Để thị trường lao động phục hồi sau dịch COVID-19, TP. Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động như hỗ trợ các đối tượng lao động có hoàn cảnh khó khăn; đẩy mạnh việc hỗ trợ vay vốn tạo việc làm cho người lao động thông qua Ngân hàng chính sách xã hội…
Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đã tác động mạnh mẽ tới thị trường lao động, việc làm tại Hà Nội. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dừng hoạt động trong thời gian dài đã khiến hàng triệu lao động phải tạm dừng hợp đồng lao động, dẫn đến mất hoặc giảm thu nhập.
Thị trường lao động dần phục hồi sau dịch. Ảnh: Diệu Anh
Theo kết quả điều tra lao động việc làm quý III/2021, số người có việc làm tại Hà Nội giảm 5,3% so với quý trước và giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2020; tỷ lệ thất nghiệp đã tăng 0,3% so với quý trước. Tuy thị trường lao động không đứng trước nguy cơ “đứt gãy”, song hiện nay, nhiều đơn vị, doanh nghiệp tại Hà Nội vẫn thiếu người làm việc ở một số ngành, nghề, lĩnh vực như xây dựng, lắp đặt nội thất, cơ khí…
Để thị trường lao động phục hồi sau dịch COVID-19, TP. Hà Nội đã đẩy mạnh việc hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ và chính sách hỗ trợ đặc thù của TP. Hà Nội. Đến thời điểm này, tổng nguồn lực mà thành phố hỗ trợ lên tới gần 2.000 tỷ đồng, với gần 3.500 đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 được thụ hưởng.
Cùng với đó, TP. Hà Nội vẫn tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để bảo đảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Thành phố cũng đã đẩy mạnh việc hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm cho người lao động thông qua việc bổ sung 500 tỷ đồng qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người lao động trên địa bàn thành phố vay phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tạo việc làm, khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Trong 9 tháng của năm 2021, thành phố đã giải quyết việc làm cho 116,1 nghìn lao động, đạt 72,5% kế hoạch năm, trong đó, có 32,9 nghìn lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền là 1,5 nghìn tỷ đồng.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhưng nhu cầu tuyển dụng lao động và tỷ lệ tham gia thị trường lao động tại Hà Nội sẽ có xu hướng tăng tỷ lệ thuận theo tình hình khôi phục của nền kinh tế. Nhiều người lao động có thể đi làm trở lại và tham gia vào chuỗi sản xuất, thay vì bị ngừng việc hoặc phải làm việc tại nhà, làm việc từ xa.
Nhằm bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh theo các chỉ thị của thành phố, đồng thời đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường lao động trong tình hình mới, Trung tâm đã triển khai các hoạt động chắp nối việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm, thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động theo hình thức gián tiếp và trực tuyến, tăng cường hoạt động hỗ trợ giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Ngay trong tháng 9, khi Hà Nội đang thực hiện giãn cách, đã có 425 đơn vị doanh nghiệp đăng ký tham gia tuyển dụng lao động, với tổng số 6.846 chỉ tiêu. Đã có 1.714 lượt lao động được phỏng vấn kết nối việc làm qua các hình thức gián tiếp và phỏng vấn trực tuyến, qua đó đã có 370 lao động được nhận hồ sơ tuyển dụng.
Đồng thời, Trung tâm tiếp tục triển khai thu thập việc làm trống, cập nhật thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động vào cơ sở dữ liệu cung – cầu cũng như tổng hợp, phân tích dữ liệu để cung cấp thông tin thị trường lao động, tăng cường kết nối online cho doanh nghiệp và người lao động qua zalo, facebook…
Có thể thấy, với những giải pháp tích cực, đặc biệt là với dấu hiệu khả quan về tốc độ tiêm chủng, tình hình kiểm soát dịch bệnh và kế hoạch nới lỏng giãn cách trên địa bàn thành phố, thị trường lao động Hà Nội dự báo sẽ có tốc độ hồi phục nhanh trong thời gian tới.
Theo Báo Chính phủ