LĐST – Nhân kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2021), cùng nhìn lại chặng đường hình thành, xây dựng và phát triển của Hội qua các thời kỳ.
Quá trình hình thành Hội Nông dân Việt Nam
Đầu năm 1930, Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Cửu Long (Hương Cảng – Trung Quốc), trong Sách lược vắn tắt của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc dự thảo, được Hội nghị thông qua ngày 03/02/1930 đã nêu ra những vấn đề cơ bản đối với giai cấp nông dân: “Đảng phải thu phục cho được đại đa số dân cày nghèo làm cách mạng thổ địa đánh đổ bọn đại địa chủ và phong kiến”. Đồng thời, nhấn mạnh ”Nông dân là lực lượng to lớn của cách mạng”. Vì vậy, phải tập hợp nông dân vào một tổ chức dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, đấu tranh giành độc lập tự do và thực hiện cách mạng ruộng đất.
Hội chú trọng giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của hội viên.
Trên cơ sở đó, tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ Nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng đã thông qua bản Luận cương chính trị, thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay) đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam, sự trưởng thành và lớn mạnh về của phong trào nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tháng 3/1937, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp, đề ra đường lối chính trị và phương pháp tổ chức mới, tên của các tổ chức quần chúng đều được thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Quyết định lấy tên Nông hội thay Nông hội đỏ.
Nông dân có tổ chức chính là Nông hội và có thể tổ chức nhiều hội: hội tương tế, ái hữu, hợp tác xã, hội cấy, hội gặt, hội hiếu hỉ, hội góp họ, phường đi săn, hội chèo, nhóm học quốc ngữ… đã thu hút đông đảo nông dân đấu tranh giành quyền lợi của giai cấp mình.
Năm 1937, có hơn 150 cuộc đấu tranh của nông dân chống cướp ruộng đất, đòi chia ruộng công, giảm tô, tức, khất thuế,… Từ tháng 01 – 11/1938, có 125 cuộc đấu tranh của nông dân với 55.442 người tham gia.
Năm 1941 – 1942, dưới sự lãnh đạo của Nông dân cứu quốc hội, nông dân đã đấu tranh chống thu thóc, chống nhổ lúa trồng đay, nhổ ngô trồng thầu dầu… Từ năm 1943, với khẩu hiệu ”Đoàn kết toàn dân đánh đuổi Nhật – Pháp”, đã đưa nông dân tham gia mạnh mẽ vào các phong trào đấu tranh với những hình thức như biểu tình chống Nhật, vũ trang đánh Nhật…
Tháng 12/1949, Ban Nông vận Trung ương đã tổ chức Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ nhất, Hội nghị đã nhất trí thành lập Hội Nông dân cứu quốc Trung ương (sau đổi tên là Ban Liên lạc Nông dân toàn quốc). Lần đầu tiên trong lịch sử Hội và phong trào nông dân, giai cấp nông dân có một tổ chức Hội ở cấp Trung ương, đáp ứng nguyện vọng của nông dân cả nước.
Với tinh thần ”Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, nông dân đã hăng hái tham gia “Phong trào thi đua ái quốc sản xuất lập công đề cao chiến sĩ” do Đảng và Chính phủ phát động. Các cấp Hội nông dân đã tập trung vận động thực hiện các phong trào, như: xây dựng “Cánh đồng 5 tấn”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, phong trào thanh niên nông thôn lên đường tòng quân giết giặc, bảo vệ Tổ quốc…
Hội Nông dân trong các vùng địch tạm chiếm đã tiến hành nhiều hình thức đấu tranh như bám ruộng đất, làng xóm để sản xuất; lên án hành động bắn phá, đốt hoa màu của địch; tranh thủ sản xuất, thu hoạch và cất giấu lương thực, thực phẩm ở vùng địch hậu trong cả nước để đảm bảo được nhu cầu của nhân dân mà còn đóng góp cho Nhà nước, phục vụ sự nghiệp kháng chiến.
Đến ngày 20/12/1960 thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại hội Đại biểu Quốc dân miền Nam đã họp, tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam, ngày 21/4/1961, Hội Nông dân Giải phóng miền Nam chính thức ra đời và trở thành thành viên của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Trước tình hình địch đánh phá ác liệt, tổ chức Hội Nông dân giải phóng miền nam có bị xáo trộn, việc tập hợp sinh hoạt có nhiều khó khăn, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tình hình ổn định hơn, cơ sở Hội lại tiếp tục được củng cố và phát triển. Số hội viên không ngừng được tăng lên. Mặc dù trong hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn nhưng một số địa phương đã biết kết hợp các mặt công tác kháng chiến để phát triển hội viên.
