Thông tin về việc giữ ổn định phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố được các giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh đồng thuận, kịp thời giải tỏa nhiều mối lo. Những định hướng rõ ràng về phương thức, nội dung thi đã giúp các nhà trường chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi và tuyển sinh năm tới với tinh thần chủ động, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.
Giữ ổn định phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2022 giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh và các nhà trường. Trong ảnh: Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Trường THPT Việt – Đức (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội). Ảnh: Quang Thái.
Giữ ổn định phương án thi
Ngày 5-10-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2022, với tinh thần cơ bản giữ ổn định như năm 2021.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Mai Văn Trinh cho biết, các địa phương vẫn giữ vai trò chủ trì, chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng kết quả kỳ thi làm căn cứ tuyển sinh.
Để nâng cao chất lượng nguồn tuyển, Bộ tiếp tục hoàn thiện ngân hàng câu hỏi, xây dựng đề thi bảo đảm tính phân hóa, đồng thời tăng cường các giải pháp ngăn chặn gian lận trong tổ chức kỳ thi…
Theo ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên, TP. Hà Nội), giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh rất yên tâm khi Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT chung trên cả nước trong năm 2022. Thông báo “dự lệnh” về việc tổ chức thêm đợt thi, nếu tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng giúp giáo viên, học sinh sẵn sàng tinh thần ứng phó.
Với việc được phép tiếp tục sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT cùng với tăng cường tính tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học cũng đang “rục rịch” chuẩn bị phương án tuyển sinh năm 2022.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) thông tin, trong vài năm gần đây, ngoài việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhà trường đã tăng dần chỉ tiêu tuyển sinh cho các phương thức khác.
Việc đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh là xu thế tất yếu để vừa bảo đảm chất lượng nguồn tuyển, vừa tạo thêm sự lựa chọn cho thí sinh. Tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 cho từng phương thức cụ thể của nhà trường đang được tính toán, trên tinh thần bảo đảm quyền lợi, không gây sốc cho thí sinh.
Bà Nguyễn Thị Lan, người có con đang theo học lớp 12 tại Trường THPT Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) chia sẻ: “Tôi rất mừng vì các trường đại học vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Với mục tiêu “hai trong một” rõ ràng như vậy, các con sẽ có động lực học ngay từ bây giờ để đạt kết quả tốt nhất”.
Học sinh lớp 12, Trường THPT Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) trong một giờ học trực tuyến. Ảnh: Nguyễn Quang.
Chuẩn bị kỹ để đạt hiệu quả cao
Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 100.000 học sinh lớp 12 đang theo học tại các trường THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên. Theo ghi nhận, chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giúp các nhà trường chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng phương án dạy học, nhằm bảo đảm cho học sinh vừa đạt yêu cầu tốt nghiệp THPT, vừa sẵn sàng tâm thế tham gia kỳ tuyển sinh đại học năm 2022.
Ông Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai) cho biết, nhà trường yêu cầu giáo viên lớp 12 xây dựng, triển khai kế hoạch dạy học, ôn tập cho gần 700 học sinh theo đúng định hướng về đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc dạy học bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, không đưa vào giảng dạy, kiểm tra các nội dung kiến thức đã được tinh giản hoặc tự học.
Còn theo Hiệu trưởng Trường THPT Chương Mỹ A (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Hồng Quang, nhà trường phối hợp với phụ huynh để động viên học sinh cố gắng khắc phục khó khăn khi học trực tuyến; hướng dẫn học sinh cách tự học hiệu quả, hạn chế hiện tượng học “tủ”, học lệch.
Em Trần Nguyễn Thu Trang, học sinh lớp 12D8, Trường THPT Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) bày tỏ: “Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến chúng em học tập khá vất vả. Ngoài nội dung học theo thời khóa biểu, chúng em được thầy, cô giáo hướng dẫn tự học trên Hệ thống học và thi trực tuyến HanoiStudy. Em mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố đề thi tham khảo các môn để chúng em hình dung rõ hơn về cấu trúc đề thi”.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn thông tin, Bộ đã yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng phương án tuyển sinh ứng phó với mọi diễn biến của dịch Covid-19, phù hợp với thực tế.
Với các trường, ngành có tính cạnh tranh cao, cần xem xét mức độ sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh, coi đây như là bước sơ tuyển và cần có thêm các hình thức tuyển chọn. Tuy nhiên, đây không phải yêu cầu bắt buộc. Nếu tổ chức thêm các hình thức tuyển chọn, các trường cần chuẩn bị kỹ, thông báo sớm, bảo đảm quyền lợi của thí sinh.
“Bộ yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh việc thực hiện tự chủ, đa dạng hóa phương thức tuyển sinh và công bố công khai; khuyến khích các đơn vị chủ động hợp tác, liên kết để tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại địa phương, nhằm tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất cho thí sinh, tránh để các em phải đi lại tốn kém hoặc phải tham dự nhiều kỳ thi”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.