STVN – Tái sử dụng nước thải từ chăn nuôi là một trong những giải pháp quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn đang thu hút sự quan tâm và mong muốn thực hiện từ phía cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Ts. Trịnh Xuân Đức, Ths. Chu Văn Nam, CN Trần Đức Khánh
Đặt vấn đề
Tái sử dụng nước thải (TSD) từ hoạt động chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Chính phủ đã ban hành nghị quyết khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn hay nông nghiệp “zero ô nhiễm”. Do đó, việc tái sử dụng nước thải từ chăn nuôi đang thu hút sự quan tâm và mong muốn thực hiện từ phía cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Sự quan tâm này là minh chứng cho việc nhận thức đúng đắn và thực hiện đúng quyết sách vĩ mô của Đảng và Nhà nước, đồng lòng với tâm huyết của nhân dân. Tuy nhiên, khi thực hiện các công việc này, cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đều phải đối mặt với khó khăn. Trong khi cơ quan quản lý nhà nước lúng túng, doanh nghiệp thì như đi vào “đường cụt” không biết cách thực hiện. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ việc mỗi cơ quan quản lý giải thích theo cách khác nhau, thậm chí có trường hợp hướng dẫn theo hướng khác nhau.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nước thải chăn nuôi phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 62-MT:2016/BTNMT trước khi xả thải ra môi trường. Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều yêu cầu các chủ đầu tư trang trại chăn nuôi phải tái sử dụng nước thải thay vì xả thải, nhằm tránh ô nhiễm môi trường do việc xả thải trực tiếp gây ô nhiễm nguồn nước, gây mùi khó chịu cho người dân sống xung quanh.
Tuy việc tái sử dụng nước thải chăn nuôi mang lại hiệu quả lớn trong việc giảm ô nhiễm môi trường và tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, nhưng trong quá trình triển khai, nó cũng đối mặt với những vấn đề nhất định như sau:
Hướng dẫn tái sử dụng nước thải chưa thống nhất
Trên thực tế, việc tái sử dụng nước thải chăn nuôi được hướng dẫn theo nhiều cách khác nhau, tùy theo từng địa phương. Một số địa phương yêu cầu các chủ đầu tư phải trồng thêm cây để có chỗ tưới cho hết nước thải đã qua xử lý, dẫn đến việc nhà đầu tư phải mua thêm đất trồng cây với diện tích bằng thậm chí còn lớn hơn diện tích làm trang trại. Một số địa phương khác lại cho phép các chủ đầu tư sử dụng nước thải đã qua xử lý để tưới cây, nhưng không được mang ra ngoài.
Việc hướng dẫn tái sử dụng nước thải chưa thống nhất gây khó khăn cho các chủ đầu tư trong việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Nhà đầu tư không có kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng trọt
Hầu hết các chủ đầu tư trang trại chăn nuôi đều có kinh nghiệm và kỹ thuật trong lĩnh vực chăn nuôi, nhưng lại không có kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng trọt. Việc yêu cầu các chủ đầu tư phải trồng thêm cây để tái sử dụng nước thải là một yêu cầu không phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Lượng nước thải dư thừa trong mùa mưa
Khi mùa mưa đến, nhu cầu tưới cây giảm xuống. Tuy nhiên, các chủ đầu tư vẫn phải xử lý và lưu trữ nước thải đã qua xử lý. Nếu không có biện pháp xử lý phù hợp, lượng nước dư thừa này có thể bị xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm.
Việc tái sử dụng nước thải không đảm bảo quy định của pháp luật
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nước thải chăn nuôi phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 62-MT:2016/BTNMT trước khi xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nước thải chăn nuôi đã cơ bản đảm bảo quy chuẩn QCVN 1-195 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngay cả khi chưa qua xử lý. Việc cho phép các chủ đầu tư tái sử dụng nước thải chăn nuôi mà không xử lý là sai với quy định của Luật, mà quy chuẩn thì thấp hơn Luật, do đó việc TSD trên là vi phạm quy định của pháp luật.
Nguy cơ ô nhiễm môi trường
Việc tái sử dụng nước thải chăn nuôi để tưới cây trồng chỉ cần xử lý đảm bảo quy chuẩn QCVN 1-195 thì các chất nhiễm có trong nước thải vẫn còn nguyên, điều này có nguy cơ làm ô nhiễm môi trường đất, ô nhiễm nước mưa chảy tràn.
