Giao Tiên là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng với những ca khúc trữ tình viết về quê hương Việt Nam. Với tài năng âm nhạc bẩm sinh và tự trau dồi kiến thức âm nhạc, ông đã viết riêng trên 350 ca khúc, viết chung hàng trăm ca khúc và phổ nhạc cho hơn 2.000 bài thơ. Trong đó, có những ca khúc để đời, được nhiều hãng băng đĩa nhạc và các đài phát thanh, truyền hình trong và ngoài nước phát hành nhạc phẩm. Ông được công chúng mến mộ gọi là “NHẠC SĨ CỦA ĐỒNG QUÊ”. Tuy nhiên, phía sau thành công của người nhạc sĩ tài hoa, khiêm nhường này, có những điều không phải ai cũng biết.
Cuộc đời lận đận, gian khó
Nhạc sĩ Giao Tiên tên thật là Dương Trung. Ông sinh ngày 16/11/1941 tại Tam Quan, Hoài Nhơn, Bình Định. Năm 1957, ông được người anh bà con đưa vào sống và tiếp tục học tại Sài Gòn. Việc học ở đây cũng lại dở dang, từ năm 1962 – 1964, ông bị Cảnh sát Việt Nam cộng hoà bắt vì tình nghi là học sinh sinh viên thân Cộng. Năm 1965, ông ra tù, lên tỉnh Phước Long làm việc, rồi bị bắt lính đi quân dịch 10 năm đến 1975 thì bỏ ngũ về nhà trong chiến dịch Giải phóng miền Nam. Năm 1976, ông đi xây dựng kinh tế mới ở huyện Bù Đăng, tỉnh Sông Bé. Năm 1985, ông cùng vợ con về Thành phố Đà Lạt trồng rau và buôn bán nhỏ. Đến năm 1990, gia đình ông về sống tại Cam Ranh, Khánh Hoà cho đến nay. Cuộc sống vẫn khó khăn vất vả, lúc đầu gia đình nuôi tôm xuất khẩu nhưng đến 1993 thất bại trắng tay. Cả gia đình lại chuyển sang nghề làm bánh chưng để sống.
Mặc dù trải qua nhiều năm tháng gian khó nhưng ở đâu nhạc sĩ Giao Tiên cũng được mọi người tin yêu, quý mến. Ông từng được bầu là đại biểu HĐND xã, Trưởng ban VHTT xã, Phó Ban Tài chính xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng, tỉnh Sông Bé; Chủ tịch Mặt Trận Tổ quốc, Chủ tịch Hội Khuyến Học, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Ba Ngòi, TP Cam Ranh, Khánh Hoà.
Sự nghiệp âm nhạc
Vốn có năng khiếu đặc biệt. Từ thời niên thiếu, cậu bé Dương Trung đã tự mày mò chơi đàn Mandolin. Chơi càng ngày càng hay nên cậu được mời tham gia ban nhạc của Trường Trung học của xã. Cũng từ thời gian đó, Dương Trung nẩy nở năng khiếu sáng tác và chịu ảnh hưởng các dòng nhạc của Hoàng Thi Thơ, của Phạm Thế Mỹ nhưng chưa định hình rõ nét. Mãi đến năm 1967, khi được gần gũi với đài phát thanh, gặp gỡ các ca, nhạc sĩ hàng ngày, Dương Trung đã nghiền ngẫm các bài hát đương thời, tự nghiên cứu nhạc lý… Đến năm 1970 thì tác phẩm đầu tay của ông đã ra đời, đó là ca khúc “Phận gái thuyền quyên”. Thời cơ đã đến. Một người bạn của ông là Nguyễn Ngọc Trân (bút danh Nguyên Thảo) đang bắt đầu nghề xuất bản, in ấn nhạc tờ rời để bán. Khi nhìn thấy bài “Phận Gái Thuyền Quyên” của Dương Trung, ông đã ưng ý ngay và ký mua bản quyền in ấn, xuất bản. Nhờ tài năng tháo vát và lòng ham mê nhiệt tình, Nguyên Thảo đã đưa ca khúc “Phận Gái Thuyền Quyên” được ghi với bút danh Giao Tiên & Nguyên Thảo nổi lên một cách nhanh chóng, được người hâm mộ hồ hởi đón nhận. Nhạc in đến đâu bán hết đến đó. Tiền tác quyền dù không là bao, nhưng việc tác phẩm nổi tiếng, làm cho Giao Tiên phấn khởi sáng tác tiếp những ca khúc khác thật nhanh chóng. Năm 1971, ca khúc “Nhớ người yêu” đã vụt sáng chói trên thị trường âm nhạc Sài Gòn. In không kịp để bán… Cứ thế tên tuổi của Nhạc sĩ Giao Tiên nổi như cồn trong giới âm nhạc Sài Gòn. Rồi cái gì đến phải đến, Giao Tiên được Chủ hãng đĩa Dư Âm cũng là nhà xuất bản Nhạc tờ rơi mời về làm Giám đốc kỹ thuật chuyên lo việc in ấn xuất bản và thu đĩa, mời nhạc sĩ phối âm, mời ca sĩ thu thanh… Nhiều bài hát của ông do hãng này sử dụng như: Con gái của mẹ, Đính ước, Say, Hào hoa, Chôn vùi tâm sự, Mất nhau rồi… ra đời trong một thời gian ngắn. Chỉ trong 2 năm 1971 – 1972 có cả trăm bài được ký bản quyền in ấn và thu đĩa. Ngoài bút danh Giao Tiên, ông còn ký tên với hàng loạt bút danh khác như: Dương Trung, Hoàng Hoa, Thảo Trang, Diễm Đào, Rạng Đông, Ngân Trang, Thu Anh, Kim Khánh, Xuân Hoà, Xuân Hậu, Hương Xuân…Khi đã nổi tiếng rồi, năm 1972, Giao Tiên mới đi học hàm thụ khoa sáng tác tại Đại học Vạn Hạnh để trau dồi khả năng sáng tác của mình.
