[Hanoi, 4/6/2024] – Trong chương trình truyền hình Quốc hội hôm nay, sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, phóng viên đã có buổi phỏng vấn ghi hình Tiến sĩ Trịnh Xuân Đức, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Hạ tầng và Môi trường (SIIEE), xoay quanh một số vấn đề nóng mà cử tri quan tâm.
Tiến sĩ Trịnh Xuân Đức, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Hạ tầng và Môi trường (SIIEE)
Nội dung phỏng vấn được ghi lại chi tiết như sau:
Câu hỏi:
Ông/bà nghĩ sao về việc phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lần này không có nội dung nào đề cập tới vấn đề bảo vệ, quản lý, khai thác tài nguyên đất?
Trả lời:
Dưới góc độ là một cử tri, tôi thấy việc kỳ họp này không đề cập tới nội dung tài nguyên đất là một sự thiếu sót đáng tiếc. Có một số lý do khiến tôi cảm thấy như vậy:
– Việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai mới là một thành công lớn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ luật này đang được người dân đặt nhiều kỳ vọng, đặc biệt về các vấn đề quan trọng như khung giá đất, việc cấp sổ đỏ, và bảo vệ quyền sử dụng đất. Người dân rất mong chờ những tiến triển mới và hy vọng bộ luật sớm có hiệu lực, do đó, họ mong muốn Quốc hội có những chất vấn về tiến độ và kế hoạch triển khai luật mới này.
– Luật Đất đai mới chứa đựng nhiều điểm mới mà người dân và các cử tri cần hiểu rõ. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng lớn đến quyền lợi và nghĩa vụ của họ. Vì vậy, cần có sự giải đáp từ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường để người dân hiểu rõ hơn về các quy định mới, cách thức áp dụng và những lợi ích mà họ có thể nhận được từ luật mới.
– Bảo vệ, quản lý và khai thác tài nguyên đất là những vấn đề quan trọng không chỉ đối với môi trường mà còn đối với phát triển kinh tế và xã hội. Việc không đề cập đến những vấn đề này trong phiên chất vấn có thể khiến cử tri cảm thấy lo ngại về sự thiếu quan tâm hoặc sự chậm trễ trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn liên quan đến tài nguyên đất.
– Phiên chất vấn là cơ hội để các Bộ trưởng trả lời và giải thích về các chính sách, chiến lược và kế hoạch hành động của bộ mình. Việc không đề cập đến các vấn đề liên quan đến tài nguyên đất có thể tạo ra cảm giác thiếu minh bạch và thiếu trách nhiệm giải trình trước cử tri và công chúng.
Với những lý do trên, tôi cho rằng việc không đưa nội dung bảo vệ, quản lý, khai thác tài nguyên đất vào phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lần này là một thiếu sót trước những thắc mặc và băn khoan của cử tri về Luật đất đai mới.
Ông Đặng Quốc Khánh – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Câu hỏi:
Việc cải tạo các dòng sông liệu có thể cải tạo được chất lượng nước của dòng sông hay chỉ giải quyết vấn đề mỹ quan?
Trả lời
Ngoài vai trò là một cử tri, tôi còn là chuyên gia trong lĩnh vực môi trường. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến riêng tôi mà còn đến hàng trăm ngàn cử tri đang sống dọc theo các con sông ô nhiễm. Tình trạng ô nhiễm này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và hoạt động tưới tiêu của người dân.
Cụ thể, có thể kể đến những con sông như sông Tô Lịch (Hà Nội), sông Nhuệ (Hà Nội và Hà Nam), hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, và kênh Tham Lương – Bến Cát (Thành phố Hồ Chí Minh). Đây đều là những dòng sông bị ô nhiễm nặng do việc xả thải mà chưa qua xử lý, khiến chúng trở thành các “dòng sông chết”.
Việc cải tạo các dòng sông không chỉ nhằm mục đích cải thiện mỹ quan mà quan trọng hơn là cải tạo môi trường sống. Điều này bao gồm việc khôi phục hệ sinh thái nước, cải thiện chất lượng nước, và giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khoẻ con người.
Ô nhiễm nước là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật. Việc cải tạo các dòng sông sẽ giúp giảm thiểu các bệnh liên quan đến ô nhiễm nước, từ đó giảm bớt chi phí y tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân sống dọc theo các con sông này.
Cần thiết lập một chiến lược rõ ràng với các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn để giải quyết vấn đề ô nhiễm. Các biện pháp ngắn hạn có thể bao gồm việc ngăn chặn xả thải không qua xử lý và làm sạch dòng sông hiện tại. Về dài hạn, cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng xử lý nước thải và giáo dục cộng đồng về bảo vệ môi trường.
Vấn đề cải tạo sông ngòi là mối quan tâm lớn của cử tri, và việc có một kế hoạch hành động cụ thể sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng. Bộ trưởng cần đưa ra câu trả lời chi tiết và thuyết phục về các bước sẽ thực hiện để cải tạo và bảo vệ các dòng sông.
Câu hỏi
Hiện nay, việc khai thác tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng còn chưa được quan tâm đúng mức trong vấn đề hoàn trả phục hồi môi trường khu vực khai thác. Xin ông/bà cho ý kiến về vấn đề này?
Trả lời:
Đây là vấn đề gây bức xúc trong dư luận thời gian qua, và trách nhiệm này liên quan trực tiếp đến ngành tài nguyên môi trường.
Quản lý khai thác tài nguyên chưa chặt chẽ đã bộc lộ rõ ràng. Đặc biệt, việc khai thác cát, mỏ đá, mỏ đất để cung cấp cho các dự án xây dựng lớn như tuyến đường cao tốc không đủ và không kịp tiến độ thi công. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở thủ tục hành chính còn rườm rà và phức tạp.
Các vấn đề kiểm soát hoạt động khai thác và phục hồi môi trường vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Có những nơi khai thác không phép diễn ra trong nhiều năm, nhưng ngành tài nguyên môi trường lại không nắm được tình hình. Điều này cho thấy sự thiếu hiệu quả trong việc giám sát và quản lý của cơ quan chức năng.
Cử tri cần câu trả lời thỏa đáng từ Bộ trưởng về các biện pháp cụ thể để giải quyết tình trạng này. Điều cần thiết là tăng cường quản lý và giám sát chặt chẽ hơn, cải thiện thủ tục hành chính để đảm bảo việc khai thác tài nguyên không chỉ đáp ứng được nhu cầu xây dựng mà còn bảo vệ môi trường một cách bền vững.
Cảm ơn Tiến sĩ vì những câu trả lời vô cùng tâm huyết và mang tính xây dựng cao. Những chia sẻ của Tiến sĩ đã thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc về tâm tư nguyện vọng của người dân, đồng thời mang đến nhiều góc nhìn mới mẻ và đầy giá trị cho việc quản lý nước nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Xin chúc Tiến sĩ luôn dồi dào sức khỏe để tiếp tục nghiên cứu và sáng tạo, tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng thiết thực, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
PV,
Hạ Lam