Chính sách ruộng đất sau Cách mạng tháng Tám, nhất là sau Đồng khởi 1959-1960 đã tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích tinh thần hăng hái sản xuất của nông dân lao động. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn của Hội Nông dân giải phóng, nông dân miền Nam đã vượt qua khó khăn, gian khổ, bám đất giữ làng, giữ vững sản xuất, thực hiện khẩu hiệu “hầm tốt hơn nhà tốt”, “biến nhà thành công sự, biến đồng ruộng thành trận địa”, ngụy trang cho trâu bò, đào công sự tránh bom pháo ở ngoài đồng, bố trí lực lượng canh gác ngày đêm,.. đã xuất nhiều gương nông dân chiến đấu dũng cảm kiên cường giữ đất, giữ làng.
Hội Nông dân Giải phóng miền Nam đã kế thừa truyền thống cách mạng của Nông hội đỏ, Hội Nông dân phản đế và Hội Nông dân cứu quốc. Phát huy thắng lợi trong cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp, Hội đã nêu cao vai trò tiên phong, nòng cốt trong các phong trào ở nông thôn, vận động nông dân tích cực thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chương trình hành động cách mạng của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam trong mọi lĩnh vực, nhất là trong sản xuất và chiến đấu, trong thực hiện chính sách ruộng đất, là tổ chức xương sống ở nông thôn thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 27/9/1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 78 – CT/TƯ về việc tổ chức Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam. Bộ Chính trị đã quyết định thành lập tổ chức thống nhất của nông dân lao động trong cả nước, có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, lấy tên là Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam.
Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam được thành lập có ý nghĩa chính trị to lớn. Sau nhiều năm không có tổ chức Hội (ở miền Bắc), nay giai cấp nông dân cả nước có tổ chức thống nhất từ Trung ương xuống cơ sở.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nông nghiệp nước ta chưa có những chuyển biến tích cực. Mô hình hợp tác xã nông nghiệp trong thời gian qua không còn phù hợp. Những hạn chế của nó đã dẫn đến những biểu hiện suy thoái trong phát triển sản xuất, những dấu hiệu khủng hoảng, bất hợp lý bộc lộ ngày càng rõ, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Ngày 01/3/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 42 – QĐ/TW về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam.
Nhiệm vụ của Hội
Tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, hội viên, nông dân hiểu biết đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết, chỉ thị của Hội, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, lao động sáng tạo của nông dân.
Vận động, tập hợp và làm nòng cốt tổ chức các phong trào nông dân phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh. Chăm lo đời sống và tinh thần của hội viên, nông dân.
Các cấp Hội là thành viên tích cực trong hệ thống chính trị thực hiện các chính sách, pháp luật, các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước ở nông thôn. Hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, bảo vệ môi trường.
Đoàn kết, tập hợp đông đảo nông dân vào tổ chức Hội, phát triển và nâng cao chất lương hội viên. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về mọi mặt; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước.
Hội sẽ đổi mới nội dung, phương thức vận động nông dân phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường.
Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Tham gia giám sát và phản biện xã hội theo quy chế. Kịp thời phản ánh tâm tư nguyện vọng của nông dân với Đảng và Nhà nước; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân. Thực hiện Pháp lệnh Dân chủ cơ sở, giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nông dân; góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội.
Mở rộng hoạt động đối ngoại theo quan điểm, đường lối của Đảng, tăng cường hợp tác, trao đổi, học tập kinh nghiệm, tiến bộ kho học, kỹ thuật, quảng bá hàng hoá nông sản, văn hoá Việt Nam với tổ chức nông dân, tổ chức quốc tế, các tổ chức chính phủ, các tổ chức phi chính phủ trong khu vực và trên thế giới.
Phương hướng phát triển Hội
Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội các cấp có đủ năng lực, phẩm chất, nhiệt tình, trách nhiệm, hiểu nông dân và vì nông dân, nắm vững các chủ trương, chính sách để tuyên truyền, giải thích cho nông dân hiểu; chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân thì sẽ phát huy được vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Đổi mới nội dung, phương thức vận động nông dân phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế thì mới đoàn kết, tập hợp nông dân và nâng cao được chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp,…
Giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của hội viên nông dân và coi sự tham gia của hội viên, nông dân về các hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân làm thước đo đánh giá chất lượng công tác Hội và đội ngũ cán bộ Hội các cấp.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Hội phải có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở và thường xuyên cùng hội viên, nông dân sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, động viên khen, thưởng kịp thời để hoàn thiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến thì Hội Nông dân sẽ hoạt động có hiệu quả, phát động thành công các phong trào thi đua yêu nước.
Tăng cường phát huy dân chủ, mở rộng các hình thức đối thoại, tiếp xúc giữa cấp ủy, chính quyền, tổ chức Hội các cấp với hội viên, nông dân; nâng cao hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, nêu cao vai trò của hội viên, nông dân trong việc tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền. Chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân.
Hòa Bình