LĐST – Đó là Dự án “Hỗ trợ thương mại hóa máy thu hoạch mía nguyên cây có trọng lượng nhẹ phù hợp điều kiện canh tác ở Tây Ninh và Nam Bộ” do Công ty Lê Ngọc (Tây Ninh) làm chủ Dự án. Để có được dự án này, Công ty Lê Ngọc phải đeo đuổi mất nhiều năm.
Bài viết dưới đây của KS. Lê Ngọc Tĩnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Những người Lao động Sáng tạo Việt Nam (VLCA) – người chủ trì dự án trên kể về “nỗi truân chuyên” của dự án.
KS. Lê Ngọc Tĩnh
Từ ý tưởng ban đầu
Từ ý tưởng muốn tạo ra một máy thu hoạch mía với nhiều chức năng cùng lúc để giảm tải nhân lực và tăng thu nhập cho người trồng mía. Tháng 6/2014, KS L.V.N cùng Công ty Lê Ngọc và Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Hiệt (Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch) có đơn gửi UBND tỉnh Tây Ninh cho thực hiện Đề tài: “Thiết kế, chế tạo máy thu hoạch mía nguyên cây (cắt gốc, cắt ngọn, róc lá, đổ đống, nhẹ, giá rẻ” nhưng không được chấp nhận, vì cấp địa phương chỉ được tập trung ứng dụng là chủ yếu…
Năm 2015, Kỹ sư L.V.N và Công ty Lê Ngọc đã phối hợp với Công ty mía đường Buorbon (SBT); Công ty Cổ phần mía đường Biên Hòa và Sở KH&CN Tây Ninh triển khai khảo sát về Máy thu hoạch mía ở Liễu Châu, Trung Quốc; Hội thảo về cơ giới hóa cây mía; triển khai ứng dụng máy mẫu và nhân rộng các loại như: Máy trồng mía hàng kép; máy tung vôi; cáy ngầm bón phân; bừa kết hợp xới diệt cỏ giữa hàng mía; máy phun thuốc và máy thu hoạch mía không róc lá… Riêng máy thu hoạch mía nguyên cây không róc lá vẫn chưa được nhân rộng vì chưa đạt hiệu quả về kinh tế và kỹ thuật.
Sau những chuyến khảo sát và ứng dụng đó, Kỹ L.V.N quyết tâm biến ý tưởng thành hiện thực.
Chặng đường biến ý tưởng thành dự án Khoa học Công nghệ
Ngày 26/12/2015, Kỹ sư L.V.N cùng Công ty Lê Ngọc với 08 doanh nghiệp và 60 đại diện cho các hộ trồng mía ở Tây Ninh đã có Công văn gửi Thủ tướng Chỉnh phủ kiến nghị về 03 nội dung thiết thực, trong đó có máy thu hoạch mía (MTH) mía nguyên cây, róc lá, cắt ngọn, đổ đống, nhẹ, giá hợp lý.
Ngày 6/8/2016, Kỹ sư L.V.N cùng Công ty Lê Ngọc tiếp tục gửi Công văn lên Thủ tướng Chính phủ xin chỉ đạo các Bộ, Ngành có liên quan nghiên cứu, thiết kế mẫu máy thu hoạch mía phù hợp cho các hộ trồng mía ở Tây Ninh.
Ngày 17/8 /2016, Văn phòng Chính phủ đã có Phiếu chuyển số 670/PC-VPCP, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét xử lý theo thẩm quyền và trả lời cho các đơn vị và các chủ hộ ở Tây Ninh như trong đơn kiến nghị.
Ngày 15 đến 17/9/2016, Kỹ sư L.V.N cùng Công ty Lê Ngọc Tây Ninh phối hợp với Hiệp hội Những người Lao động Sáng tạo Việt Nam – Văn phòng đại diện tại Tp.HCM cùng 3 chuyên gia cơ giới hóa mía đến thăm và đánh giá kết quả sáng tạo của nông dân Đàm Quang Thái cùng các cộng sự tại Đội 10, thôn Triệu Phong, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Ninh Thuận.
Máy thu hoạch mía do nhóm tác giả này tự nghiên cứu thiết kế, chế tạo và thử nghiệm với kết quả đạt được là: Cắt sát gốc; Cắt ngọn và róc lá đạt khoảng 75%; Trọng lượng khoảng 1,8 tấn; Công suất động cơ 20 Hp (liên kết với máy kéo Kobuta 1500); Mía được phóng và rải ra phía sau của máy thu hoạch.
Nhược điểm của mẫu máy này là: Công suất động cơ quá thấp nên khi gặp mía dày sẽ bị quá tải; Tỉ lệ còn sót khi cắt ngọn và róc lá còn cao; Chưa có thùng chứa và đổ đống phía sau. Chưa xác định được tuổi thọ vì chỉ mới thử trong thời gian ngắn thì hết vụ mía. Nhóm tác giả đã đầu tư khoản tiền không nhỏ và đã hết kinh phí, không có khả năng tài chính để theo đuổi cải tiến, bổ sung hoàn chỉnh mẫu máy này.
