LĐST – Đọc sách luôn là nhu cầu thiết yếu giúp con người nâng cao tri thức. Đề cao tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc sách, ngày 4/11/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1862/QĐ-TTg tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào 21/4 hằng năm.
Khẳng định giá trị của văn hóa đọc sách
Đọc sách là một quá trình tích lũy và nâng cao tri thức, là cơ hội để mỗi người được tiếp cận với khối lượng kiến thức khổng lồ. Vì vậy, đọc sách không chỉ đơn thuần là một hình thức để tiếp cận thông tin, mà còn là thái độ, cách ứng xử của chúng ta với tri thức, sách vở, là một trong những hoạt động văn hóa, được gọi là văn hóa đọc.
“Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” được tổ chức vào ngày 21/4 hàng năm nhằm khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sách đối với nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.
Bên cạnh đó, sự kiện còn là dịp để tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan chức năng và tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Theo quyết định, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hàng năm trên phạm vi toàn quốc, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.
Qua đó có thể thấy giá trị của sách và văn hóa đọc sách đang càng được khẳng định và nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chức năng để khuyến khích việc đọc sách đến tất cả tầng lớp nhân dân và sớm trở thành một nét sinh hoạt văn hoá không thể thiếu trong đời sống người Việt.
Ảnh minh họa (nguồn ảnh Internet)
Giới trẻ hiện còn thờ ơ với việc đọc sách
Trước sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình đa phương tiện cùng các tiện ích xã hội khiến cho văn hóa đọc của người dân, đặc biệt là giới trẻ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tưởng chừng như sách đang bị quên lãng và người ta không còn hứng thú với sự đọc.
Tình trạng lười đọc sách diễn ra ở nhiều thành phần xã hội, ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Với giới trẻ việc đọc sách ngày càng có xu hướng giảm mạnh. Theo số liệu khảo sát của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE) cho biết, khi được hỏi dùng thời gian rảnh để làm việc gì là chủ yếu, có đến 41,7% số bạn trẻ trả lời là lên mạng, 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% trả lời là đọc sách.
Như vậy, bên cạnh các loại hình giải trí khác thì thói quen đọc trở nên “khó khăn” trong quỹ thời gian eo hẹp của giới trẻ. Nhiều người lý giải về tình trạng này là do người trẻ không có thời gian cho việc đọc (vì áp lực học hành, đi làm căng thẳng, vì mỗi khi rảnh đều lướt web, xem phim,…) hay đơn giản đọc sách dễ gây nhàm chán vì không có nhiều sự tương tác hoặc do chính người Việt không có thói quen đọc sách từ nhỏ, đến khi trưởng thành muốn hình thành thói quen này cũng khó.
Tại Việt Nam chưa hình thành và xây dựng được chiến lược cụ thể và lâu dài cho việc phát triển văn hóa đọc. Thói quen đọc, kỹ năng đọc của độc giả chưa được định hướng một cách cụ thể, bài bản. Hiện nay độc giả có xu hướng chỉ chạy theo tâm lý đám đông, đọc những cuốn sách đang “hot” được nhiều người quan tâm mà không cần biết nội dung của những cuốn sách đó đề cập đến vấn đề gì hay những kiến thức trong sách có giúp ích gì cho bản thân mình hay không? Tâm lý đọc này đã tạo ra sự thay đổi thói quen đọc sách, và phương thức đọc sách của người đọc.
Cần xây dựng và phát triển văn hóa đọc của người Việt
Đặt trong bối cảnh hội nhập và phát triển ở Việt Nam, vấn đề nghiên cứu và xây dựng chương trình phát triển văn hóa đọc có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Một mặt nó giúp chúng ta có cái nhìn bao quát thành tựu hoạt động đọc, mặt khác đánh giá được thực trạng văn hóa đọc, những hạn chế để từ đó có giải pháp và kiến nghị, định hướng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.
Thiết nghĩ việc đọc sách phải bắt đầu từ gốc rễ, phải xây dựng hạ tầng cơ sở cho văn hóa đọc. Muốn vực dậy và phát triển văn hóa đọc, phải thay đổi cả hệ thống giáo dục và nhận thức. Việc đọc cần sự định hướng, hướng dẫn đúng đắn từ gia đình và nhà trường cho các em ngay từ khi còn nhỏ để hình thành thói quen, kỹ năng đọc, trở thành một “môn học”phổ biến mà ai cũng được tiếp cận. Như vậy, thói quen đọc sách của công chúng sẽ dần được nâng cao, xây dựng kỹ năng đọc và trau dồi tri thức một cách toàn diện hơn.
Về phía đội ngũ sáng tác cần sự sáng tạo, đổi mới về nội dung và hình thức tạo nên tác phẩm văn chương có giá trị nghệ thuật cao, thu hút độc giả. Bên cạnh đó cần sự trao đổi giữa tác giả và bạn đọc để đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của công chúng trong tiếp nhận văn học
Quan trọng hơn cả, Nhà nước cần có thêm những quy định cụ thể để nâng cao nhận thức cũng như sự đầu tư của các lực lượng trong xã hội vào phát triển văn hóa đọc, coi phát triển lĩnh vực này có tầm quan trọng như các lĩnh vực khác của đời sống văn hóa và có sự tham gia của nhiều Bộ, ban, ngành trong việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Mahatma Gandhi – Nhà chính trị và lãnh đạo tinh thần người Ấn Độ đã từng nói “Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi”. Chính vì vậy, phát triển văn hóa đọc luôn là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực – nhân tố quyết định mọi thành công.
Lan Phương