LĐST – GS.TS Trịnh Hồng Sơn là một trong những người thuộc thế hệ thứ 3 đã có những đóng góp đáng trân trọng trong việc kế thừa và phát triển các thành tựu phẫu thuật gan mà GS. Tôn Thất Tùng đã bắt đầu tại Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là chuyên gia đầu ngành về phát triển ghép tạng ở Việt Nam.
Được mệnh danh là bàn tay “vàng” của ngành ngoại khoa, GS.TS. Nhà giáo Nhân dân Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt – Đức, Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, ông còn là một chuyên gia đầu ngành về phát triển ghép tạng ở Việt Nam – một thành tựu đỉnh cao của y học. Nhờ có ông, hàng năm số người bệnh được hồi sinh ngày một tăng lên.
GS.TS Trịnh Hồng Sơn – “đôi bàn tay vàng” phẫu thuật ngoại khoa
Cứu sống nhiều bệnh nhân thoát khỏi “cửa tử”
Là người gắn bó suốt hơn 30 năm với ngành Ngoại khoa, những bệnh nhân được ông cứu chữa hầu hết đều là những ca bệnh rất nặng và phức tạp, có những bệnh nhân bị ung thư di căn đa tạng cũng đã được ông cứu sống.
Với tất cả người bệnh ông đều ân cần và quan tâm sâu sát đến tình trạng của từng bệnh nhân, ông có thói quen ghi chép lại những ca mình theo dõi.
Với những ghi chép tỉ mỉ như vậy, ông thuộc lòng từ tên tuổi, địa chỉ, ngày tháng năm sinh, nghề nghiệp, gia đình cũng như thu nhập của từng bệnh nhân.
Chính vì vậy nên mới có câu chuyện ông từ chối nhận phong bì cảm ơn của một số bệnh nhân sau khi đã được xuất viện.
Gần cuối năm 2020, ông Trần Văn K, 75 tuổi ở Bắc Giang phải nhập viện sau khi có giấy chuyển viện từ tuyến tỉnh lên bệnh viện Bạch Mai rồi từ bệnh viện Bạch Mai sang bệnh viện Việt Đức vì đây là một ca bệnh rất phức tạp.
Bệnh nhân bị một khối u ác tính Liposarcom khổng lồ sau phúc mạc kích thước 40x35x30cm, nặng 6,8kg, xâm lấn tĩnh mạch chủ dưới và một bên thận.
Tình trạng sức khỏe của ông K suy yếu nghiêm trọng do tuổi cao, khối u quá lớn xâm lấn, chèn ép các tạng bên trong ổ bụng.
Quá trình hội chẩn của các chuyên gia chỉ ra cơ hội thành công của việc phẫu thuật, bóc tách hoàn toàn khối u rất thấp.
Sau một thời gian điều trị chuyên môn , bệnh nhân K đã được chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ khối u khổng lồ. Với đôi bàn tay tài hoa của mình, sau nhiều giờ phẫu thuật “cân não”, GS Sơn đã thành công cắt bỏ hoàn toàn khối u, bóc tách phần khối u xâm lấn, cứu sống được bệnh nhân trước sự vỡ òa hạnh phúc của người nhà bệnh nhân K.
Ông K chỉ là một trong rất nhiều những bệnh nhân được GS Sơn đưa về từ “cửa tử”. Nhắc đến những lời biết ơn từ người bệnh, ông chỉ mỉm cười. Ông quan niệm: “Vì đấy là nhiệm vụ. Làm khoa học, điều mà chúng tôi quan tâm nhất là làm thế nào bệnh nhân được an toàn tuyệt đối cả về thể chất lẫn tinh thần.
Tôi chỉ có một mong mỏi làm sao giúp được những người suy tạng nặng đang mòn mỏi chờ nguồn tạng để ghép”.
Viết tâm thư, từ chối được thăng chức
Với khả năng và những cống hiến của mình trong ngành y tế, vào năm 2016, GS.TS. Trịnh Hồng Sơn đã được Bộ Y tế tín nhiệm và có ý định phân công ông làm Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô.
Tuy nhiên, trái với suy nghĩ của nhiều người rằng ông sẽ rất vui mừng vì được thăng chức, ông đã viết tâm thư gửi lên lãnh đạo Bộ Y tế xin được làm công tác chuyên môn ở vị trí hiện tại.
Ông chia sẻ “Làm giám đốc bệnh viện có quyền tự quyết trong tay mình, ai chẳng thích. Nhưng nói gì thì nói, Việt Đức là bệnh viện đầu ngành về ngoại khoa.