Tác giả chỉ ra nguyên nhân để cơ quan quản lý nhà nước xem xét, cân nhắc và đề xuất các biện pháp giải quyết. Đặc biệt, cần thống nhất với các đơn vị liên quan và giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Các vấn đề tiếp tục tồn tại liên quan đến việc tái sử dụng nước thải chăn nuôi bao gồm:
(1) Chưa chỉ ra phạm vi chính xác việc TSD nước thải chăn nuôi được dùng vào mục đích cụ thể nào?
Hiện nay, các quy định pháp lý chỉ quy định chung về việc tái sử dụng nước thải chăn nuôi để tưới cây trồng. Tuy nhiên, việc tưới cây trồng là một khái niệm rộng, bao gồm nhiều mục đích khác nhau, như tưới cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lấy gỗ, cây cảnh,… Việc không quy định cụ thể phạm vi mục đích sử dụng nước thải chăn nuôi dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng các quy định pháp lý.
(2) Chưa hiểu rõ đối tượng xả thải nước từ các hoạt động chăn nuôi có phải bắt buộc xử lý về tiêu chuẩn cho phép trước khi được TSD không?
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đối tượng xả thải nước thải phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng môi trường theo quy định. Tuy nhiên, các quy định pháp lý hiện hành chưa quy định cụ thể đối tượng xả thải nước thải từ các hoạt động chăn nuôi có phải bắt buộc xử lý về tiêu chuẩn cho phép trước khi được TSD hay không.
(3) Mục tiêu chính của dự án là chăn nuôi có nên yêu cầu nhà đầu tư phải trồng cây không?
Trong nhiều trường hợp, mục tiêu chính của dự án chăn nuôi là sản xuất sản phẩm chăn nuôi, chứ không phải trồng cây. Việc yêu cầu cho chủ trang trại trồng cây để tái sử dụng nước thải chăn nuôi có thể dẫn đến việc giảm hiệu quả sản xuất chăn nuôi.
(4) Việc nước thải không xử lý mà sử dụng ngay để tưới cây có được coi là xả chất gây ô nhiễm vào môi trường không?
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, việc xả chất gây ô nhiễm vào môi trường là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc nước thải không xử lý mà sử dụng ngay để tưới cây có được coi là xả chất gây ô nhiễm vào môi trường hay không vẫn chưa được quy định rõ ràng.
(5) Khi xả thải trực tiếp nước thải vào môi trường thông qua việc tưới cây có làm ô nhiễm đất và tái ô nhiễm nguồn nước do chảy tràn theo nước mưa hay không?
Nước thải chăn nuôi có chứa nhiều chất ô nhiễm, trong đó có các chất gây ô nhiễm đất và nguồn nước. Việc xả thải trực tiếp nước thải vào môi trường thông qua việc tưới cây có thể làm ô nhiễm đất và tái ô nhiễm nguồn nước do chảy tràn theo nước mưa.
(6) Tái sử dụng nước thải chăn nuôi nếu chỉ thoả mãn QCVN 1-1995:2022/BNNPTNT thì hầu như nước thải không cần xử lý mà có thể mang đi tưới cây như vậy nguy cơ gây mùi hôi là hiện hữu, đặc biết các vi khuẩn gây bệnh có thể còn tồn tại trong nước thải sẽ là nguyên nhân phát tái bệnh dịch cho vật nuôi và thậm trí cho cả người.
PHÂN TÍCH LUẬT VÀ QUY CHUẨN LIÊN QUAN ĐẾ CÁC VẤN ĐỀ TRÊN
- Yêu cầu xả thải
Theo Luật Tài nguyên nước năm 2012 quy định tại Điều 4 Luật Tài nguyên nước:“chính sách của Nhà nước là đảm bảo cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để quản lý, bảo vệ, phát triển các nguồn nước, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước, xử lý nước thải (XLNT) đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để TSD(TSD).”
Theo khoản 18 Điều 3 Luật BVMT năm 2020 quy định:“Chất thải là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí hoặc ở dạng khác được thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.” Như vậy, chất thải là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí hoặc ở dạng khác được thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.
Điều 6 Luật BVMT năm 2020 quy định: “Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường: Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường….”
Như vậy, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì những hành vi chôn, lấp, đổ, thải không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường là hành vi bị nghiêm cấm. Ở đây cần làm rõ, những hành vi xả thải này phải đúng quy trình kỹ thuật nghĩa là phải phù hợp Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) hoặc Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia (QCKT) và phải đồng thời phù hợp với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật (Luật, Nghị định, Thông tư).
