LĐST – Giải thưởng Văn học ASEAN do Hoàng gia Thái Lan và Hội Nhà văn Thái Lan tổ chức, hàng năm trao thưởng cho các nhà văn, nhà thơ xuất sắc của các nước trong khu vực. Cùng với nhà thơ Trần Quang Đạo, nhà văn Võ Khắc Nghiêm vinh dự được nhận giải thưởng này.
Do dịch Covid-19 bùng phát nên Giải thưởng Văn học ASEAN hai năm 2019 – 2020 được xét chung một lần. Lần này, Việt Nam có 2 nhà thơ, nhà văn được giải thưởng là nhà thơ Trần Quang Đạo, với tác phẩm sách thơ “Bay trong mơ” và nhà văn Võ Khắc Nghiêm, với tiểu thuyết “Thị Lộ chính danh”.
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) với những cây bút ngành Than. Ảnh chụp sau khi “Thị Lộ chính danh” ra mắt bạn đọc.
Tôi quen với nhà văn Võ Khắc Nghiêm cách đây gần 40 năm. Ngày ấy, ông là Trưởng đài Phát thanh Công nghiệp mỏ Quảng Ninh, đã nổi tiếng với vở kịch Nhân danh công lí và một số bộ phim truyện nhựa, phim truyền hình. Ông còn nổi tiếng bằng nghề chữa đài, chữa ti vi, sửa quạt điện ngoài giờ và nổi tiếng bởi sự năng động trước cơ chế thị trường.
Chuyện rằng, ông Đoàn Văn Kiển, cựu Chủ tịch Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), khi ấy là Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương có cái đài cassette bị hỏng, mang đến nhà ông Nghiêm sửa. Mấy hôm sau, ông Kiển đến lấy, thấy ông Nghiêm đưa cho cái xe máy “ba bét nhè”. Ông Kiển ngạc nhiên hỏi, thế đài đâu? Ông Nghiêm bảo, bán rồi! Đài sửa xong, thấy có người khách thích quá, hỏi mua, ông Nghiêm bán luôn. Số tiền ấy, thêm vào một ít, mua được “con ba bét nhè”, giá trị bằng mấy cái đài cassette!
Năm 1986, tôi rời vùng Mỏ, phiêu bạt lên Việt Bắc viết văn, làm báo. Hơn 10 năm sau, tôi được chuyển về Hà Nội và là người thay ông quản lí nội dung tờ Tạp chí Than Việt Nam. Đây là tờ Tạp chí mà nhà văn Võ Khắc Nghiêm góp công xây dựng từ những ngày đầu thành lập và gắn bó cho đến lúc nghỉ hưu. Tiền thân của Tạp chí Than là tờ Báo Than – tiếng nói của giai cấp công nhân mỏ, ra đời cách nay 93 năm.
Tiểu thuyết “Thị Lộ chính danh” của nhà văn Võ Khắc Nghiêm.
Lực lượng làm báo, viết văn trong ngành Than rất đông. Tập đoàn Than – Khoảng sản và các đơn vị trong Tập đoàn đặc biệt quan tâm đến đội ngũ nhà văn, nhà báo nên chúng tôi có nhiều dịp được giao lưu, dự hội nghị, dự trại sáng tác.v.v.
Mỗi lần đến dự hội nghị, nhà văn Võ Khắc Nghiêm thường đi chiếc xe máy cào cào. Gặp nhau, chưa kịp tắt máy, ông đã vồn vã bắt tay người này, hỏi thăm người kia. Chiếc xe máy của ông nhỏ bé mà tiếng nổ vang đến khiếp. Dù vậy, tiếng nổ của nó vẫn không át được tiếng của ông! Nghe giọng nói của ông, mấy đồng nghiệp bảo nhau, “Kìa, ông Nghiêm lại đến …!”.
“Ông Nghiêm lại đến” là cuộc gặp mặt lại náo động. Ông nói to, nói nhiều. Dường như ông rất ít khi giải bày tâm tư, ít chuyện phiếm – một nhu cầu thường thấy ở dân văn nghệ. Kịch và văn của ông cũng vậy, ít phân tích, mổ xẻ tâm lí nhân vật; ít chất trào lộng.
