LĐST – Thương hiệu, nhãn hiệu là tài sản mà doanh nghiệp phải hao tốn rất nhiều tiền bạc, thời gian và tâm huyết để gây dựng. Tuy nhiên, trên thực tế không phải nhiều doanh nghiệp hiểu rõ được tầm quan trọng của việc “đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu độc quyền”; dẫn đến tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”!
Trước hết, cần biết nhãn hiệu (trademark): là “dấu hiệu” dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
“Dấu hiệu” này có thể là chữ cái, từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.
Nhãn hiệu được xem là tài sản hữu hình của doanh nghiệp, phải được đăng ký và do cơ quan chức năng công nhận. Nó được xây dựng trên hệ thống luật pháp quốc gia và được ví như phần “thể xác” của doanh nghiệp.
Thương hiệu (brand): “Thương hiệu là một dấu hiệu (hữu hình và vô hình) đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hoá hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức.
Đối với doanh nghiệp, thương hiệu là khái niệm trong người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ với dấu hiệu của doanh nghiệp gắn lên bề mặt sản phẩm dịch vụ nhằm khẳng định chất lượng và xuất xứ.
Thương hiệu là một tài sản vô hình quan trọng và đối với các doanh nghiệp lớn, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp chiếm một phần đáng kể trong tổng giá trị của doanh nghiệp” (theo Định nghĩa của tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO).
Đăng ký bảo hộ thương hiệu (ảnh minh họa).
Như vậy, theo khái niệm trên thì thương hiệu chính là một tài sản vô hình của doanh nghiệp, đã bao gồm cả nhãn hiệu.
Nó được xem là một khái niệm mà người tiêu dùng dành cho một sản phẩm đã có từ rất lâu rồi, do doanh nghiệp xây dựng và được người tiêu dùng chấp nhận và được ví như là phần “linh hồn” của doanh nghiệp.
Ở Việt Nam, những năm gần đây xảy ra không ít những vấn đề tranh chấp thương hiệu.
Đa phần doanh nghiệp quá tập trung vào việc phát triển thương hiệu mà quên mất giá trị và tầm quan trọng của việc “đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu độc quyền” cho sản phẩm, dịch vụ mình đang sở hữu; dẫn đến việc thương hiệu bị “cướp trắng”.
Trong đó, có không ít những ông chủ dành cả đời để xây dựng đứa con tinh thần; nhưng lại quên mất việc “đăng ký khai sinh, đặt tên” cho con.
Điển hình là nhà hàng bán đồ ăn Nhật Bản của anh Duy có tên W. (ở Đồng Nai). Sau nhiều năm tâm huyết, cái tên W. đã được đông đảo các khách hàng gần xa biết đến.
Thời điểm chưa có dịch, nhà hàng luôn chật kín thực khách. Nhưng một hôm, anh Duy bất ngờ nhận được đơn thư từ một văn phòng luật sư do một công ty của Nhật Bản tên X ủy quyền, đề nghị anh không được phép sử dụng tên W. vào hoạt động kinh doanh.
Vì tên nhà hàng anh đang kinh doanh đã được công ty X đăng ký bảo hộ nhãn hiệu từ trước đó gần 2 năm, đang chờ cấp văn bằng bảo hộ.
Hơn 10 năm phát triển thương hiệu W., anh Duy mới tá hỏa “đứa con tinh thần của mình” đã bị “đăng ký khai sinh trước”. Lúc này, anh Duy đành chấp nhận đổi sang một tên mới và tiến hành tìm hiểu thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu mới của mình.
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, cá nhân, tổ chức không bắt buộc phải đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu.
Nhưng đây là quyền mà cá nhân, tổ chức được sử dụng để được pháp luật bảo vệ trước những tranh chấp về sở hữu trí tuệ.
Ở nước ta không hiếm gặp việc các nhãn hiệu có tên tuổi thường xuyên bị xâm phạm dưới các hình thức như sao chép, bắt chước kiểu dáng, mẫu mã gần giống hoặc tương tự, gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng và làm tổn hại đến kinh tế và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.
Hình ảnh nhãn hiệu “Bia Sài Gòn Việt Nam” bán ra thị trường có kiểu sáng, nhãn hiệu có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Bia Sài Gòn” của SABECO được đăng ký trước đó.
Điển hình là vụ công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam đã sản xuất bia mang nhãn hiệu “Bia Sài Gòn Việt Nam” bán ra thị trường với quy mô thương mại, có kiểu dáng, nhãn hiệu sản phẩm có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa đối với nhãn hiệu “Bia Sài Gòn” đã được bảo hộ, thuộc sở hữu của Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SABECO).
Với can thiệp của Cục sở hữu trí tuệ và các cơ quan chức năng, Sabeco đã giành được phần thắng trong vụ kiện và bảo vệ được thương hiệu của mình.
Không chỉ dừng ở việc bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu trong nước, mà một số nông sản của nước ta cũng bị “đánh cắp thương hiệu” ở phương trời Tây như giống gạo ST25 nổi tiếng.
Ông Hồ Quang Cua, đại diện nhóm tác giả giống lúa ST25 nổi tiếng xác nhận đã biết được thông tin gạo ST25 bị doanh nghiệp khác đăng ký bảo hộ ở Mỹ nhưng không thể làm được gì vì không rành các quy định về sở hữu trí tuệ ở nước ngoài.
“Tôi chỉ tập trung chuyên môn về chọn tạo giống. Những vấn đề liên quan đến bảo hộ bản quyền, chống hàng giả rất phức tạp. Ngay tại Việt Nam việc chống gạo ST25 giả cũng hết sức mệt mỏi.
Còn ở thị trường Mỹ, ngay cuối năm 2019, khi gạo ST25 giành giải nhất cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019″ đã có đơn vị rao bán gạo ST25 rồi” – ông Hồ Quang Cua thông tin.
Hình ảnh gạo ST24 và ST25.
Trước đó, tại một diễn đàn vinh danh các sản phẩm đạt “thương hiệu quốc gia”, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), thông tin gạo ST24 và ST25 của Việt Nam đã bị 4 doanh nghiệp Mỹ đăng ký bản quyền ở Mỹ.
Từ đó đặt ra vấn đề các doanh nghiệp phải bảo vệ thương hiệu không chỉ trong nước mà ở thị trường xuất khẩu.
Trường hợp thương hiệu gạo ST24, ST25 bị doanh nghiệp Mỹ đăng ký bản quyền trước thì khi Việt Nam xuất khẩu 2 loại gạo này sang Mỹ phải thông qua doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu ST24, ST24 ở Mỹ, nếu không sẽ vi phạm về sở hữu trí tuệ.
Nếu họ đã đăng ký thành công thì doanh nghiệp Việt Nam phải thuê luật sư để đòi lại. Lúc này doanh nghiệp Việt Nam cần chứng minh được “chủ sở hữu” với các sản phẩm của mình.
Cơ quan nhà nước chỉ có thể cung cấp thông tin, hướng dẫn chứ không can thiệp được”.
Qua đó có thể thấy, đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu là một yêu cầu tất yếu và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Đối với những doanh nghiệp hướng sang thị trường xuất khẩu cũng cần quan tâm đến thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu trên các thị trường mà doanh nghiệp mình hướng đến.
Để tránh rơi vào tình cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”, doanh nghiệp nên thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu càng sớm càng tốt.
Trang Nhung