LĐST – Những ngày tháng 9, đọc tin về Tp. Hồ Chí Minh chao đảo trong đại dịch Covid-19 và theo dõi tình hình của bạn bè qua Facebook, tôi nhìn thấy mình của hơn một năm trước khi Tokyo bắt đầu bị Corona bủa vây.
Những ngày tháng 9, đọc tin về Tp. Hồ Chí Minh chao đảo trong đại dịch Covid-19 và theo dõi tình hình của bạn bè qua Facebook, tôi nhìn thấy mình của hơn một năm trước khi Tokyo bắt đầu bị Corona bủa vây.
Tác giả Dạ Thảo Linh (Tokyo – Nhật Bản)
Đợt đó tôi vừa từ Việt Nam quay trở lại Nhật, tin tức về virus Corona ở Trung Quốc bắt đầu âm ỉ trên các mặt báo, tưởng chừng như xa xôi lắm nhưng chỉ hơn tháng sau là Tokyo “dính chưởng”. Bạn đọc nên nhớ, Tokyo là một trong những thành phố lớn nhất thế giới, mật độ dân số rất cao và mức độ gia tăng dân số bởi người đến từ nhiều quốc gia nên nguy cơ lây nhiễm virus Corona rất cao.
Tuy nhiên, người Nhật vốn dĩ có ý thức cộng đồng cao, hơn nữa ít đụng chạm cơ thể hay ôm ấp hôn hít như người Tây. Bình thường bị cảm là họ tự giác đeo khẩu trang y tế. Ý thức này hồi mới qua Nhật tôi không biết nên có lần bị cảm ho mà đến lớp không đeo khẩu trang đã bị giáo viên nhắc. Một khi con virus này đã phát tán ra cộng đồng thì không có cách gì ngăn chặn được nó. Kẻ thù vô hình lúc nào cũng đáng sợ hơn kẻ thù hữu hình.
Công ty tôi bắt đầu cho làm việc tại nhà, lúc đó tôi còn nghĩ: Ôi! tầm một tháng chắc sẽ hết thôi mà. Nhưng không, từ đó đến nay đã hơn 12 tháng rồi! Người ta bắt đầu nhận ra những suy nghĩ như: “đợi hết dịch rồi làm…” cần phải thay đổi.
Chính phủ Nhật Bản cũng nhận ra cần phải tìm cách sống chung với dịch, đi đường dài với nó mới là lựa chọn khôn ngoan. Bên ngoài nhìn vào có thể nghĩ Nhật quá dễ dãi trong công tác phòng chống dịch nhưng tôi nhận ra có nhiều lý do, nhiều khía cạnh khiến họ phải cân nhắc trước khi đưa ra quyết định nào đó.
Thứ nhất là việc đảm bảo phòng dịch nhưng vẫn phải tôn trọng quyền cá nhân; ranh giới mong manh của việc vi phạm nhân quyền rất dễ xảy ra. Thứ hai là việc đảm bảo phòng dịch nhưng vẫn phải giữ cho nền kinh tế không tiêu điều để còn chiến đấu lâu dài với con virus này. Trước khi chết vì nó, người dân không chết vì đói. Thật sự đây là giai đoạn khó khăn vì vấn đề này quá mới, không ai biết đường nào mà tính trước.
Ban công nhà Dạ Thảo Linh
Cá nhân tôi cũng có nhiều thay đổi trong những ngày tháng ở nhà đi ra đi vô với bốn bức tường. Tôi bắt đầu học vài thứ mới qua Internet, mua cây về trồng, mua hoa về cắm, mua đồ ngủ về mặc… nhưng đặc biệt nhất là bắt đầu workout và eat clean. Mặc dù trước đó tôi có tập Yoga nhưng chỉ tập chơi chơi tuần một lần, mà đến lớp Yoga cũng sợ lây virus nên lại nghỉ.
Bắt đầu là sợ chết, vì đọc báo thấy ai khoẻ mạnh thì dù có nhiễm cũng khó chết. Hơn nữa cứ ở nhà suốt ngày tôi sợ mình bị “ngải heo” Covid, dịch xong chắc lăn chứ đi không nổi. Thế là tôi càng quyết tâm tập thể dục thể thao. Tôi bỏ ra một tháng vừa tìm hiểu kiến thức vừa tập, ngờ đâu kết quả ngoài việc trở nên khoẻ hơn còn được thêm cái body Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây mừng quá.
Kể thêm chuyện này, không biết là nhờ tôi khoẻ hay là may mắn, nhưng tầm nửa năm trước một người bạn đến nhà chơi ngủ lại. Tối đó nó than đau mình không ngủ được, hai ngày sau nó báo dương tính Covid. Rồi xong, tôi chắc mẩm kỳ này dính Covid rồi. Tôi tự cách ly tại nhà 2 tuần. Ngày đầu tiên tâm trạng bất ổn, thậm chí nghĩ đến tình huống xấu nhất… lúc đó chỉ mong được gặp gia đình ở Việt Nam. Cảm giác cô đơn lúc đó thật kinh khủng!
Ngày thứ hai tôi bắt đầu tìm cách để bình tĩnh hơn, tập thêm Yoga và thiền buổi sáng để bình ổn tâm trạng. Những ngày tiếp theo tôi vẫn tiếp tục như vậy và làm mẫu test gửi đi. May mắn sao tôi không bị gì cả. Thật sự cũng không dám nói chắc chắn là tôi không nhiễm vì tôi khoẻ nhưng nếu ai vẫn đang có suy nghĩ: “đợi dịch xong mới làm…” thì đừng đợi nữa. Dịch không hết trong ngày một ngày hai đâu nhé.
Ga Ginza (Tokyo)
Tokyo tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp hết đợt này đến đợt khác nhưng người dân đã quen dần và tìm cách sống chung với nó. Chích ngừa cũng bắt đầu được triển khai trên diện rộng cho nhiều độ tuổi. Thậm chí Tokyo còn thiết lập một khu vực tiêm chủng không cần đặt trước ngay tại Shibuya – khu phố sầm uất của giới trẻ, để khuyến khích người trẻ tiêm chủng.
Nhìn cảnh đồng bào mình khó khăn trong những ngày Tp.Hồ Chí Minh cách ly vì dịch dã, tôi và bạn bè bên này cũng không thể cầm lòng. Dẫu biết là mình giúp cũng không được bao nhiêu nhưng khi tôi kêu gọi thì nhiều bạn cùng chung tay góp cho bếp ăn từ thiện của một người anh tôi quen ở Việt Nam. Thấy anh chạy ngược chạy xuôi không kể nắng mưa để đem từng phần thực phẩm đến bà con nghèo, tôi thật sự cảm phục anh và tin rằng, đồng bào mình sẽ vượt qua đại dịch Covid – 19! Vì đồng bào mình thương nhau nhiều lắm!
Tản văn của Dạ Thảo Linh (Tokyo – Nhật Bản)