Với ông, chỉ có sự việc và giải quyết sự việc. Chuyện gì ông cũng làm chủ diễn đàn. Từ chuyện xung đột đẫm máu ở Trung Đông, đến chuyện chính trường nóng bỏng của đất nước; Từ chuyện thời sự văn nghệ đến trận cầu kinh điển giải bóng đá ngoại hạng Anh… Khi ông nói, dù quanh ông là các chính khách, là giám đốc các doanh nghiệp hay những nhà văn, nhà báo nổi tiếng cũng đừng hòng “cướp diễn đàn” của ông!
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm.
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm là hội viên của các hội: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo; Hội Nghệ sĩ Sân khấu; Hội Điện ảnh. Nhưng có lẽ ông thích người ta gọi ông là nhà văn vì tôi thấy các bài viết của ông, dù là bài báo nhỏ hay tạp bút đăng trên các báo, ông vẫn ký trang trọng là “Nhà văn Võ Khắc Nghiêm”.
Văn xuôi của Võ Khắc Nghiêm đầy ắp thông tin, xung đột dồn nén, cốt truyện li kỳ. Tuy vậy, có người “chê” văn ông gần với báo chí, lắm thông tin, lắm sự việc quá, khô khan quá; thiếu chất trữ tình. Nghe vậy, ông băm bổ nói với tôi, không phải ông không biết tả cảnh, tả tình. Nhưng ông muốn tìm cách thể hiện riêng, đó là cần cung cấp cho bạn đọc lượng thông tin lớn, bởi thời nay, quỹ thời gian của bạn đọc ngày càng eo hẹp. Có lẽ vì thế mà nhiều truyện, tiểu thyết của ông dễ chuyển thể thành kịch, thành phim chăng?.
Thời ông mới nghỉ hưu, gặp tôi, ông kêu bận quá, bận quá, các báo đặt bài, viết không kịp. Ông lại còn làm bình luận bóng đá trên truyền hình; làm tư vấn chuyên môn cho tờ báo mới ra đời, bận quá, bận quá, chẳng còn thời gian để viết tiểu thuyết.
Tôi hỏi ông đang viết gì? Ông bảo, đang viết tiểu thuyết về Nguyễn Thị Lộ. Tôi nghĩ bụng, ông học nghề cơ điện mỏ (ông học cùng khóa với nhà văn Nguyễn Thị Xuân Quý), cả đời gắn bó với ngành Than và viết về vùng Mỏ, sao nghỉ hưu ông không dành thời gian và tâm huyết để tiếp tục viết về vùng Mỏ mà lại rẽ sang viết về Nguyễn Thị Lộ, một nhân vật lịch sử thời Lê sơ, tư liệu chính sử về bà rất ít?
Lần sau, gặp ông, tôi hỏi, ông viết tiểu thuyết Nguyễn Thị Lộ đến đâu rồi? Ông bảo, đang viết, đang viết, rồi vội len vào đám đông, “cướp diễn đàn”…“chém gió” chuyện thời sự quốc tế, thời sự nóng bỏng của đất nước, rồi bình luận bóng đá…Tôi lại nghĩ bụng, chắc ông trả lời tôi cho qua chuyện chứ cá tính sôi nổi, ham giao lưu, “sân” nào cũng “đá” như ông thì làm gì có thời gian nghiên cứu lịch sử để viết tiểu thuyết về nhân vật Nguyễn Thị Lộ!
Cũng từ đấy, gặp ông, tôi không còn hỏi thăm về cuốn tiểu ông đang viết và ông cũng không chia sẻ với tôi về công việc sáng tác của mình. Tôi lại nghĩ bụng, chắc ông đã quên đề tài này rồi!
Một lần, tôi gọi điện cho ông bảo, có chai rượu ngon muốn mang đến nhà biếu ông và đặt ông viết bài cho số tạp chí mới. Ông hẹn tôi sau mười giờ sáng mới đến. Tôi hỏi, bác bận à? Ông bảo, lúc ấy ông mới ngủ dậy.
Theo lời hẹn, tôi đến nhà riêng của ông lúc ông vừa ngủ dậy, tóc bơ phờ, người gầy khô trong bộ đồ ngủ nhầu nhĩ. Ông bảo, ông làm việc cả đêm nên ngủ muộn. Người ta đi làm ông mới đi ngủ, người ta ăn trưa thì ông mới ăn sáng.
