LĐST – “Trời là ta – ở tột cùng nhân bản” là một cuốn sách tuyệt đỉnh, một đề tài khó mà nhà văn Kiều Bích Hậu đã dành thời gian thâm nhập khá sâu vào thế giới của trẻ em tự kỷ, trầm cảm. Tác phẩm chuyển tới vô vàn tình yêu thương cùng cảm xúc lắng đọng cho mỗi chúng ta và gia đình.
Với nghề biên tập của mình, tôi đã đọc nhiều sách chị viết. Tôi đã biết chị Kiều Bích Hậu từ rất lâu, song điều cảm nhận từ đầu tới giờ vẫn là một thắc mắc “Sao chị có thể đa tài tới vậy?
Ở thể loại nào trên các văn đàn cũng nhìn thấy chị. Chị vừa là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, vừa dịch giả…” Và quan trọng là ở vai trò nào chị cũng làm tốt, để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí người đọc như tôi.
Câu văn của Kiều Bích Hậu thường không rườm rà, gọn gàng mà có sức hàm chứa, không thể đọc lướt. Có thể nói tập truyện đặc biệt này là một thành công mới và ấn tượng sâu sắc của tác giả.
Từ khi bắt đầu giãn cách toàn xã hội tại Hà Nội, tôi có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn cho gia đình, nên đã cầm cuốn sách “Trời là ta ở tột cùng nhân bản” và dành thời gian đọc, nghiền ngẫm nhiều hơn.
Tôi đã luôn nhìn cuộc đời bằng một màu hồng, thường tự nhủ lòng mình vì một niềm tin rằng cuộc đời toàn những điều đẹp đẽ từ bao lâu nay.
Nhưng khi đọc những câu chuyện của chị trong cuốn sách đặc biệt này, tôi thấy nhiều nỗi niềm, đau đớn sự đày đọa cho những người mẹ; hay đau khổ cho những người cha.
Những mẩu chuyện được đặt với những cái tên rất đời thường như Vượt qua, Nghiệp quật… cái tên lộ ý tưởng như tên một bài báo, nhưng khi tôi đọc lại thấy nội dung không đơn giản một chút nào.
Chúng toát lên những vẻ sầu bi, ai oán lên đến đỉnh điểm mà những những tâm hồn non nớt cùng những bậc sinh thành đã phải chịu đựng qua ngày tháng – thật tội nghiệp cho các con và gia đình có con tự kỷ.
“… Mặt chị luôn tím bầm vì bị con đấm, tát. Cánh tay chi chít vết răng cắn của con…”
“… vậy mà kỳ lạ thay, khi con đi, chị lại nhớ con cuồng dại…”, sự rung cảm của mẹ khi nhìn thấy sự chuyển hóa của đứa con thường xuyên cắn tay mình và đánh đập chị gái.
Hay câu hỏi đầy nước mắt:
“Tại sao mẹ đẻ em Võ làm gì!? – Bé Linh, con gái đầu lòng của Vân bỏ bát cơm xuống, nét mặt cáu kỉnh – “Em ác như con quỷ ấy. Con không muốn có em đâu! Mẹ mang em cho nhà người khác đi. Con ghét nó!”
Những lời lột tả rất thực về sự cùng quẫn của cảnh đời, về những gam màu cuộc sống từ gia đình có con bị tự kỷ, được nhắc đến với cụm từ “khiếp đảm”.
Họ đã vật lộn, chật vật với cuộc sống vốn gian khó, nhưng điều đớn đau hơn là họ không đủ sức đối diện với ánh mắt kỳ thị của cộng đồng, của sự xa lánh, và họ đã than trời.
Họ nghĩ rằng họ phải gánh nghiệp từ nhiều đời, nhiều kiếp trước nên mới có một cuộc sống đầy trăn trở, day dứt.
Điều đớn đau hơn là họ không đủ sức đối diện với ánh mắt nghi kỵ của đồng loại.
Đã ở cái tuổi trung tuần, nhiều lúc tôi cũng trách ông trời sao sao không ưu ái tôi mà đày đoạ tôi nhiều thế!
Ngược lại, càng đọc, tôi càng thấy cuộc đời ưu ái tôi nhiều đến nhường nào, ông trời thương tôi biết bao nhiêu.
Qua đó, tôi lại càng thấy những giá trị nhân văn, điều không tưởng một cách rất đỗi bình thường mà “Thầy Tâm” với ngôi trường “Hoa Xuyến Chi” của mình luôn đồng hành 24/7/365 cùng các con và gia đình.
Thầy cùng với đội ngũ của mình mang lại cho tôi cảm giác như chính họ đang là “Ánh sáng cuối con đường của những gia đình tưởng chừng như số phận đã kết thúc”.
Có lẽ, những nỗi đau đến đỉnh điểm, chạm tới tận cùng trời xanh, thì ông trời cũng động lòng. “Khi học trò sẵn sàng thì người thầy xuất hiện đúng thời điểm”.
Biết ơn, biết ơn vô cùng những người thầy, những chuyên gia đã mang đến một sắc màu cuộc sống đầy tươi sáng dành cho các bé.
Nhờ những thầy cô ở mái trường Hoa Xuyến Chi, mà không ít trong số bé có tiền sử tự kỷ đã được tôi luyện trở thành những Kỷ lục gia, điều mà chưa ai trên thế gian này làm được – qua những thách thức tung hứng 10 bóng, thăng bằng trên xe đạp 1 bánh của Nguyễn Khôi Nguyên kỷ lục gia Châu Á , Nguyễn Đình Khánh Hưng biệt tài tí hon, kỷ lục gia Việt Nam…
Ý nghĩa hơn, các bé đang đón nhận một cuộc sống bình thường, hòa nhập cộng đồng và cống hiến cho xã hội.
Các em từ những kẻ đáng thương thành thần tượng cho những bạn trẻ được cho là “bình thường” trong xã hội.
Điều này minh chứng cho nhận định “khả năng con người là vô tận”, là nguồn cảm hứng vô lượng cho tất cả những ai đang dấn thân vượt lên số phận, đặc biệt ý nghĩa trong thời Covid, khi mỗi người “bình thường” đang ngày một “tăng động” hơn, hoặc “trầm cảm” hơn.
“Trời là ta – ở tột cùng nhân bản” là một cuốn sách tuyệt đỉnh, một đề tài khó mà nhà văn Kiều Bích Hậu đã dành thời gian thâm nhập khá sâu vào thế giới của trẻ em tự kỷ, trầm cảm.
Tôi nghĩ đúng là cuộc đời luôn có những món nợ, nỗi đau của họ lớn quá. Tôi lại thấy thêm nể phục Kiều Bích Hậu, là người cầm bút tôi thực sự thấu hiểu.
Câu văn của Kiều Bích Hậu thường không rườm rà, gọn gàng mà có sức hàm chứa, không thể đọc lướt.
Có thể nói tập truyện đặc biệt này là một thành công mới và tạo được ấn tượng sâu sắc của tác giả.
Năm 2016, chủ đề chính về tự kỷ của Liên hiệp quốc đưa ra là “Hòa nhập và đa dạng thần kinh”, với thông điệp đầy nhân văn: “Tự kỷ và các dạng khuyết tật khác là một phần trải nghiệm của loài người và đóng góp vào sự đa dạng cho xã hội loài người.” Tập truyện ngắn “Trời là ta ở tận cùng nhân bản” là một minh chứng đậm tính nhân văn cho tuyên bố này.