Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ban, ngành Trung ương, TP. Hà Nội đang từng bước phục hồi các hoạt động giao thương, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh kiểm tra công tác phòng chống dịch trên địa bàn thị xã. (Ảnh: Minh Anh)
Đẩy nhanh tiêm mũi 2 vaccine phòng, chống COVID-19
Triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, ngày 20/10, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 22/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn Hà Nội. Công điện có quan điểm xuyên suốt là Thành phố sẽ kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đồng thời phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH).
Theo ông Nguyễn Huy Khánh, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, ngay sau khi có Công điện của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, lãnh đạo UBND thị xã đã chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các xã, phường phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Tính đến ngày 21/10, trên địa bàn thị xã Sơn Tây đã qua 86 ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Tỷ lệ dân số tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 đạt 99,8%, mũi 2 đạt 74,4%; thiết lập 8.659 điểm khai báo mã QR của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Toàn thị xã vẫn duy trì hoạt động của 686 tổ COVID-19 cộng đồng…
Thị xã cũng đã thành lập 3 đoàn kiểm tra việc thực hiện phòng, chống dịch tại các xã, phường, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong và ngoài cụm công nghiệp trên địa bàn… Qua kiểm tra, cơ bản các đơn vị, cơ sở đã nhanh chóng thích ứng, khởi động lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với các biện pháp bảo đảm phòng, chống dịch.
Đặc biệt, thị xã Sơn Tây đã phân công cụ thể từng đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm trong hoạt động phòng, chống dịch theo địa bàn; bảo đảm nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo quy định của Chính phủ và thành phố, đặc biệt là đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tại các bến xe, địa điểm công cộng, hoạt động tập trung đông người trong địa bàn.
Tại quận Tây Hồ, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Đình Khuyến cho biết, quận thường xuyên vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch; tổ chức chiến dịch cao điểm thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh (việc khai báo y tế, theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú, tiêm chủng, nguyên tắc 5K, quét mã QR, bảo đảm khoảng cách, công suất tại các địa điểm, hoạt động, ứng dụng CNTT để quản lý di biến động dân cư…).
Tính đến ngày 21/10, tổng số lũy tích tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn quận Tây Hồ là 187.295 liều, trong đó số người dân được tiêm mũi 1 là 123.643/123.861 người, đạt 99,82%; số người dân được tiêm đủ 2 mũi là 63.652/116.869 người, đạt 54,41%.
Quận Tây Hồ sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch. Đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực y tế cơ sở, trạm y tế các phường; phát huy vai trò của tổ COVID-19 cộng đồng, của tổ liên gia tự quản. Thời gian tới, khi có vaccine cho đối tượng từ 12 đến 17 tuổi, quận sẽ triển khai tiêm tích cực và bảo đảm an toàn.
Đối với huyện Ba Vì, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng thông tin, huyện chủ động thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Y tế, Thành Ủy, UBND thành phố, Huyện ủy về phòng, chống dịch COVID-19; chỉ đạo, điều hành khoa học, linh hoạt công tác phòng chống dịch trong mọi tình huống. Đồng thời thực hiện tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 an toàn, hiệu quả theo số lượng vaccine được thành phố phân bổ.
Tập trung các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế
BCH Đảng bộ quận Tây Hồ tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021
Để phục hồi, phát triển kinh tế thành phố, góp phần vào sự hồi phục chung của cả nước, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh yêu cầu các cấp lãnh đạo và nhân dân thành phố cần kiên định các giải pháp quyết liệt phòng dịch trong mọi tình huống; đồng thời tập trung tăng tốc, phục hồi phát triển kinh tế – xã hội, trong đó chú trọng 3 nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt từ nay đến cuối năm.
Đó là tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB; Điều hành, thu – chi ngân sách hiệu quả, đúng hướng; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh.
“Các cấp, ngành thành phố phải đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế thành phố ở mức cao nhất trong quý IV và cả năm 2021. Do vậy, ngay từ những ngày đầu tháng 10, các đơn vị phải bắt tay ngay vào việc xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương quản lý; xây dựng tiêu chí sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn dịch bệnh trong ngành, lĩnh vực phụ trách; nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, kinh doanh; tổ chức các hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước”, Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Để thực hiện yêu cầu trên, trung tuần tháng 10/2021, Hà Nội đã tổ chức Hội nghị lãnh đạo thành phố gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các thủ tục, hồ sơ, sản xuất – kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Ngoài ra, Hà Nội sẽ thành lập Tổ công tác của thành phố tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do COVID-19.
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, UBND huyện đang triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện 6 Chương trình công tác lớn, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá; bước đầu hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch trọng tâm mà thành phố giao. Từ nay đến cuối năm, để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội, khắc phục một số khó khăn tồn tại, huyện đã đặt ra kế hoach, giải pháp cho từng vùng.
Cụ thể, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông 2021-2022, giảm tối đa diện tích bỏ ruộng không, phấn đấu diện tích gieo trồng đạt trên 4.000 ha; đẩy mạnh phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và khoa học công nghệ. Phấn đấu tổng giá trị nhóm ngành Công nghiệp – Xây dựng cả năm 2021 đạt 100% kế hoạch giao đầu năm.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, thương mại và du lịch, huyện sẽ phấn đấu bảo đảm cung cấp đầy đủ vật tư hàng hóa phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng của người dân; tăng cường công tác quản lý thị trường, bảo đảm vệ sinh ATTP lĩnh vực công thương; đồng thời, xây dựng phương án hoạt động trở lại đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn. Phấn đấu năm 2021 đón được trên 725.000 lượt khách, doanh thu đạt 110,5 tỷ đồng.
Với Sơn Tây, lãnh đạo thị xã cho biết, thị xã đang đẩy nhanh tiến độ công tác xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP; làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và trật tự đô thị; thực hiện cải cách hành chính, đồng thời tìm cách tạo công ăn việc làm cho người dân, hoàn thành và giải ngân các công trình mà thành phố giao kế hoạch cho thị xã trong năm 2021.
Quận Tây Hồ sẽ đẩy mạnh các giải pháp thu ngân sách bền vững, quản lý chặt chẽ các nguồn thu, tập trung thu các khoản thu có ảnh hưởng lớn đến thu điều tiết ngân sách quận; đẩy nhanh công tác đấu giá quyền sử dụng đất và giao đất đối với một số điểm đất đã có trong kế hoạch và đấu thầu các điểm đất thu hoa lợi công sản.
Bên cạnh đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân đối với các dự án đang triển khai thực hiện. Ưu tiên bố trí, điều hòa kinh phí cho các dự án có khả năng hoàn thành trong năm, tăng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
Theo Báo Chính phủ