Ảnh nhạc sĩ Giao Tiên hồi trẻ
Có những tác phẩm của nhạc sĩ Giao Tiên nổi lên ngay lập tức nhưng cũng có những tác phẩm tâm đắc của ông phải một thời gian sau mới được những ca sĩ gạo cội đẩy danh tiếng lên như: Lại nhớ người yêu, Tình đẹp mùa chôm chôm, Quán gấm đầu làng, Lý theo chồng, Cô Thắm về làng, Vó ngựa trên đồi cỏ non, Lần đầu nói dối…
Từ năm 1994, Giao Tiên bắt đầu viết nhạc trở lại. Từ đây ông dùng thêm bút danh là Dương Tiếng Thu. Giai đoạn 1994-1998, nhiều ca khúc đặc sắc của ông lần lượt ra đời như: Ai Có Qua Cầu, Mống Chuồn Chuồnvà đặc biệt là chuỗi ca khúc về Cô Thắm (Cô Thắm gặp tình nhân, Cô Thắm theo chồng…). Các tác phẩm của Giao Tiên được thu âm bởi hàng loạt hãng sản xuất băng, đĩa trong và ngoài nước Việt Nam như Vafaco, Saigon Video, Rạng Đông, Trung tâm Băng nhạc Trẻ, Kim Lợi, Thuý Nga Paris, Asia, Vân Sơn… Năm 2000, nhạc sĩ Giao Tiên trở thành Hội viên Hội VHNT Khánh Hoà.
Ngoài số băng đĩa phát hành trước năm 1975, đến nay, nhạc sĩ Giao Tiên đã in ấn xuất bản 8 tuyển tâp là: Quê hương tình tự dân tộc, Vó ngựa trên đồi cỏ non, Cô Thắm về làng, Nhớ người yêu, Cánh chim Lạc Việt, Chuyện tình nơi làng quê, Tình ơi nhè nhẹ theo về, Nằm thơmvà một số băng đĩa như: Băng Cassette Thương Mối Tình Đầu, Băng Casette và đĩa CD Bến Tương Tư, đĩa CD Duyên Thăng Long -Tình Hà Nội.
Nhạc của Giao Tiên phần lớn có giai điệu ngọt ngào thi vị, ý tứ bình dị, hồn nhiên, lời ca mộc mạc, mang âm hưởng dân ca và rất gần gũi với mọi tầng lớp người dân. Giao Tiên cũng được biết tới như là một nhạc sĩ với nhiều ca khúc phổ thơ. Ông được các nhà báo và người hâm mộ khen tặng là “Nhạc sĩ của Đồng Quê”.
Nhạc sĩ Giao Tiên trong chương trình tôn vinh của Đài truyền hình Vĩnh Long
Sức sáng tạo vượt qua tuổi tác
Thời gian từ năm 2000 đến nay, do tuổi cao, Giao Tiên rất ít khi sáng tác nhạc và lời mà chủ yếu ông phổ nhạc cho thơ. Gần đây, thông qua Facebook, ông kết bạn với các nhà thơ trên khắp mọi miền đất nước để tìm ra những nét đẹp quê hương trong thơ ca và phổ nhạc cho gần 2.000 bài thơ. Ông sáng tác đều đặn mỗi ngày, coi đó là niềm vui và sự cống hiến lúc tuổi già. Khi được hỏi về những dự định trong thời gian tới, nhạc sĩ Giao Tiên bộc bạch: tháng mười một năm nay, mình tròn 80 tuổi, thời gian không còn nhiều, mình dự kiến trong năm 2022 nếu hết dịch, sẽ in ấn 5 tập nữa vì số bài của mình còn quá nhiều.
Xin chúc ông – người nhạc sĩ tài hoa, tấm gương lao động sáng tạo không mệt mỏi sẽ đạt được tâm nguyện của mình, tiếp tục cho ra đời những “đứa con tinh thần” phục vụ đất nước, quê hương
TKT