LĐST – Thời gian gần đây, trên các kênh truyền hình liên tục phát những bộ phim giải trí nhiều tập. Vì sao vậy? Do thiếu kịch bản hay vì lí do gì mà dòng phim chính luận đột ngột vắng bóng trên truyền hình? Nếu liên tục phát trên các kênh truyền hình dòng phim giải trí sẽ để lại hệ lụy gì?
Để phần nào giải đáp những câu hỏi trên, phóng viên LAO ĐỘNG & SÁNG TẠO đã có cuộc trao đổi ngắn với Đại tá – Nhà văn Nguyễn Như Phong – tác giả của nhiều bộ phim về đề tài chính luận được phát trên các đài truyền hình.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Như Phong
PV: Ông có nhận xét gì về chất lượng phim truyền hình hiện nay: Tính tư tưởng; chức năng giải trí; chất lượng nghệ thuật?
Đại tá – Nhà văn Nguyễn Như Phong (N.N. Ph.): Phim truyền hình dài tập hiện nay phát trên sóng VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam đã trở thành một “thương hiệu” của VTV và thực sự lôi cuốn được độc giả. Đó là một tín hiệu rất đang mừng.
Tôi không dám lạm bàn, đánh giá đến chất lượng nghệ thuật của các bộ phim vì việc đó liên quan đến học thuật mà chỉ nói đơn giản thế này: Độc giả bây giờ có trình độ thẩm mĩ cao, biết thưởng thức, biết phân biệt thật – giả trong phim. Cho nên, không cái gì qua mắt được độc giả. Còn một đối tượng khác cũng tinh tường lắm, đó là các nhà quảng cáo. Về cơ bản, phim nào có lượng quảng cáo nhiều, thì đó là phim “xem được”.
PV: Thể còn dòng phim chính luận? Trước đây, trên truyền hình phát nhiều bộ phim chính luận cũng thu hút đông đảo khán giả xem truyền hình; cũng thu hút nhiều quảng cáo, trong đó có nhiều bộ phim dài tập của ông. Vì sao thời gian này đột ngột vắng bóng phim chính luận trên truyền hình như vậy? Có phải vì lí do thiếu kịch bản?
Cảnh trong phim “Chạy án 1” (Kịch bản của Nhà văn Nguyễn Như Phong; Đạo diễn Vũ Hồng Sơn)
được trao giải Đặc biệt tại Liên hoan phim Truyền hình Quốc tế Tokyo.
N.N.Ph: Cũng có thể do thiếu kịch bản hay, nhưng theo tôi, đấy không phải lí do chính!
PV: Vậy thì lí do chính là gì, thưa ông?
Ng.N.Ph: Có thể vì đầu tư vào phim chính luận là khá tốn kém so với phim giải trí nên các nhà làm phim e ngại. Như tôi, đã hoàn thành kịch bản phim đề tài hình sự dài 150 tập, nhiều nhà đầu tư đọc, thích lắm, nhưng họ từ chối vì đầu tư quá lớn. Một lí do khác cũng khiến các nhà làm phim e ngại vì phim chính luận thường “đụng chạm” đến những vấn đề “nhạy cảm”. Mà với các cơ quan quản lý văn hóa, nhiều khi họ soi một bộ tác phẩm điện ảnh theo kiểu “sợi tóc chẻ làm tư”, không có sự thông cảm, chia sẻ, thiếu sự độ lượng, bao dung với tác phẩm nghệ thuật. Cho nên, anh em làm phim cũng có tâm lý e ngại “đụng chạm”…
Bộ phim “Hương vị tình thân” được chuyển thể từ kịch bản phim “My only you”
của Đài Truyền hình KBS Hàn Quốc đang chiếu trên VTV1-Đài THVN.
PV: Vậy, thưa ông, nếu liên tục phát trên các phương tiện thông tin đại chúng phim giải trí như vậy, sẽ để lại hệ lụy gì?
N.N.Ph: Rất đơn giản, nếu phim ảnh thiên về chức năng giải trí mà thiếu chất nghệ thuật, thiếu tính giáo dục… thì sẽ làm giảm sút những giá trị thẩm mĩ của đông đảo người xem; thậm chí còn ảnh hưởng đến những giá trị đạo đức, văn hóa của dân tộc. Đó là cái họa lớn và lâu dài.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Đại tá – Nhà văn Nguyễn Như Phong nguyên là Phó Tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân; nguyên Tổng Biên tập Báo Năng lượng mới. Ông là tác giả của hàng chục bộ phim truyên hình dài tập, phát trên các đài truyền hình như: Cổ cồn trắng; Bí mật những cuộc đời; Chạy án 1; Chạy án 2; Bí mật Tam giác Vàng; Đồng tiền quỷ ám… Các phim dài nhất là Bí mật Tam giác Vàng 52 tập, Chạy án 1, Chạy án 2 cũng khoảng gần 60 tập… |
Thu Trang (thực hiện)