệnh, năng suất kém. Khi chuyển sang cấy bằng mấy, sử dụng mạ trong các khay, không phải trái qua giai đoạn nhổ mạ cấy nên hạn chế được hiện tượng đứt rễ, cây bén nhanh hơn, khả năng chống chịu thời tiết tốt hơn và cho năng suất cao hơn.
Năm 2021, ngành Khuyến nông Hà Nội tổ chức thực hiện 20 dạng mô hình gồm trồng trọt, cơ giới hóa, chăn nuôi, thủy sản tại 75 điểm với 1.263 hộ nông dân tham gia. Trong đó, mô hình sản xuất dưa chuột ứng dụng công nghệ cao đang được nhiều người nông lựa chọn do mô hình giúp tiết kiệm thời gian và công sức lao động, tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng.
Mô hình sản xuất dưa chuột ứng dụng công nghệ cao (ảnh Trung tâm khuyến nông Hà Nội)
Theo Trung tâm khuyến nông Hà Nội, việc áp dụng hệ thống nhà màng giúp hạn chế tối đa côn trùng, sâu bệnh hại xâm nhập cũng như khắc phục các yếu tố bất lợi của thời tiết. Hệ thống nước tưới tự động bằng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel là phương pháp hiệu quả giúp cây trồng hấp thu tối đa dưỡng chất, đồng thời hạn chế thất thoát nước cho cây trồng. Mỗi cây dưa chuột được trồng trong một bầu giá thể bằng phân trùn quế trộn xơ dừa. Đất, nước, dinh dưỡng được quản lý theo đúng quy trình kỹ thuật mang đến cây trồng nguồn dưỡng chất dồi dào và đồng đều nhất. Trung bình mỗi cây đạt năng suất từ 2 – 2,5 kg quả. Với giá bán hiện nay là 25.000 đồng/kg, mô hình cho lợi nhuận từ 70 – 80 triệu đồng/1.000m2/năm (3 vụ).
Tuy có một số nhược điểm về kinh phí đầu tư, triển khai trên thực tế song việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp luôn là xu hướng phát triển, không chỉ đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường mà còn tiết giảm nhân công lao động, chi phí sản xuất.
Trong thời gian tới, Trung tâm khuyến nông Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất, có sự giúp đỡ thiết thực trong việc chuyển giao kỹ thuật với người dân. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần có những chính sách đầu tư một cách mạnh mẽ trong triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, giúp người nông dân kịp thời nắm bắt các cách thức, phương thức sản xuất mới, hiện đại để nhanh chóng nâng cao chất lượng đời sống.
Lan Phương