LĐST – Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1813 về Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước được Thủ tướng chỉ đạo chủ trì nghiên cứu, đề xuất cơ chế tiền kỹ thuật số quốc gia.
Theo đề án, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được Thủ tướng giao chủ trì nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia trong giai đoạn này. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước là Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan.
Ngân hàng Nhà nước (ảnh: internet).
Bên cạnh đó, NHNN cũng được giao hoàn thành xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.
Theo quyết định, việc hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách là một trong những giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong luật hiện hành, việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế đối với tiền kỹ thuật số quốc gia cũng được đưa ra.
Trước đó vào cuối tháng 6, Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước “nghiên cứu, xây dựng và thí điểm “tiền ảo dựa trên công nghệ Blockchain” từ năm 2021 đến 2023. Như vậy tới nay, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị chủ trì nghiên cứu đồng thời “tiền ảo dựa trên công nghệ Blockchain” (thường được gọi là tiền mã hóa) và tiền kỹ thuật số quốc gia neo theo tiền đồng pháp định.
Ảnh minh họa tiền kỹ thuật số (hình: internet).
Với việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, Thủ tướng giao nghiên cứu, triển khai từng bước hoạt động đại lý thanh toán, cho phép các tổ chức không phải ngân hàng triển khai hoạt động đại lý thanh toán.
Tiền kỹ thuật số sẽ mang lại nhiều lợi ích, tính năng ưu việt hơn so với tiền giấy truyền thống, giảm chi phí phát hành, in ấn, vận chuyển, kiểm kê, bảo quản…
Là người nghiên cứu sâu về công nghệ blockchain, Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, Trưởng phòng Lab Blockchain (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Fintech (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), khẳng định tiền kỹ thuật số là một xu thế phát triển tất yếu.
Theo Tiến sĩ Tuấn, hiện nay, một số nước trong khu vực đã thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số. Nhiều nước trên thế giới như các quốc gia EU đang có xu hướng sẽ phát hành đồng tiền kỹ thuật số để thay thế dần đồng tiền giấy truyền thống. Đồng tiền kỹ thuật số sẽ là đồng tiền pháp định của Nhà nước phát hành chứ không phải là các đồng coin đào trên mạng.
“Dựa trên công nghệ bkockchain, đồng tiền kỹ thuật số có thể được áp dụng trong các hợp đồng thông minh (Smart Contract); mở ra các dịch vụ tiện ích thông minh mới mà đồng tiền giấy khó có thể làm được.”- Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn chia sẻ.
Để đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán hiện đại, quyết định của Chính phủ cho rằng cần phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, các loại hình thanh toán qua di động như QR Code, thanh toán di động, phi tiếp xúc, ví điện tử.
Cùng với đó, dịch vụ thanh toán dùng tài khoản viễn thông (mobile money) cũng được đánh giá là giải pháp giúp tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông để mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt tới các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Theo quyết định của chính phủ, Bộ Thông tin & Truyền thông được giao chủ trì rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn, trong đó có quy định về đảm bảo an ninh, an toàn trong giao dịch điện tử; cũng như xây dựng quy định về định danh và xác thực điện tử.
Tiền kỹ thuật số sẽ mang lại nhiều lợi ích, tính năng ưu việt hơn so với tiền giấy truyền thống, giảm chi phí phát hành, in ấn, vận chuyển, kiểm kê, bảo quản…
Việt Nam hiện nay chưa có khái niệm chính thức về “tiền kỹ thuật số quốc gia”, tuy nhiên, nhiều quốc gia đã nghiên cứu và một số đang thử nghiệm phiên bản tiền điện tử của tiền pháp định, do ngân hàng trung ương phát hành.
Trang Nhung