STVN – Nhóm Văn Plus - Một điểm hẹn lý tưởng dành cho những người yêu văn chương tại Hà Thành. Đây là nơi gặp gỡ, giao lưu, và chia sẻ kết nối những cây bút chuyên và không chuyên nhưng cùng chung mục tiêu, đam mê giữa các nhà văn, nhà thơ, và những người yêu thích sáng tác hoặc nghiên cứu văn học.
Văn Plus (Văn+) là một nhóm văn hữu đa phong cách, hoạt động phi lợi nhuận, sứ mệnh kết nối những cây bút chuyên và không chuyên nhưng cùng chung mục tiêu, đam mê và một tinh thần, kết nối tri âm tri kỷ như anh em một nhà. Được dẫn dắt bởi nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh (Nguyễn chủ tịch CLB Văn học trẻ Hà Nội), chịu trách nhiệm nội dung nhà thơ Đặng Thiên Sơn và thư ký biên tập Vũ Kiều Chinh. Nhóm không chỉ tìm kiếm con đường vượt lên chính mình mà còn mở rộng chiều kích sáng tạo, suy tôn vẻ đẹp quyền uy của văn chương và ngôn từ. Văn+ đề cao tinh thần dấn thân, sáng tạo không ngừng nghỉ trong hành trình nghệ thuật. Nhóm đặc biệt chú trọng những sáng tác có khả năng khái quát hóa các vấn đề lớn, đồng thời đưa ra những triết luận, suy tưởng về kiếp nhân sinh và những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống. Trong hành trình này, Văn Plus còn kiến thiết sự giao thoa giữa giá trị văn chương.
Bàn về “chi tiết, tình tiết” trong truyện ngắn
Tiết trời vào thu là dịp phù hợp hơn cả để các thành viên Văn+ ngồi bàn luận và trao đổi nâng cao chuyên môn. Cứ mỗi dịp như thế nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh lại chọn ra một chủ để để buổi thảo luận sôi nổi hơn. Chủ đề của tháng 10 này là “Vai trò của chi tiết trong truyện ngắn”.
Nhà văn Vinh Huỳnh đã giới thiệu khái quát về nghệ thuật viết truyện ngắn đặc biệt là chi tiết. Truyện ngắn không có cốt chuyện, chỉ cần thông điệp, tư tưởng, chi tiết đủ lớn. Với chủ đề này, mỗi một nghệ sĩ sẽ bàn luận và đưa ra quan điểm của mình.
Cuộc gặp mặt giao lưu các thành viên Văn Plus (Văn+)
Góc nhìn đa chiều và mới mẻ từ các nghệ sĩ
Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho với hơn 30 năm trong ngành Giáo dục chia sẻ sâu về chi tiết làm nên dấu ấn của các tác phẩm văn học Việt Nam kinh điển như tình tiết “Hút thuốc lào, uống nước chè, ăn khoai luộc” trong tác phẩm Lão Hạc, rằng nhờ chi tiết mà chúng ta biết rằng tư tưởng “không nên hoãn sự sung sướng lại”. Với việc nhấn mạnh chi tiết nhỏ nhưng nó làm nổi bật, bừng sáng thêm nhân vật.
Theo GS Vũ Nho, kỹ năng viết chuyện ngắn cần coi trọng chi tiết, vì chi tiết thể hiện sự trải nghiệm, vốn sống. Ông cũng nói về việc dạy văn cần sự sáng tạo của học sinh, giáo viên chỉ nên dạy một nửa, phần còn lại để học sinh tự thăng hoa, chớ nên định hướng suy nghĩ rằng nhân vật này nhất định phải có hình tượng này, hay câu chuyện này nói lên bài học kia, như vậy là đóng cứng tư duy học sinh.
Thí dụ chi tiết tác giả Nguyễn Huy Tưởng viết “Trần Quốc Toản bị kề gươm lên gáy và run bắn lên” vậy tại sao? Liệu Trần Quốc Toản Sợ chết hay Cảm động, cái đó hãy để người đọc, người học suy tưởng đa chiều.
Tham gia còn có Nhà văn Nguyễn Thế Hùng – Phó trưởng ban văn nghệ báo Công an Nhân dân, ông từng tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du góp thêm ý kiến trong số cốt chuyện, không khí chuyện, nội dung thì quan trọng nhất là chi tiết, tên nhân vật… Nếu không chọn được tên Chí Phèo… thì chưa chắc Nam Cao đã nổi tiếng như hôm nay. Hay Giang Minh Sài của Lê Lựu… điều đó chứng minh cho luận điểm “tên nhân vật sống thì tác giả sống và ngược lại”
Với hơn 5 đầu sách xuất bản hơn 10 vạn bản ở nhà xuất bản Kim Đồng, nữ nhà văn Kim Chi từng tiếp xúc làm việc nhiều nhất là những người miền núi, đặc biệt là dân tộc Tày, Nùng. Có đôi lần trong những tác phẩm của chính mình, bà bắt gặp chi tiết là đôi mắt người già, nó là phiền phức của người trẻ, nhưng nó là kiến thức cho kẻ đã vấp ngã…
Cũng tham gia tranh luận, Nhà văn Cao Thâm với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành xuất bản ông cho rằng nhiều nhà văn vẫn còn một số lỗi sai chính tả, viết hoa không đúng chỗ, riêng với chủ đề buổi thảo luận, ông nhấn mạnh “Cái quan trọng là chi tiết phải làm nổi bật và định hình tính cách nhân vật, làm sao để ngọn nến đủ sáng, đặt chi tiết trong bối cảnh và văn cảnh, nhiều chi tiết lạ, chi tiết lặp đi lặp lại cũng sẽ tạo ấn tượng cho câu chuyện”
Mang đến những kiến thức mới mà nhiều nhà văn chưa từng biết, Nhà văn trẻ Đức Anh bàn về lý luận truyện ngắn của Trung Quốc, Liên Xô cũng như văn học phương tây vốn dĩ không có khái niệm phân biệt truyện ngắn, chuyện dài, tiểu thuyết mà chỉ phân theo độ dài của cuốn sách. Anh ví “Truyện ngắn là như một lần xuất quân là đánh thắng lớn”.
Buổi tham luận giữa các thành viên Văn Plus (Văn+)
TS. Trịnh Xuân Đức đã đưa ra một góc nhìn vô cùng thú vị về “tính chi tiết trong truyện ngắn”. Theo ông, tính chi tiết không chỉ đơn thuần là việc mô tả sự vật, hiện tượng một cách cụ thể, mà còn là một cầu nối tinh tế giữa tác giả và độc giả. Mỗi độc giả, với những trải nghiệm và cảm xúc riêng, sẽ có cách cảm nhận khác nhau về những chi tiết ấy. Chính sự đa dạng trong cách cảm nhận này đã tạo nên sức sống bền lâu cho một tác phẩm văn học.
Có thể nói, nếu thiếu đi chi tiết thì truyện ngắn sẽ không còn là truyện ngắn và cũng sẽ không có tác phẩm văn học. Điều khó nhất là con đường nào giúp chi tiết có thể níu chân độc giả ở lại với tác phẩm và chi tiết có thể giúp truyện ngắn kết thúc mà không để lại sự hụt hẫng hay thiếu sót trong lòng người đọc, đặc biệt là tạo ra giá trị về nghệ thuật, về cuộc sống, về con người, về một đích đến nhất định ở mỗi tác phẩm.
PV,
Như Phương