Tôi nhìn sang bàn viết thấy bừa bộn những cuốn sách lịch sử dày cộm, cạnh đấy là chồng bản thảo, nhằng nhịt những dấu gạch xóa. Thoạt nhìn, tôi biết, đó là tập bản thảo tiểu thuyết “Thị Lộ chính danh” mà ông viết suốt mười lăm năm nay.
Ông rót rượu mời tôi rồi rút thuốc lá, châm lửa. Rít một hơi, ông ho rũ rượi, miệng thở dốc, nơi cổ ông trồi những đường gân xanh. Chờ ông cắt cơn ho, tôi hỏi ông về tiểu thuyết Nguyễn Thị Lộ. Ông bảo sắp xong rồi. Nhà Xuất bản Hội Nhà văn yêu cầu chỉnh sửa chút ít rồi cấp giấy phép. Sách được nhà thơ Nguyễn Nguyễn Quang Thiều viết lời tựa.
Tôi lặng người, ân hận vì đã không hiểu ông. Dường như ông không quan tâm tới tôi, vẫn rít thuốc và ho từng cơn dữ dội. Bây giờ tôi mới hiểu, mười lăm năm qua, “Thị Lộ chính danh” và triền miên đốt thuốc lá trong đêm vắng đã vắt kiệt sức của ông. Ngày ông nghỉ hưu, người còn có da có thịt, nay gầy xác, chỉ còn đôi mắt sáng rực như xưa.
Đọc “Thị Lộ chính danh” tôi có hai sự bất ngời đến sửng sốt. Thứ nhất, đó là vốn hiểu biết vô cùng phong phú của ông về lịch sử, văn hóa. Trước đây, qua sử sách, tôi chỉ biết, Nguyễn Thị Lộ là một nữ quan triều Lê sơ, vợ lẽ của Nguyễn Trãi. Tên tuổi của bà gắn liền với vụ thảm án Lệ Chi Viên xảy ra vào năm Nhâm Tuất (1442), dẫn đến cái chết oan khốc của vợ chồng bà và cái án “tru di tam tộc” dòng họ Nguyễn Trãi.
Mười tám năm sau “Thảm án Lệ Chi Viên” được vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi. Nhưng với Nguyễn Thị Lộ, còn quá ít tư liệu về bà. Nay, qua tư liệu chính sử và dã sử, nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã xây dựng Nguyễn Thị Lộ là một danh nhân sáng chói trong lịch sử dân tộc. Bà là phụ nữ tài, sắc; là một chính khách, một kẻ sĩ, một trí thức lớn…
Với hàng trăm nhân vật, cuốn sách còn cho thấy bối cảnh mục nát thời Lê sơ với sự ra tay tàn độc của nhóm quyền lực dẫn đến nỗi oan ngút trời cho các bậc hiền tài, có công với nước; khiến ta liên tưởng đến sự tha hóa quyền lực của một số nhân vật trong các thời đại…
Điều bất ngờ thứ hai, đó là sự khác biệt của “Thị Lộ chính danh” so với các tiểu thuyết trước đây của ông. Như trên đã nêu, trước đây, tiểu thuyết của Võ Khắc Nghiêm gần với báo chí, thiếu chất trữ tình thì ở tiểu thuyết “Thị Lộ chính danh”, Võ Khắc Nghiêm đã biểu đạt khác hẳn so với những tác phẩm văn học trước đây của ông.
Bằng các thủ pháp nghệ thuật, nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã khắc họa tính cách các nhân vật với đủ các cung bậc cảm xúc; khiến người đọc cảm thấy các nhân vật như nhìn thấy được, sờ nắm được; như thời Lê sơ rất gần với thời đại của chúng ta
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm sinh năm 1942, nguyên Phó tổng Biên tập Tạp chí Than Việt Nam. Đến nay ông đã xuất bản trên 20 tập tiểu thuyết, truyện ngắn. Ông còn viết nhiều kịch bản sân khấu, kịch bản phim truyện nhựa, phim truyện truyền hình. Kịch bản “Nhân danh công lý” của ông do Nhà hát kịch Việt Nam dàn dựng đoạt Huy chương vàng Hội diễn chuyên nghiệp Toàn quốc năm 1985. Ông được Giải thưởng Nhà nước về VHNT, năm 2017. |
Nhà văn Cao Thâm