STVN – Trồng rau trên mái nhà giữa phố tưởng như chỉ để xả “stress”, đáp ứng nhu cầu cho gia đình nhưng với chị Nguyễn Thị Kim Loan (ngụ tại TP Dĩ An, Bình Dương) thì lại “làm chơi, ăn thật" bởi liên tục có đơn hàng, thu nhập hàng tháng không hề nhỏ.
Trồng rau trên mái nhà giữa phố tưởng như chỉ để xả “stress”, đáp ứng nhu cầu cho gia đình nhưng với chị Nguyễn Thị Kim Loan (ngụ tại TP Dĩ An, Bình Dương) thì lại “làm chơi, ăn thật” bởi liên tục có đơn hàng, thu nhập hàng tháng không hề nhỏ..
Nhắc đến Bình Dương, người ta liên tưởng đến một nơi “đất chật, người đông”, tràn ngập nhà máy.
Là tỉnh phát triển công nghiệp bậc nhất cả nước, tìm một khu đất đủ diện tích để làm vườn ở Bình Dương là không hề dễ dàng, nhất là tại các địa bàn giáp ranh với TPHCM
“Trong cái khó, ló cái khôn”. Câu châm ngôn của người xưa ứng nghiệm với trường hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Kim Loan (sinh năm 1980, ngụ phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) với mô hình trồng rau trên sân thượng.
“Ban đầu, tôi chỉ trồng trong vài thùng xốp ở dưới nhà cho vui để có rau sạch ăn. Thế nhưng, thấy rau, quả lên nhanh, tôi “ghiền” luôn”, chị Loan nhớ lại.
Sợ ông xã la, tôi lén lút dọn sân thượng, đưa đất và các dụng cụ lên trồng, tạo một khu vườn nhỏ. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ trồng rau sạch để xả “stress”, lại có cái để ăn. Thế nhưng, khu vườn cho rau, củ nhiều quá, tôi phải mang đi cho cả xóm”, chị Loan nhớ lại.
Căn nhà một trệt, một lầu với diện tích đất chưa đầy 100m2 được chị Loan tận dụng sân thượng khoảng 40m2 để trồng rau, quả và thu về kết quả đầy bất ngờ.
Được bạn bè có kinh nghiệm trồng rau đến nhà chơi, động viên, chị Loan đã biến khu vườn nhỏ trên sân thượng thành nơi cung cấp rau, quả sạch. “Nghe bạn khuyên, tôi chỉ gật đầu cho vui, chứ không dám nghĩ đến chuyện kinh doanh. Thấy vườn rau đẹp quá, tôi chụp đăng lên facebook khoe thì nhiều người ghé đến chơi và đặt hàng. Mỗi năm vườn rau, quả tạo ra nguồn thu ổn định không nhỏ cho gia đình”, chị Loan tiết lộ.
Trên sân thượng, cây được hứng nắng nên phát triển tươi tốt. Chồng chị Loan mua sắt về làm lại khung đỡ phía dưới cho cứng cáp hơn và cắt lan can để tiện khiêng đất lên xuống. Bác hàng xóm tốt bụng còn cho mượn thêm diện tích mái nhà để chị Loan tăng diện tích khu vườn trồng rau.
Sau 3 năm hình thành, đến nay khu vườn rau, quả trên sân thượng nhà chị Loan không chỉ cung cấp rau quả sạch ra thị trường mà còn trở thành điểm “check in” lý tưởng của nhiều bạn trẻ. Hiện tại, khu vườn có nhiều loại rau ăn lá như cải, mồng tơi, rau muống, dền, xà lách, bắp cải, cà chua,… và cây ăn quả như táo, nho, sung, tắc,… “Mỗi lần về thăm ba mẹ ở Đồng Nai, tôi đều mang đất về để trồng rau vì đất nơi đó rất tốt, nhiều dinh dưỡng”, chị Loan chia sẻ.
Theo chị Loan, để vườn rau sinh trưởng tốt phải xử lý đất kỹ trước khi trồng. Đất trước và sau khi thu hoạch cần xử lý qua vôi, phơi và ủ kỹ. Đất trồng rau sau khi thu hoạch chuyển qua trồng cây ăn quả và ngược lại. Trồng rau theo hướng hữu cơ nên chị tự ủ đất, ủ phân, tận dụng vỏ trứng gà, chuối hư, sữa cận date, xin đầu ruột cá ở chợ,… để ủ làm phân bón cây. Ngoài ra, chị Loan còn dùng thêm phân trùn quế để cải tạo đất cho mùa sau.
Theo chị Loan, trồng được rau sạch không đơn giản. Để phòng sâu bệnh, chị phải tự ủ dứa, bồ hòn để phun định kỳ và bắt sâu bằng tay. Nếu cây nhiễm bệnh thì phải nhổ bỏ, không dùng thuốc trừ sâu. Đặc biệt, trồng cây phải theo mùa và theo đặc tính của cây. Mùa nắng thì thích hợp trồng dưa, cà, rau các loại; mùa mưa thì trồng những loại cây ưa nước như rau muống, cải xanh, bí đao. Mùa lạnh thì có thể tận dụng trồng bắp cải, súp lơ, dâu tây.
Chủ vườn rau đặc biệt này cho hay, khi mới thực hiện mô hình trồng rau trên sân thượng, chị chưa từng nghĩ có ngày vườn rau trở thành điểm “hút khách” như bây giờ. “Cả năm nay, ngày nào cũng có người xin vào tham quan. Có trường hợp dẫn theo cả gia đình ba thế hệ đến chơi rồi lên vườn rau “check in”. Thấy người ta thích khu vườn, bản thân mình cũng vui và hạnh phúc”, chị Loan kể.
Chia sẻ thêm về vườn rau do chính mình gầy dựng, chị Loan kể rằng, trong hai năm dịch bệnh COVID -19 vừa qua, vấn đề thực phẩm để phục vụ bữa ăn gia đình vô cùng khó khăn. Gia đình chị Loan không bị thiếu rau, quả để ăn, ngược lại còn chia sẻ cho nhiều nhà hàng xóm.
Những ngày thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch, gia đình chị Loan lại lên sân thượng chăm sóc, ngắm nhìn cây phát triển.
Vườn rau thu nhỏ nghe thì dễ nhưng không phải ai làm cũng thành công. Không ít người đã làm và bỏ cuộc vì cây trồng không ra quả, lá vừa lên đã bị sâu ăn hết. Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Loan thuộc số ít trường hợp thành công với mô hình trồng rau, quả ở Bình Dương”, ông Biện Tấn Mân, Chủ nhiệm CLB Vườn rau thu nhỏ Bình Dương cho biết.