Ở lại đây thì tôi có cơ hội để phát huy chuyên môn thực sự của một người bác sĩ, sẽ đối diện với nhiều ca mổ phức tạp, tay nghề sẽ không bị cùn mòn.
Ở Việt Đức, tôi được trực tiếp giảng dạy rất nhiều thực tập sinh, sinh viên nội trú. Được trao đổi với các em, được dạy học, được truyền nghề – đó là những việc tôi vừa yêu thích nhưng cũng vừa cảm thấy đó là điều nhất định phải làm. Về BV Hữu Nghị thì sẽ không có nhiều cơ hội như thế.
Còn một nguyên nhân sâu xa xuất phát từ chính trái tim tôi. Tôi làm việc ở Việt Đức mấy chục năm đã thành thân quen, giống như đứa trẻ con lưu luyến mẹ mình. Tôi quen thân từ bệnh nhân đến bác sĩ, thân với cả những người bán trà đá trước cổng viện”.
Cũng theo ông, làm bác sĩ là để cứu người chứ không phải sân si quyền chức. Nếu phải lựa chọn giữa việc làm chuyên môn và làm nhà quản lý thì ông sẽ luôn chọn được làm chuyên môn. Đó cũng là những điều mà ông luôn dăn dậy các học trò của mình.
GS.TS Trịnh Hồng Sơn và những học trò tại bệnh viện Việt Đức
“Điều tôi quan tâm là làm thế nào để có nguồn tạng”
GS. Sơn gắn bó với ngoại khoa từ khi ra trường và theo đuổi từ năm 1997 khi có cơ hội tu nghiệp về ghép gan, ghép tạng ở Pháp.
Ông có nhiều cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các nước như Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Đan Mạch…, ông nhận thấy một nghịch lý đang tồn tại ở Việt Nam khi hàng nghìn bệnh nhân suy thận, suy gan, suy tim… giai đoạn cuối đăng ký chờ ghép tại các cơ sở y tế mà nguồn tạng từ người chết não lại không được tận dụng.
Hiện ông đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, mặt hành chính tương đương với Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai…
Trong quan niệm phương Đông, việc hiến tạng là một việc làm rất chết chóc và kiêng kỵ.
Có lẽ vì vậy mà Trung tâm Điều phối ghép tạng tạng Quốc gia vẫn chưa nhận được nhiều sự ủng hộ từ bệnh nhân và thân nhân, cũng như chưa nhận được sự quan tâm từ các lãnh đạo cấp trên trong việc phát triển ngành này.
Vượt lên những định kiến và khó khăn đó, Trung tâm vẫn nỗ lực tuyên truyền và làm tốt công tác chuyên môn.
Những con số “biết nói” đã chứng minh tất cả, năm 2014 có 2.500 người trên cả nước tình nguyện hiến tạng thì đến năm 2017 con số đã lên 25.000 người.
Thành tựu về lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những kết quả to lớn, đã thực hiện được nhiều ca ghép phức tạp mà trước đây chỉ những nước có nền y học hiện đại mới thực hiện được, số cơ sở đủ điều kiện tiến hành ghép tạng theo quy định của pháp luật cũng tăng lên đáng kể nhưng nguồn mô tạng vẫn là một trăn trở lớn của Giáo sư Sơn.
Giáo sư Sơn cũng đã có những chia sẻ về nhưng mối quan tâm hiện giờ “Những ca mổ của tôi, chuyện đào tạo lớp học trò kế cận, và quan trọng nhất là việc phát triển Trung tâm Điều phối Tạng Quốc gia.
Đó sẽ là công trình quan trọng nhất mà tôi cần làm trong những năm trước khi về hưu, dù còn khó khăn lắm”. Mặc dù khó khăn là vậy nhưng theo ông điều đáng sợ nhất với một người thầy thuốc là sự chán nản và tuyệt vọng.
Nếu sau một ca mổ thất bại mà anh không còn dám cầm dao mổ nữa, thì anh sẽ không cứu được những bệnh nhân khác. Và như thế thì còn tội lỗi nhiều hơn…
“Bác sĩ Trịnh Hồng Sơn là một trong những người thuộc thế hệ thứ 3 đã có đóng góp đáng trân trọng trong việc kế thừa và phát triển các thành tựu trong phẫu thuật gan mà cố GS. Tôn Thất Tùng đã bắt đầu tại Việt Nam” – GS.TS Đỗ Đức Vân.
Minh Hiếu