STVN – Sáng nay, ngày 09 tháng 07 năm 2024, tại văn phòng của tập đoàn Vingroup đã diễn ra cuộc họp quan trọng nhằm giới thiệu công nghệ xử lý nước thải PVIC do công ty Vinse phát triển.
Sáng ngày 09 tháng 07 năm 2024, tại văn phòng của tập đoàn Vingroup tham dự cuộc họp có sự góp mặt của Ban lãnh đạo cùng các chuyên gia hàng đầu từ công ty Vinse, với những phần trình bày và chia sẻ chi tiết về công nghệ xử lý nước thải tiên tiến theo xu hướng Công nghệ Xanh. Công nghệ PVIC được kỳ vọng sẽ mang lại giải pháp hiệu quả cho việc xử lý nước thải tại các công trình đô thị của Tập đoàn Vingroup, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Cuộc họp đã diễn ra trong không khí nghiêm túc và cởi mở, với nhiều câu hỏi và thảo luận sôi nổi từ các bên liên quan nhằm tìm ra các giải pháp tối ưu cho việc áp dụng công nghệ này trong thực tế.
Ban lãnh đạo cùng các chuyên gia hàng đầu từ công ty Vinse
Bảo vệ môi trường nói chung và xử lý nước thải nói riêng đều nằm trong chiến lược phát triển bền vững của tập đoàn. Vingroup cam kết phát triển bền vững, bảo vệ môi trường trong tất cả các hoạt động kinh doanh. Tập đoàn đã triển khai nhiều chính sách, chương trình cụ thể như ứng dụng công nghệ xanh: sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, xử lý nước thải, quản lý chất thải hiệu quả, thu gom, phân loại, xử lý rác thải theo quy định, trồng cây xanh tại các khu đô thị, khu du lịch, nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường cho cán bộ nhân viên và khách hàng. Tại Việt Nam, Vingroup được biết đến là doanh nghiệp tiên phong trong việc ứng dụng Công nghệ Xanh để xử lý nước thải cho các đại đô thị của mình, với mục tiêu xây dựng khu đô thị xanh, tạo những đóng góp đáng kể vào việc bảo vệ môi trường sống cho cư dân của khu đô thị nói riêng và môi trường xung quanh nói chung. Công nghệ Xanh là công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, thường được áp dụng trong các công trình xử lý nước thải đô thị tại nhiều nước trên thế giới, giúp cho công trình xử lý nước thải được “xanh hóa” và thân thiện hơn với môi trường, hài hòa với cảnh quan khu đô thị và đặc biệt giúp chủ đầu tư tối ưu và giảm chi phí vận hành tổng thể.
Các khu đô thị của Tập đoàn Vingroup ứng dụng công nghệ xanh
Tuy nhiên, việc có thể tiệm cận đến các chiến lược này vẫn còn nhiều khó khăn về công nghệ cũng như tìm được các đối tác có thể đáp ứng được chiến lược của Vingroup. Rất nhiều các công trình xử lý nước thải của Vin được xây dựng với những từ mỹ miều như “công nghệ tiên tiến”, “công nghệ xanh”… nhưng kết quả vẫn là các công trình xây dựng bằng bê tông cốt thép với cách tiếp cận cổ điển là xử lý chất thải ô nhiễm trong nước mà chưa tính đến tính tự nhiên của cân bằng vật chất. Đó là khái niệm mới trong góc nhìn cân bằng tự nhiên của vật chất, có nghĩa là không có chất thải mà chỉ có vật chất đang mất cân bằng, như vậy cần có giải pháp để sử dụng vật chất thay vì cố tình xử lý và tiêu diệt nó.