Ngày 9/10/2016, Kỹ sư L.V.N cùng Công ty Lê Ngọc mời Viện Cơ điện nông nghiệp – Công nghệ sau thu hoạch Hà Nội cử 02 cán bộ cùng Kỹ sư L.V.N và Công ty Lê Ngọc, lãnh đạo Nông trường mía Thành Long thuộc Công ty Cổ phần mía đường Thành Thành Công đi khảo sát một số vùng mía tại Tây Ninh có liên quan về khâu thu hoạch.
Ngày 14-10-2016, UBND tỉnh Tây Ninh đã giao cho Sở NN&PTNN Tây Ninh chủ trì cùng các Sở, Ban, Ngành và các Công ty mía đường có liên quan họp xem xét đề xuất của Công ty Lê Ngọc và Hiệp hội Những người Lao động Sáng tạo Việt Nam về việc phát triển mẫu máy thu hoạch mía của nhóm tác giả nói trên tại Công văn số 101/SHV ngày 25/9/2016. Kết quả là đại diện Sở KHCN Tây Ninh thông báo không có kinh phí cho việc nghiên cứu, chế tạo hoàn chỉnh mẫu máy này. Đồng thời cũng không có cá nhân và đơn vị nào hỗ trợ kinh phí.
Kĩ sư Lê Ngọc Tĩnh (bìa phải) giám sát việc chế tạo
mẫu máy thu hoạch mía thuộc Dự án.(Ảnh: C.Th)
Sau việc thực hiện các nội dung nêu trên, Kỹ sư L.V.N cùng Công ty Lê Ngọc tiếp tục mời một số Chuyên gia lên Tây Ninh cùng Công ty TTCS phối hợp khảo sát, nghiên cứu, thiết kế và chế tạo mẫu máy thu hoạch mía nguyên cây. Công ty Lê Ngọc phối hợp với Công ty Cơ khí An Bình (Gia Lâm, Hà Nội) và một số thành viên tại Tp.HCM đã tự đầu tư kinh phí nghiên cứu, thiết kế và chế tạo một mẫu máy thu hoạch mía nguyên cây liên kết với máy kéo 120 Hp (hiệu JOONDER 6600).
Mẫu máy thu hoạch mía nguyên cây, đã được khảo nghiệm tại xưởng chế tạo nhiều lần và tại ruộng mía của nông dân ở Công ty Mía đường Lam Sơn Thanh Hóa. Hệ thống được liên hợp với Máy kéo 120 HP, hiệu Jooder 6600; Kết quả đạt các tiêu chuẩn như yêu cầu đặt ra là: Cắt sát gốc, cắt ngọn, róc lá, đổ đống từ 500 – 800 kg/đống, băm lá mía thành đoạn từ 20 – 30 cm và rải đều trên ruộng; Có trọng lượng nhẹ từ 7 – 8 tấn/máy; Năng suất 8-12 tấn/giờ; Giá bán dự kiến 03 tỷ VNĐ/cái.
Máy thu hoạch mía loại này có giá thành rất cao, vẫn chưa được hoàn chỉnh… nên sẽ khó tiêu thụ trên thị trường, bởi riêng Máy kéo Jooder 6600 đã chiếm 1 tỷ đồng (33,3% tổng giá thành);
Từ kết quả trên, Kỹ sư L.V.N cùng Công ty Lê Ngọc đã phối hợp với Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch; Công ty Cơ khí Suối Tiên Tp.HCM, Công ty cơ khí An Bình (Gia Lâm, Hà Nội) và Công ty cơ khí Trương Xuân Liêm Tây Ninh có công văn kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cho thực hiện Dự án Khoa học Công nghệ.
Ngày 6/3/2017, Bộ KH&CN có công văn số 605/BKHCN-CNN trả lời và được Bô KH&CN xem xét chuyển về Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN.
Sau nhiều lần các Hội đồng KHCN cấp quốc gia xem xét, Ngày 24 tháng 8 năm 2018, Bộ KH&CN đã có Quyết định số 2416/QĐ-BKHCN phê duyệt xét cho Công ty Lê Ngọc là đơn vị chủ trì được xây dựng và bảo vệ thuyết minh dự án trên.
Sau gần 5 năm theo đuổi chế tạo mẫu máy thu hoạch mía, trong đó có hơn 03 năm theo đuổi dự án, ngày 16/4/2020, Bộ trưởng Bộ KH&CN Ban hành Quyết định số 994/QĐ-BKHCN về việc Phê duyệt tổ chức, cá nhân chủ nhiệm, kinh phí, phương thức khoán chi và thời gian thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia thuộc Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020. Theo đó, giao cho Công ty Lê Ngọc Chủ trì và cá nhân Kỹ sư Lê Ngọc Tĩnh là Chủ nhiệm Dự án.
Mẫu máy thu hoạch mía thuộc Dự án đã thành công.
Ngày 26/3/2021, sau 4 lần thử nghiệm, mẫu máy thu hoạch mía thuộc Dự án theo Quyết định trên đã thành công. Ngày 01/7/2021, Đoàn cán bộ quản lý và các chuyên gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành kiểm tra và đánh giá mẫu máy thu hoạch mía này.
Theo kế hoạch, tháng 12/2021, mẫu máy thu hoạch mía sẽ được chuyển vào vùng mía nguyên liệu tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Tây Ninh để thu hoạch diện rộng nhằm kiểm tra độ bền và kết hợp thương mại hóa.
KS. Lê Ngọc Tĩnh