LĐST – Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc được coi là “chìa khóa” khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo; góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam, hướng đến thị trường quốc tế.
Đối với xuất khẩu, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản, giúp các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.
Truy xuất nguồn gốc hàng hóa (ảnh: internet).
Cổng này sẽ đóng vai trò trung tâm của hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc, với sự tham gia của tất cả các bên tham gia trong chuỗi cung ứng (như nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, đơn vị vận chuyển, đơn vị phân phối, đơn vị bán lẻ, các đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc và cơ quan quản lý nhà nước) với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng.
Hiện nay, Bộ KH&CN đã xây dựng, công bố 20 tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc hiện nay cũng gặp phải thực trạng khó khăn từ nhiều phía, trong đó cơ quan quản lý nhà nước chưa có các chế tài nghiêm khắc xử lý các sai phạm khi truy xuất nguồn gốc; quản lý lưu thông hàng hóa chưa nghiêm, còn để vi phạm giả mạo mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói khi xuất khẩu nông sản…
Hàng hóa truy xuất nguồn gốc sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng (ảnh: internet).
Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân chưa biết cách bảo vệ sản phẩm, uy tín của mình. Còn nhiều tình trạng ghi chép, lưu trữ hồ sơ theo cách chống đối; nhiều trường hợp vi phạm giả mạo hồ sơ giấy tờ sản phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn, mã số vùng trồng. Tình trạng loạn phần mềm truy xuất nguồn gốc, loạn app diễn ra còn khá phổ biến, các tiêu chí quy định về truy xuất nguồn gốc còn lạc hậu so với thị trường thế giới, thiếu chủ động đổi mới nên liên tục bị bất ngờ với các hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang có kế hoạch áp dụng truy xuất nguồn gốc nông sản không chỉ với thị trường xuất khẩu, mà với cả thị trường tiêu thụ nội địa 100 triệu dân. Điều này đem lại lợi ích vẹn toàn cho tất cả các bên trong chuỗi cung ứng nông sản; giúp người nông dân – chủ thể chính của tái cơ cấu nông nghiệp nâng cao khả năng đưa sản phẩm ra ngoài thị trường và đặc biệt là nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.
Việc thực hiện phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thời gian qua đã giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trên thị trường.
Có thể nói, để người tiêu dùng hiểu được việc dán tem, nhãn, logo trái cây là thương hiệu, yếu tố bảo đảm an toàn, chất lượng cho sản phẩm… là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, để phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa, thời gian tới, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia, cập nhật thông tin về sản phẩm hàng hóa lên hệ thống, cấp mã truy xuất cho sản phẩm và doanh nghiệp.
Ngày 19/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100) và giao cho Bộ KH&CN chủ trì triển khai, và một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và đưa vào vận hành Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã cấp 3.624 mã số vùng trồng tại 48/63 tỉnh, thành phố, chủ yếu là các loại trái cây; cấp 1.826 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc… |
Trang Nhung