LĐST – Hội đồng đã đánh giá, phân hạng sản phẩm của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP tỉnh Lạng Sơn đã thống nhất, chấm điểm có 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 12 sản phẩm đạt hạng 3 sao trong đợt II năm 2021.
Tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt này, tỉnh Lạng Sơn có 14 sản phẩm của các chủ thể sản xuất đến từ 4 huyện, thành phố: Cao Lộc, Chi Lăng, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn.
Sản phẩm Na của xã Y Tịch, huyện Chi Lăng đạt hạng 4 sao.
Các thành viên Hội đồng chấm điểm dựa trên các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng, khả năng tiếp thị và các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm.
Các sản phẩm tham gia được đánh giá với những nội dung: tên thương hiệu, mẫu mã bao bì, các thông tin trên bao bì sản phẩm…
Hội đồng đã thống nhất, chấm điểm và xếp hạng 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao gồm: na Chi Lăng (xã Y Tịch, huyện Chi Lăng), hồng vành khuyên Hoàng Việt (huyện Văn Lãng).
12 sản phẩm đạt hạng 3 sao gồm: lạp sườn xông khói ăn liền Bích Trâm, lạp sườn tươi Bích Trâm, lạp sườn Đồng Mỏ, na Đồng Bành, măng ớt Hải Yêu (huyện Chi Lăng); bánh dày truyền thống Mai Pha, bánh ngải truyền thống Mai Pha, hạt dẻ An Sơn (thành phố Lạng Sơn); hồng không hạt Bảo Lâm (huyện Cao Lộc); dầu lạc Linh Khôi, gạo Nhật, lạp sườn Phong Liên (huyện Văn Lãng).
Các sản phẩm tham gia chương trình OCOP sẽ được Hội đồng đánh giá hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ để trình UBND tỉnh Lạng Sơn cấp Chứng nhận OCOP cho các sản phẩm này.
Đến nay, toàn tỉnh Lạng Sơn có 47 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh; trong đó có 32 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 15 sản phẩm đạt hạng 4 sao.
Theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Y Tịch là một trong những xã có diện tích trồng na lớn của huyện Chi Lăng với 400 ha. Trong đó, có trên 100 ha na VietGAP. Từ năm 2020, sản phẩm na của Hội Nông dân xã Y Tịch đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Nhận thấy những hiệu quả bước đầu từ chương trình OCOP đem lại như: nâng cao giá trị sản phẩm; mở rộng thị trường; bảo vệ thương hiệu sản phẩm…, năm 2021, xã đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh chương trình OCOP.
Cũng trong đợt đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021, HTX Nông sản Chi Lăng (thị trấn Đồng Mỏ) có 2 sản phẩm là khau nhục Đồng Mỏ và lạp sườn Đồng Mỏ tham gia.
Từ khi biết đến chương trình OCOP, HTX Nông sản Chi Lăng đã chủ động tìm hiểu và liên hệ với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chi Lăng để được hỗ trợ xây dựng phương án. HTX đã cải tổ khu vực chế biến nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường,…
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức lồng ghép các nội dung về chương trình OCOP tại 32 cuộc tập huấn, thu hút 1.300 người dân trên địa bàn tham gia.
Nhờ đó, nhận thức của người dân về chương trình được nâng lên rõ rệt so với khi mới triển khai. Trong đợt đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021, toàn huyện có 20 sản phẩm của 7 chủ thể quản lý đề xuất tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP.
Trong đó có 40% sản phẩm do các đơn vị sản xuất tự chủ động đề xuất với huyện. Qua quá trình khảo sát, đánh giá, Phòng NN&PTNT huyện lựa chọn 13 sản phẩm đáp ứng tốt các tiêu chí để tham gia chương trình OCOP như: tổ chức sản xuất; khả năng tiếp thị; chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng…
Nhờ triển khai hiệu quả, năm 2021, Chi Lăng là một trong những huyện có số lượng sản phẩm tham gia chương trình OCOP nhiều nhất toàn tỉnh Lạng Sơn.
Hòa Bình (t/h)