Các công trình xử lý nước thải của Tập đoàn Vingroup
Đại diện công ty Vinse, ông Trần Việt Dũng, Phó Tổng Giám đốc, đã trình bày về công nghệ xử lý nước thải xanh theo nguyên tắc “Công viên xử lý nước thải”. Đây là công nghệ được nghiên cứu và phát triển bởi tiến sĩ Trịnh Xuân Đức, dựa trên hệ thống xử lý nước thải sinh thái dự trữ sinh quyển thực vật (P-VIC), bao gồm hệ thống màng vi sinh bán chuyển động dạng chùm rễ cây kết hợp cây thực vật tự nhiên (Hybrid of MBBR & PLANT). Giá thể mang vi sinh được thiết kế theo ý tưởng chùm rễ cây ngập nước, trong đó môi trường thực vật (rễ cây) là lớp màng cho vi sinh vật. Công nghệ này không phát thải CO2 vì khí tạo ra sẽ được thực vật hấp thụ và nhả ra oxy. Rễ và thân cây ngập trong nước nhả oxy, làm tăng khả năng hòa tan oxy, đặc biệt trong quá trình xảy ra sự cố. Thực vật có khả năng sống sót lâu hơn các loại vi khuẩn, làm giá thể cho vi sinh vật và động vật nguyên sinh trú ngụ, trở thành nguồn dự trữ cho các quá trình tái khởi động hệ thống. Các vi sinh và động vật nguyên sinh trú ngụ trong thân và rễ cây phát triển khỏe mạnh hơn khi được đưa vào giá thể xử lý nước.
Công nghệ xử lý nước thải xanh theo nguyên tắc “Công viên xử lý nước thải”
Hệ thống xử lý nước thải sinh thái dự trữ sinh quyển thực vật (P-VIC) giúp giảm diện tích xây dựng và xóa bỏ các rào cản tâm lý cố hữu đối với các trạm xử lý nước thải thông thường, vốn thường gắn liền với hình ảnh các khối bê tông khô cứng và bể hở phát sinh mùi khó chịu. Với thiết kế thẩm mỹ cao, giống như một khu vườn hay công viên nhỏ và quá trình vận hành không phát sinh mùi, hệ thống này giúp giảm phạm vi vùng đệm, giải tỏa đất phục vụ cho các mục đích khác. Hệ thống xử lý thích hợp cho xử lý nước thải đô thị, khu vực nghỉ mát, nâng cấp các trạm xử lý cũ, phát triển bất động sản, sân bãi của các trường học và khuôn viên công nghiệp. Nước sau xử lý có thể dùng ngay cho tưới cây, rửa đường, tháp làm lạnh và các ứng dụng nước không uống được khác.
Về mặt kiến trúc, trạm xử lý được thiết kế sao cho dễ dàng hòa hợp với quang cảnh xung quanh, đồng thời có chức năng làm trung tâm giáo dục về môi trường kiểu mới cho cộng đồng. Hệ thống xử lý nước thải sinh thái với hệ thống dự trữ sinh quyển thực vật (P-VIC) được xây dựng chủ yếu bằng bê tông cốt thép, với bể chia thành nhiều vùng có lắp đặt các khung treo các quả cầu mang vi sinh D100. Các quả cầu chứa vật liệu mang vi sinh DHY-01 có kích thước 1x1x1 cm, với diện tích tiếp xúc bề mặt từ 6000 ÷ 8000 m²/m³, cao gấp 30 ÷ 40 lần so với chất mang vi sinh thông dụng tại Việt Nam (sản xuất từ nhựa PVC, dạng khối 40x40x40 cm, hình tổ ong, diện tích 180 ÷ 200 m²/m³). Vật liệu DHY-01 có độ xốp và diện tích bề mặt chủ yếu tập trung phía trong, nhẹ và dễ chuyển động trong nước, cho phép tích lũy vi sinh với mật độ rất cao (40 ÷ 60 kg/m³) nhưng màng vi sinh rất mỏng.
Hệ thống xử lý nước thải sinh thái với hệ thống dự trữ sinh quyển thực vật (P-VIC) sử dụng công nghệ màng vi sinh vật dính bám kết hợp với quá trình màng vi sinh chuyển động MBBR. Các vi sinh vật phân giải chất hữu cơ trong nước thải bám dính và phát triển trên bề mặt các đệm. Vi sinh vật hiếu khí chuyển hóa các chất hữu cơ trong nước thải để phát triển thành sinh khối vi sinh vật. Quần xã vi sinh vật phát triển nhanh cùng với sự suy giảm các chất ô nhiễm trong nước thải. Khi đạt đến độ dày nhất định, khối lượng vi sinh vật tăng lên, khả năng bám dính của vi sinh vật ở lớp bên trong giảm đi cho đến khi chúng bong ra, rơi vào trong nước thải. Một lượng nhỏ vi sinh vật còn sót lại bám trên giá thể tiếp tục sử dụng chất hữu cơ có trong nước thải để hình thành quần xã sinh vật mới bám dính trên giá thể.
Hệ thống xử lý nước thải sinh thái với hệ thống dự trữ sinh quyển thực vật (P-VIC)
Pv,
Hạ Lam