Về nguyên tắc chung, các công trình bảo vệ môi trường ở dự án đầu tư phải bao gồm hệ thống xử lý chất thải theo điểm a khoản 1 Điều 46 Luật BVMT năm 2020. Đối với các hình thức về xử lý chất thải chăn nuôi, Điều 59 và Điều 60 Luật chăn nuôi 2018 có quy định về xử lý chất thải chăn nuôi có nguồn gốc hữu cơ, xử lý nước thải chăn nuôi, xử lý khí thải chăn nuôi và đặc biệt quy định tại khoản 5 Điều 59 Luật Chăn nuôi 2018 quy định xử lý chất thải khác như sau: “Việc xử lý chất thải khác phải tuân thủ quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.”.
Căn cứ Điều 51, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, cụ thể như sau: “Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ và nước thải chăn nuôi phát sinh từ hoạt động chăn nuôi nông hộ được sử dụng làm phân bón, nước tưới cho cây trồng hoặc mục đích khác phải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.Việc sử dụng chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ và nước thải chăn nuôi phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trang trại làm phân bón hữu cơ, nước tưới cây hoặc làm thức ăn cho thủy sản được thực hiện như sau: Chất thải chăn nuôi chỉ được sử dụng làm phân bón, nước tưới cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản khi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành. Việc vận chuyển chất thải chăn nuôi ra khỏi cơ sở chăn nuôi trang trại phải sử dụng phương tiện, thiết bị đảm bảo kín khít, không bị tràn đổ, rò rỉ, không gây ô nhiễm môi trường….”.
Thông tư 12/2021/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định về xử lý chất thải chăn nuôi TSD cho mục đích khác và Quy Chuẩn Quốc Gia QCVN 62-MT:2016/BTNMT Về Nước Thải Chăn Nuôi của Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng quy định rõ nước thải đầu ra của dự án đầu tư chăn nuôi hoặc chăn nuôi trang trại phải xử lý đạt quy chuẩn mới được sử dụng ra ngoài môi trường. Nước thải được khuyến khích TSD khi đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và mục đích sử dụng nước. Trong Khoản 2 Điều 72 Luật BVMT năm 2020 quy định rõ: “Yêu cầu chung về quản lý nước thải được quy định: nước thải được khuyến khích TSD để đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và mục đích sử dụng nước”.
Nhận xét: Việc xả nước thải vào môi trường, đặc biệt là nước thải từ hoạt động chăn nuôi, phải tuân thủ theo quy định của Luật Chăn nuôi 2018 và Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Đặc biệt, nước thải chăn nuôi cần được xử lý theo tiêu chuẩn 62-MT:2016/BTNMT trước khi được xả ra môi trường.
Các hành vi xả thải không tuân thủ quy định pháp luật sẽ bị xử lý hành chính. Ở mức độ nhẹ nhất, vi phạm sẽ chịu xử lý theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 của Chính phủ), và Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi.
Các luật đều khuyến khích việc tái sử dụng nước thải (TSD), trong đó có Luật Tài Nguyên Nước năm 2012 và Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020.
- Tái sử dụng nước (TSD)
Cũng theo quy định Khoản 3 Điều 74 Nghị định 08/2022/NĐ-CP:“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật hoặc quy định … Nước thải từ hoạt động chăn nuôi, xử lý phụ phẩm nông nghiệp TSD cho mục đích khác. Trường hợp chưa ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật thì áp dụng tiêu chuẩn của một trong các nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển”.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành QCVN 01-195:2022/BNNPTNT về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng. Theo đó, Quy chuẩn trên áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại, cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng. Căn cứ Mục 5 Quy chuẩn QCVN 01-195:2022/BNNPTNT:“… Khi nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng được đánh giá, công bố hợp quy, tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng thuộc đối tượng tại mục 1.2 phải chịu sự đánh giá giám sát không quá 12 tháng/1 lần hoặc đột xuất khi cần thiết.”.
Nhận xét: Nghị định 08 đã xác định rõ ràng trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc quản lý thông tin, sử dụng nước thải từ hoạt động chăn nuôi để tưới cây và các mục đích khác. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ mới có quy chuẩn được ban hành cho việc sử dụng nước thải từ chăn nuôi để tưới cây trồng. Đối với các hoạt động như rửa chuồng trại, xử lý công trình, và làm sạch đường dành cho các hoạt động chăn nuôi khác, vẫn chưa có quy chuẩn cụ thể hoặc hướng dẫn từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 1-195:2022/BNNPTNT cho việc sử dụng nước thải chăn nuôi để tưới cây cũng không đề cập rõ ràng đến mục đích cụ thể như “tưới cấp ẩm” hay “tưới dinh dưỡng”. Sự không rõ ràng trong quy định này dẫn đến việc khó khăn trong việc thực hiện và áp dụng các quy chuẩn này vào thực tế.
