STVN – Giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ em những việc làm ý nghĩa để giúp trẻ có những nhận thức đúng đắn làm hành trang vào đời sau này. Trong số đó, dạy trẻ bảo vệ môi trường thông qua những việc làm đơn giản là điều vô cùng cần thiết.
Đặng Thiên Sơn
Kỳ nghỉ hè năm học 2023-2024 đang tới gần, hàng triệu trẻ em trên cả nước sẽ được nghỉ hơn hai tháng ở nhà tham gia các hoạt động của gia đình và địa phương. Có hai hoạt động quan trọng diễn ra trong dịp hè là, kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15-5) và ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6). Đây là dịp các tổ chức đoàn, đội, các cơ sở trường học và nhiều đơn vị doanh nghiệp mở các lớp dạy kỹ năng, tổ chức trại hè, vừa giáo dục kỹ năng mềm, vừa hưởng ứng chào mừng các ngày lễ lớn. Thiết nghĩ trong các hoạt động giáo dục cho trẻ em trong dịp hè các tổ chức, đoàn thể nên quan tâm và đẩy mạnh việc giáo dục bảo vệ môi trường cho các em.
Tại sao nên giáo dục trẻ em bảo vệ môi trường?
Việc bảo vệ môi trường là vấn đề mang tính toàn cầu. Những năm gần đây sự biến đổi mạnh mẽ của môi trường đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế và văn hóa của mỗi quốc gia. Nhất là ở Việt Nam vài thập niên trở lại đây ô nhiễm môi trường luôn ở mức báo động.
Để giảm dần sự ô nhiễm, việc giáo dục bảo vệ môi trường sống là điều hết sức cần thiết cho tất cả mọi người. Ở bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến việc giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ em. Bởi vì trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước. Mặt khác, theo các nhà nghiên cứu, việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cần hình thành từ sớm, ngay từ lứa tuổi mầm non, mới tạo được thói quen và ý thức cho trẻ trong suốt hành trình sống.
Vì vậy trong dịp nghỉ hè, nhiều hoạt động đào tạo kỹ năng được triển khai ở các cấp cơ sở đoàn, đội nên lồng ghép việc giáo dục bảo vệ môi trường vào các hoạt động hàng ngày để trẻ có thể vừa học vừa chơi, vừa tiếp thu được kiến thức một cách hiệu quả nhất. Thông qua các hoạt động ấy, giáo viên lên kế hoạch tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động với những trải nghiệm khác nhau. Từ đó, trẻ được tiếp cận với những tình huống có vấn đề và tự đưa ra cách giải quyết các vấn đề mang lại cho các em kiến thức và trải nghiệm thú vị.
Hình ảnh minh họa
Các bước giáo dục trẻ bảo vệ môi trường hiệu quả
Cung cấp các kiến thức chung, cơ bản
Đầu tiên để giúp trẻ có ý thức trong bảo vệ môi trường chúng ta phải cung cấp cho các em các kiến thức chung về tác hại của ô nhiễm môi trường. Thế nào là môi trường sạch, môi trường bẩn? Vì sao không khí bị ô nhiễm, ô nhiễm môi trường sẽ gây ra những tác hại như thế nào? Tại sao cần rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh? Tại sao cần bảo vệ và trồng cây xanh… Khuyến khích các bé tìm hiểu bằng cách viết bài thu hoạch, hoặc tham gia các cuộc thi nho nhỏ. Tự các em khám phát và tìm hiểu sau đó giáo viên, hoặc phụ trách đoàn, đội nhắc lại kết quả các em tiếp nhận được sẽ tốt hơn.
Giáo dục trẻ bảo vệ môi trường thông qua hoạt động chơi
Có rất nhiều trò chơi, nhất là trò chơ dân gian giúp trẻ vừa rèn luyện sự nhanh nhẹn về thể lực, vừa có kỹ năng phản xã, vùa quan sát được sự biến đổi của môi trường. Người quản trò nên tổ chức trò chơi nơi có nhiều cây cối, khí hậu mát mẻ. Để từ đó các bé thấy được lợi ích của việc môi trường trong sạch thoáng đãng sẽ giúp các em sảng khoái và vui vẻ hơn. Quá trình nghỉ giữa giờ chơi người quản trò có thể hỏi: Tại sao cây bị héo? Cây sống được là do đâu? Muốn cây xanh tốt chúng ta phải làm gì? Chính những câu hỏi, lời dẫn dắt của của người tổ chức sẽ dần hình thành ở trẻ ý thức về bảo vệ cây xanh, môi trường xung quanh…
Hình thành thói quen cho trẻ
Hướng dẫn trẻ hình thành các thói quen như lau dọn nhà cửa, sắp xếp đồ chơi, đồ dùng gọn gàng, tự gấp chăn sau khi ngủ dậy, xếp đặt ngăn tủ của mình ngăn nắp. Tuyệt đối không được vứt rác bừa bãi hay để lớp học bừa bộn. Tăng cường các hoạt động lao động công ích để trẻ hình thành những thói quen tốt trong bảo vệ môi trường.
Khuyến khích trẻ làm đồ tái chế
Giáo dục trẻ dùng chai nước đã qua sử, dụng, các hộp xốp để trồng cây, trồng hoa. Hướng dẫn trẻ làm các đồ chơi tái chế như vỏ lon bia, vỏ trứng, giấy báo, lõi giấy vệ sinh, bìa cứng, ống hút… Qua việc sáng chế đồ tái chế các em vừa phát triển trí thông minh vừa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Ngoài các bước trên chúng ta thường xuyên nhắc nhở các em tự giác vệ sinh bản thân và tuyên truyền cho phụ huynh cùng đồng hành giúp các em nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ thông qua trải nghiệm là một cách học thông qua làm. Thông qua các buổi lao động công ích trẻ được nhìn thấy những hành vi phá hoại môi trường và những ảnh hưởng khi môi trường bị ô nhiễm như: phá hoạt cây xanh, vứt rác bừa bãi, săn bắn động vật… Từ đây trẻ có cái nhìn đúng, sai về ý thức và hành vi bảo vệ môi trường sống. Có thể nói rằng, hè là dịp tốt nhất để chúng ta giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ thông qua các hoạt động đoàn đội ở địa phương.