STVN – Nhân dịp đọc các tác phẩm văn học có đề tài lịch sử do các tác giả trẻ Việt Nam sáng tác
Trong số các cách để hiểu bản thân mình hơn (và hiểu con người xung quanh mình hơn), thì có một cách rất bất ngờ, đó là thông qua những tác phẩm do người trẻ, những câu chuyện lịch sử do người trẻ biên soạn. Người ta nói, con người đã sống quá lâu để tất cả mọi chuyện mang “nhân chi thường tình” đều đã xảy ra. Chẳng còn chuyện gì là không thể trong một đời sống: cái ta gặp hôm nay, cái ta sẽ gặp ngày mai, thì người đời đã gặp từ lâu rồi, trong quá khứ.
Thế nên, lịch sử là một thực tại của văn chương. Đâu có ai đi chứng thực lời kể trong Sử Ký nữa. Điều quan trọng là nó để lại bài học, để con người thấy mình trong đấy. Hay nói cách khác, từ các câu chuyện của quá khứ, người ta tìm thấy sao chiếu mệnh của mình. Một thời, muốn ngẫm ra cái hay dở, được mất, hoàn hảo hay bất hảo, vinh nhục cũng như khôn dại của đời mình, người ta phải bám cái nhìn của mình qua hình ảnh của kẻ khác. Và qua đó, dự đoán trước kết cục. Thái Bình Thiên Quốc chính là câu chuyện của tập thể, khi đã đến đỉnh vinh quang thì tan rã. Cách Mạng Pháp là gì nếu không phải là cái đẹp của một niềm tin ngây thơ.
Khi viết truyện trên cảm hứng lịch sử, các tác giả Việt Nam phần nhiều là mong muốn truyền tải tình yêu đất nước đến với các bạn đọc. Phần nhỏ hơn, là thể hiện các câu chuyện của con người. Chẳng hạn, Như Sơ của tác giả Việt Chi đã đành là một câu chuyện thời Trần, nhưng trên hết, là chuyện của tiết hạnh đạo nghĩa trong đời sống hôn nhân. Ngày nay, con người có yêu thương nhau như vậy nữa không, trong đạo nghĩa vợ chồng? Người ta biết rất nhiều thứ bằng wikipedia, có được nhiều dữ liệu và kiến thức, nhưng những chữ đạo, chữ tình thì cần phải sống để nắm bắt. Sống không cách nào khác là tự trải nghiệm, hoặc tìm được tấm gương soi vào, từ cổ nhân.
Trăng Tan Đáy Nước của Hoàng Yến là tập truyện ngắn hư cấu dựa trên lịch sử, mà còn để lại bài học sâu sắc về cách nhìn nhận quá khứ qua lăng kính đa chiều và lòng tự hào dân tộc. Song, tình yêu của các nhân vật tồn tại không phải để ngợi ca, mà là: dẫu tình yêu đẹp, con người cũng không thể chỉ sống vì nó. Những người phụ nữ không lệ thuộc vào tình yêu, họ đã chọn lựa cách sống của mình. Cao cả nhất trong đó, là Nam Phương Hoàng Hậu, trong truyện ngắn cuối cùng. Qua các nhân vật, ta nhìn thấy khuôn mặt của tác giả, và cái đích của đọc sách không gì khác là tìm ra được identity, tìm ra giọng nói, khuôn trang riêng của người viết, đó là những gì authentic nhất, xen giữa những thứ fake mà ngày nay công nghệ AI có thể tạo ra.
Nhưng ở chiều ngược lại, người đọc tìm đến lịch sử lại còn vì những “xung động” của lịch sử không thể tìm thấy trong đời thường. Qua thời gian, những nét thừa của một câu chuyện đời được tỉa bớt, thậm chí tỉa đi rất quá tay, người ta chỉ còn thấy lại những gì rực rỡ nhất: binh biến, suy tàn, những quyết định một mất một còn. Trong đời thực, trong hiện tại, những điều đó đều có cả, nhưng nó ở mức độ tiềm năng. Ví dụ, sự áp đặt, chẳng hạn, của một người cha lên gia đình con cái… chính là những đồng dạng với cách cai trị của vị vua trong các triều đại. Lịch sử làm tấm gương phóng lên những điều ta tai nghe mắt thấy trong cuộc sống hằng ngày. Nhiều cây bút trẻ được hỏi: tại sao, cùng là chuyện tình yêu, chúng tôi không viết hẳn luôn truyện lấy bối cảnh hiện đại? Nhưng giống như Milan Kundera – cuộc sống không ở đây – để nhìn thấy bản chất cuộc đời, thì phải đẩy các dạng thức sống lên đến cùng cực, như trong một tập truyện Linh Lan từng xuất bản: Phăng Teo –người ta chỉ thực sự bộc lộ hết con người khi rơi vào những trạng huống đặc biệt mà thôi.
Với Lê Sơ Chi Mộng của tác giả An An, câu chuyện không chỉ còn trong vòng quan sát, mà các nhân vật đã thực sự tham gia: Câu chuyện kể về Nguyễn An Sinh – một cô gái sống ở thế kỷ 21 trong một lần cùng đồng đội làm nhiệm vụ truy quét nhóm tội phạm buôn ma tuý ở vùng cửa khẩu Điện Biên, vì đỡ đạn cho cấp trên mà linh hồn vô tình xuyên không về hơn sáu trăm năm trước, nhập vào thân xác Lê Nhật Lệ, con gái thứ hai của Đại Đô đốc tướng quân Lê Ngân triều Lê Sơ. Ban đầu, nhân vật chính chỉ muốn tìm cách thoát: đó là lối ra theo lương năng thông thường trong va đụng của các thực tại. Nhưng về sau, cô nhận thức được tình thế của mình là “đối diện đây rồi”, đích đến của câu chuyện xoay từ việc làm sao để yên thân, đến việc nhận ra trách nhiệm của mình. Nhân vật từ đầu truyện đến cuối truyện có sự phát triển tâm lý vượt bậc: đó chính là ẩn dụ cho những trải nghiệm lịch sử, hay cao hơn, thế sự. Câu chuyện của Lê Sơ Chi Mộng không phải chỉ là truyện truyền tải một thông tin lịch sử, nó chính là câu chuyện về người đọc sử. Và qua con mắt của tham gia, những nhân vật mới hiện lên bằng hết điều ta nghĩ về họ: Thần phi Nguyễn Thị Anh, Chiêu Nghi Lê Nhật Lệ. Những người phụ nữ làm nên công năng của lịch sử, đưa lịch sử đi lên bằng việc khoát tay mở lối cho các dòng chảy ngầm.
Vậy, người đọc sử và người viết sử, bên nào quan trọng hơn? Ngô Sĩ Liên trước khi biên Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, thì còn là độc giả của bộ sử Lê Văn Hưu. Lịch sử chỉ là những gì còn sót lại, phần hấp dẫn nhất của nó, cái bóng tối phủ quanh nó, phải được lấp đầy bằng kinh nghiệm của những người đang sống, chỉ có cách cư xử như vậy mới có thể tiên tri được tương lai hòng nhận thức được những gì có ý nghĩa, sẽ đến trong đời.
Cát Tiên