- Phân tích chất lượng nước
(1) Thông tư số 04/2016/TT-BTNMT ngày 29 tháng 4 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường PTNT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 62-MT:2016/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi. Quy chuẩn này quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải.
Bảng giá trị C để làm cơ sở tính toán giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi:
Cột A Bảng 1 quy định giá trị C của các thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi khi xả ra nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt.
Cột B Bảng 1 quy định giá trị C của các thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi khi xả ra nguồn nước không dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt.
(2) Thông tư số 28/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 1-195:2022/BNNPTNT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng kèm theo và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023 đã từng bước tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi trong việc TSD nước thải chăn nuôi tưới cho cây trồng như sau:
Bảng giá trị giới hạn các thông số của nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng theo QCVN 1- -195:2022/BNNPTNT
Nhận xét: Theo chỉ số theo QCVN 62-MT:2016/BTNMT, khi xử lý giá trị của cột A và B, có thể xả vào môi trường dựa vào điều kiện cụ thể của nguồn tiếp nhận, lần lượt là “cấp nước sinh hoạt” hoặc “không sử dụng cho cấp nước sinh hoạt”. Nếu giá trị xử lý của cột A và B đạt như đã đề cập, việc TSD cho vệ sinh chuồng trại, công trình và rửa đường là không được phép.
So sánh các chỉ số trong QCVN 62-MT:2016/BTNMT với QCVN 01-195:2022/BNNPTNT, nước sau khi xử lý đạt A hoặc B đủ điều kiện để đăng ký hợp quy để tưới cây trồng.
Dựa trên hai nhận xét trên, ta có thể thấy rằng khi xử lý theo Quy chuẩn Việt Nam 62, nước thải chăn nuôi ở cột B có thể được sử dụng để tưới cây trồng và đồng thời đáp ứng yêu cầu xử lý nước thải trước khi sử dụng, theo quy định của Luật BVMT năm 2020.
- Chuyển giao nước thải
Tại khoản 4 Điều 74 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định một số điều chi tiết trong Luật BVMT năm 2020 quy định yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chuyển giao nước thải cụ thể như sau:“Nước thải chuyển giao để tái sử dụng chỉ được chuyển giao đến cơ sở sản xuất sử dụng trực tiếp làm nước đầu vào cho hoạt động sản xuất;”.
Theo quy định tại Khoản 11 Điều 3 Thông tư 03/2019/TT-BCT (có hiệu lực từ ngày 08/03/2019) quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành thì: “Sản xuất là các phương thức bao gồm nuôi trồng, cấy, chăn nuôi, khai thác, thu hoạch, đánh bắt, đánh bẫy, săn bắn, săn bắt, thu nhặt, gây giống, chiết xuất, nuôi trồng thủy sản, thu lượm, sản xuất, gia công hay lắp ráp hàng hóa.”. Như vậy, hoạt động nuôi trồng, gây giống, chiết xuất cây trồng cũng là hoạt động sản xuất.
Khoản 3 Điều 74 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về TSD nước thải làm nước đầu vào cho hoạt động sản xuất: “Bộ, cơ quan ngang bộ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật hoặc quy định khi tái sử dụng nước thải làm nước đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.”.
Nhận xét: Nước thải chăn nuôi đáp ứng QCVN 01-195:2022/BNNPTNT dùng để TSD cho cây trồng thì không phải là chất thải nguy hại theo Điều 3 Luật BVMT năm 2020, như vậy thì chủ nguồn chất thải chăn nuôi TSD cho cây trồng không chịu sự điều chỉnh về mặt trách nhiệm của Điều 83, Điều 84 Luật BVMT năm 2020, Điều 71 Nghị định 08/2022/NĐ-CP và khoản 7 Điều 35 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT về vận chuyển, xử lý và lưu trữ chất thải nguy hại.
Pháp luật đã cho phép chuyển giao nước thải để TSD và nước thải TSD được vận chuyển từ cơ sở này đến cơ sở khác với điều kiện cơ sở nhận chuyển giao nước thải TSD phải dùng nước thải này trực tiếp làm nước đầu vào cho hoạt động sản xuất của mình.
Lưu ý rằng, nước thải TSD được chuyển giao phải đáp ứng các điều kiện về QCVN đối với các loại nước thải để TSD vào các mục đích được quy định, chứ không phải mọi loại nước thải TSD đều được chuyển giao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành riêng QCVN 01-195:2022/BNNPTNT đối với nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng. Nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng đáp ứng QCVN và được công bố hợp quy thì có thể sử dụng làm nước đầu vào cho quá trình nuôi trồng, gây giống, chiết xuất cây trồng (hoạt động sản xuất), vì vậy được phép chuyển giao.