Trên thế giới, việc dạy chuyên nghiệp Guitar cho trẻ em đã được phát triển từ nhiều thế kỷ, đặc biệt trong thế kỉ 20, các em nhỏ đã làm chủ cây đàn từ rất sớm. Các trung tâm Guitar ở Châu Âu như: London Guitar Academy (Anh), Waltins new school of music (Ireland) cho đến Louisville Guitar Academy (Mỹ), New York city Guitar School (Mỹ) và Australian Guitar Institute (Úc) … và hầu hết tại các nhạc viện kinh điển đều có những lớp dạy Guitar cho các trẻ em lứa tuổi nhỏ theo hướng chuyên nghiệp.
Học viên Guitar của Học viện nghệ thuật online
Ở Việt Nam, việc giảng dạy Guitar cho trẻ em cũng đã được quan tâm từ lâu, có nhiều hình thức giảng dạy phong phú và đa dạng, đội ngũ giáo viên đàn Guitar cũng càng ngày nhanh chóng hình thành và phát triển. Tuy nhiên, việc dạy đàn Guitar cho trẻ em Việt Nam hiện nay vẫn còn bộc lộ nhiều vấn đề thiếu sót như: Không có những cơ sở đào tạo theo định hướng chính quy, chuyên nghiệp cho trẻ em ngay từ nhỏ. Thiếu đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp về nghiên cứu giảng dạy cho trẻ em độ tuổi này. Thiếu phương pháp sư phạm căn bản để phát triển Guitar trẻ em chuyên nghiệp ở Việt Nam.
Trong nhiều năm giảng dạy và theo dõi sự phát triển của việc dạy và học Guitar nói chung và dạy và học Guitar cho trẻ em nói riêng, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề cần quan tâm trong quá trình giảng dạy đàn Guitar cho trẻ em tại Việt Nam để đạt được chất lượng tốt nhất.
Trước tiên để việc giảng dạy đạt được được hiệu quả người giáo viên phải hiểu và nắm được đặc điểm của trẻ em Việt Nam và sự chuyển động của hai tay. Nếu quan sát kỹ chúng ta thấy rằng, trong số rất nhiều học sinh nhỏ tuổi theo học Guitar, việc xác định có năng khiếu âm nhạc tốt, có cấu tạo cơ thể mềm dẻo và có trí tuệ thông minh, năng động sẽ là cơ sở rất quan trọng để có thể theo học Guitar chuyên nghiệp. Hơn nữa, nếu trẻ em có năng khiếu bẩm sinh xuất sắc, có trí tuệ thông minh, thì việc chơi đàn Guitar sẽ mang lại nhiều thành công hơn…
Để dạy đàn tốt cho các em người giáo viên cũng cần hiểu rằng, mỗi học sinh đều có tính tình cụ thể, khác nhau về thể chất lẫn tâm tư, cần phân tích cụ thể tình hình thực tế của từng học sinh. Không phải tất cả học sinh đều cần tốn thời gian trong việc học các kĩ năng cơ bản của đàn Guitar như nhau, cần dựa vào tình hình thực tế của học sinh để xây dựng giáo trình, sắp xếp đơn giản hoá, cô đọng và hợp lí… Cách giảng dạy như vậy mới có giá trị.
Học viên Trung tâm Musc Telent Mỹ Đình tập nhạc
Song song với việc dạy lí thuyết Guitar, trong giáo trình giảng dạy, chúng ta cần chú ý đến những bước cơ bản của học sinh. Điều đầu tiên là về tư thế chuẩn bị, cần phải ôm đàn và đặt tay ở vị trí thích hợp. Khác với những thế kỉ trước, những năm gần đây tư thế ngồi của đàn Guitar đã có nhiều sự thay đổi đáng kể. Có thể nêu lên như: Cổ tay phải không nhất thiết phải cong gập lên (cách mặt đàn từ 5-7cm) mà lại để thẳng hướng song song với mặt đàn – điều này giúp cho cổ tay phải không bị mỏi, cũng như tăng khả năng sử dụng móng tay + đàu ngón tay khi gảy. Đầu đàn Guitar ngang với đỉnh đầu của người chơi cũng giúp cho khoảng cách mở tay trái không quá rộng, giúp cho các em nhỏ không bị mỏi bả vai cũng như có thể nhìn rõ các phím đàn hơn. Ngoài tư thế ngồi giáo viên còn phải quan tâm uốn nắn cơ chế của hai tay; sự chuyển động của bàn tay trái; sự chuyển động của bàn tay phải…
Vấn đề quan trọng thứ hai mà nhà đào tạo âm nhạc cần nắm vững đó chính là tính đồng bộ trong quá trình giảng dạy đàn Guitar. Sự phát triển đồng bộ giữa thể hiện nội dung âm nhạc và các kĩ thuật là vấn đề cốt lõi trong giáo dục âm nhạc chuyên nghiệp. Kĩ thuật là phương tiện thể hiện âm nhạc, là công cụ để thực hiên những ý đồ xử lí tác phẩm, xử lí tiếng đàn, xử lí câu nhạc và là những thủ pháp để làm tăng thêm sự truyền cảm trong âm nhạc.
