LĐST – Sốt xuất huyết là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus Dengue. Virus này thường được lây nhiễm từ người sang người thông qua muỗi vằn. Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng thì có thể gây chảy máu, giảm huyết áp đột ngột và khiến người bệnh tử vong nhanh chóng.
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (tính từ ngày 4-10/10), trên địa bàn thành phố ghi nhận 440 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 82 ca so với tuần trước đó) ghi nhận rải rác tại 28 quận, huyện và 166 xã, phường.
Trên địa bàn Hà Nội, những quận, huyện có số mắc sốt xuất huyết nhiều trong tuần qua, là: Đống Đa (84 ca), Thanh Trì (43 ca), Hai Bà Trưng (29 ca), Hoàng Mai (27 ca), Thường Tín (24 ca), Nam Từ Liêm (24 ca).
Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng có thể sẽ tử vong nhanh chóng.
Như vậy, từ đầu năm 2021 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.831 ca mắc sốt xuất huyết tại 28/30 quận, huyện, thị xã; 307/579 xã, phường, thị trấn (giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái) và chưa ghi nhận ca tử vong.
Hiện nay, thời tiết đang vào mùa mưa, nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh sốt xuất huyết phát triển, nên dịch có thể diễn biến phức tạp, bệnh xuất hiện nhiều nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.
Sốt xuất huyết là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus mang tên Dengue. Virus này thường được lây nhiễm từ người sang người thông qua muỗi vằn.
Người bệnh khi mắc sốt xuất huyết có triệu chứng sốt và kèm theo các biểu hiện như: Đau phía sau mắt; đau nhức đầu nghiêm trọng; đau khớp và cơ; sốt cao, có thể lên đến 40,5 độ C; phát ban; buồn nôn và ói mửa.
Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng thì có thể gây chảy máu, giảm huyết áp đột ngột và khiến tử vong nhanh chóng.
Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Cần loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…) để diệt lăng quăng/bọ gậy; Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.
Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
Mặc quần áo dài tay; ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày; dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi; dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi; Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
Đối với người bị sốt xuất huyết, thường xuyên thử nhiệt độ để phòng khi sốt cao hoặc có bất thường về thân nhiệt; nên dùng khăn ấm lau mát cơ thể. Nếu sốt cao, đắp khăn ở vùng nách và bẹn để hạ thân nhiệt; mặc quần áo thoáng mát và mỏng, tốt nhất là được may từ vải cotton.
Tránh dùng các loại thuốc như Aspirin hay Ibuprofen để hạ sốt vì những hoạt chất trong các loại thuốc này có khả năng gây bệnh xuất huyết tiêu hóa rất nguy hiểm. Thay vào đó, bạn nên dùng Paracetamol theo chỉ định của bác sĩ.
Chỉ trong trường hợp bệnh nhân sốt cao (trên 38.5 độ C) mới nên dùng thuốc. Mỗi lần uống cần cách nhau ít nhất 4 đến 6 tiếng.
ĐV