LĐST – Sáng 25/10, tại Hà Nội, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) long trọng tổ chức lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống (25/10/1951-25/10/2021) và đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân” thời kỳ đổi mới.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh gắn Huy hiệu Anh hùng LLVT lên quân kỳ Học viện Chính trị. Ảnh: Hải Minh.
Tới dự buổi lễ, có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh gửi tới các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Học viện qua các thời kỳ, các thế hệ nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình các liệt sĩ của Học viện những tình cảm thân thiết, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Phó Thủ tướng Thường trực chúc mừng Học viện lần thứ 2 đón nhận danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân”, cho rằng đó là thành quả được tạo nên bởi công lao, trí tuệ rất đáng trân trọng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Học viện trong suốt 7 thập kỷ qua.
Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân cùng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước ta và của Nhà nước Lào, Campuchia là sự ghi nhận và đánh giá rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân ta cũng như của các nước bạn bè về thành tích xuất sắc và đóng góp quan trọng của Học viện trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong làm nhiệm vụ quốc tế; đồng thời là sự khẳng định về uy tín lớn của Học viện trong quân đội và trong hệ thống giáo dục – đào tạo của cả nước, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, việc thành lập Trường Chính trị trung cấp quân đội (tiền thân của Học viện Chính trị ngày nay) vào năm 1951, chỉ vài năm sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh về củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.
Thắng lợi của chiến dịch Biên Giới năm 1950 đã tạo ra bước ngoặt quan trọng cho cách mạng Việt Nam. Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân đã trưởng thành vượt bậc, cả về số lượng và chất lượng. Lần lượt các đại đoàn chủ lực được thành lập và chuyển hoạt động tác chiến từ phân tán sang tập trung, từ đánh nhỏ sang đánh lớn, điều đó đặt ra yêu cầu phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với LLVT nhân dân, xây dựng quân đội về chính trị. Thực hiện chủ trương của Đảng đối với LLVT nhân dân và từ kết quả và kinh nghiệm thực tiễn trong tổ chức 2 lớp bồi dưỡng chính trị ngắn hạn cho cán bộ quân đội, tháng 7/1951, Tổng Quân ủy đã ra quyết định thành lập Trường Chính trị Trung cấp QĐND Việt Nam, tiền thân Học viện Chính trị ngày nay. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Tổng Quân ủy cử kiêm Giám đốc Nhà trường. Ngày 25/10/1951, tại bản Nà Lang, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, khóa học đầu tiên được đón Bác Hồ đến thăm và huấn thị. Người nhấn mạnh: “Phải học tập chính trị, quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”. Sự quan tâm sâu sắc của Bác Hồ cùng với lời huấn thị thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng, trở thành tài sản tinh thần quý báu, mãi mãi soi đường, định hướng cho mọi hoạt động của Học viện và sự nghiệp đào tạo cán bộ chính trị của quân đội ta. Ngày 25/10/1951 là dấu mốc lịch sử quan trọng và trở thành Ngày Truyền thống vẻ vang của Học viện Chính trị. Với 7 lần thay đổi tên gọi, 10 lần thay đổi địa điểm đóng quân, song dù với tên gọi nào, ở bất cứ đâu, Học viện cũng luôn giữ vững bản chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, đi dân nhớ, ở dân thương, làm dân tin. Trong suốt 70 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Học viện Chính trị vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: 1 Huân chương Sao vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất, 3 Huân chương Quân công, 3 Huân chương Chiến công, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ. Học viện cũng được Nhà nước Lào tặng 3 Huân chương Tự do, Vương Quốc Campuchia tặng 1 Huân chương Hữu nghị. |
Đoàn Vĩnh