Lâu nay chúng ta thường thấy việc dạy kĩ thuật tách rời cảm xúc là những thói quen thường xảy ra trong dạy học, bắt các em học sinh ngồi hàng giờ liền, chỉ để luyện cho quen ngón tay, chạy cho nhanh các câu nhạc, hoặc luyện cho đều tay gảy, thậm chí chẳng còn đủ thời gian để chú ý đến nội dung của âm nhạc. Trong khi đó, đối với trẻ em thì việc hướng các em đến với âm nhạc và yêu thích âm thanh của Guitar mới là điều cốt yếu.
Cần lưu ý rằng, nếu các em có kĩ thuật tốt, thể hiện được cảm xúc âm nhạc hay thì hãy để các em được trình diễn. Khác với những lúc tập tại nhà hay thậm chí là trả bài trên lớp cho giáo viên, khi trình diễn mang lại cho các em một yếu tố tâm lí rất căng thẳng và lo lắng. Đây là điểm rất quan trọng trong quá trình phát triển kĩ năng trình diễn của các em, vì chỉ cần một vài lần các em trình diễn hỏng hoặc sai sót, sẽ tạo nên cho các em yếu tố tâm lí lo sợ, sợ sẽ không hoàn thiện được tác phẩm.
Các bước giảng dạy đàn Guitar cho trẻ em tại Việt Nam cũng cần được quan tâm. Để có thể trở thành một tài năng âm nhạc, cần có điều quan trọng đó là: “Nhạc cảm”. Trong đó, “nhạc cảm” là tư chất quan trọng nhất của năng khiếu âm nhạc, là “món quà của thượng đế”, nếu thiếu nó thì âm nhạc không còn sức sống nữa[1]. Mặc dù “nhạc cảm” rất quan trọng và mang tính quyết định thành công cho người nghệ sĩ nhưng “nhạc cảm” cũng được phát triển và tập luyện từ những ngày đầu theo học đàn.
Rèn luyện các kĩ năng cho các em phải mang tính đồng bộ từ lý thuyết đến kỹ thuật, tiết tấu, thực hành… Ngoài ra cần phải đặc biệt qua tâm đến việc rèn luyện cho các em có được khả năng trình diễn sân khấu. Để có thể biểu diễn được trên sân khấu, ngoại trừ vấn đề người diễn có đủ trình độ, nền tảng kĩ thuật, tiết tấu thì vấn đề xử lí tác phẩm và kĩ năng biểu diễn cũng là một vấn đề quan trọng.
Ngoài việc phát triển kĩ năng biểu diễn của người học, giáo viên cần tập trung vào việc áp dụng những kĩ năng thực hành, xử lí tác phẩm của người học vào phần biểu diễn của mình. Giáo viên cũng cần xác định và khắc phục điểm yếu cũng như điểm mạnh trong màn trình diễn của học sinh để phát triển thái độ tích cực của mình đối với màn trình diễn, chia sẻ tình yêu âm nhạc giữa người dạy – người học. Sau những kĩ năng đó, các em sẽ dần trưởng thành, sẵn sàng đảm nhận những tác phẩm khó, phức tạp và quan trọng hơn là sự tự tin và hành trang để vững bước trên con đường chuyên nghiệp sau này.
Tất cả các nghệ sĩ tài năng đều được dạy rất chuẩn về phương pháp diễn tấu Guitar. Các nhà sư phạm lỗi lạc đã chỉ ra rằng, nếu dạy trẻ em sai một vấn đề nhỏ, thì sau này cái sai đó sẽ hằn mãi trong đầu, trở thành thói quen xấu, thói quen là cố tật và đương nhiên để sửa sai được sẽ vô cung khó.
Đổi mới phương pháp dạy Guitar cho trẻ em Việt Nam là một vấn đề lớn, bởi vì chúng ta chưa có những cơ sở đào tạo Guitar chuyên nghiệp cho trẻ em, và đặc biệt là việc thay đổi cách tiếp cận trẻ em học Guitar không phải là việc dạy cơ năng, chỉ dạy kĩ thuật mà xao nhãng yếu tố đồng bộ trong diễn tấu âm nhạc. Kỹ năng là trung tâm của các phương pháp rèn luyện, là một quy trình lâu dài và thận trọng trong từng bước đi của trẻ. Chính vì vậy, vai trò của người thầy là cần tìm thấy những đặc điểm riêng, điều chỉnh và biết cách giáo dục học sinh phát triển được những phẩm chất tốt nhất để học sinh của mình có thể trở thành những tài năng xuất chúng.
[1] Trích “Rèn luyện năng khiếu âm nhạc trong đào tạo tài năng trẻ Việt Nam – PGS Ngô Văn Thành – báo Văn hóa nghệ thuật – 1996)