LĐST – Hiện nay, hoạt động thương mại điện tử đã và đang tham gia vào hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Đây cũng là kênh tiêu thụ hàng hóa hiện đại, phục vụ đời sống người dân hiệu quả trở thành phương thức giao dịch phổ biến, sự lựa chọn tối ưu của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp, đáng chú ý là trong đợt dịch bùng phát vừa qua, nhiều sàn thương mại điện tử đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong lưu thông, cung ứng hàng hóa phục vụ người dân khi thực hiện giãn cách xã hội.
Thương mại điện tử cần được thúc đẩy mạnh mẽ để phát triển
(ảnh minh họa)
Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử cũng vào cuộc hỗ trợ tiêu thụ nông sản đang vào vụ thu hoạch của bà con nông dân tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có thủ đô Hà Nội. Đồng thời, thông qua sàn thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp đã xuất những đơn hàng sang thị trường châu Á, châu Âu và tới các quốc gia kém phát triển.
Qua đó, các doanh nghiệp kết nối được các gian hàng với nhau, cung cấp hàng Việt đến các thị trường trên thế giới. Hơn nữa, giữa một mạng lưới các nhà cung cấp đến từ khắp các khu vực như vậy, doanh nghiệp cũng có thể tìm được những bạn hàng cung ứng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người Việt để nhập về. Điều này làm cho chuỗi cung ứng trở nên tuần hoàn, xuyên suốt, đặc biệt hiệu quả trong tình hình dịch bệnh như hiện tại.
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, năm 2021, thành phố Hà Nội tiếp tục xếp hạng thứ hai cả nước về Chỉ số thương mại điện tử, sau TP.HCM. Đây là kết quả của hàng loạt giải pháp TP. Hà Nội đã triển khai nhằm phát triển thương mại điện tử thời gian qua, từ việc hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, thanh toán không dùng tiền mặt ở các lĩnh vực, đến xây dựng các trang thương mại điện tử tiêu thụ nông sản… Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, thương mại điện tử càng cần được thúc đẩy mạnh mẽ để phát triển.
Để ứng phó với dịch bệnh và thông qua các chương trình kích cầu, các doanh nghiệp đã phát triển mạnh mẽ ứng dụng bán hàng, thanh toán trực tuyến, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm logistics, trung tâm tiếp vận, hệ thống kho hàng hóa.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để phát triển thương mại điện tử: Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025… với các mục tiêu và giải pháp cụ thể để thúc đẩy thương mại điện tử tăng tốc.
Theo đó, trong hời gian tới, với mục tiêu đặt ra về doanh số thương mại điện tử, Thủ đô Hà Nội sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Xây dựng chính sách quản lý, phát triển hoạt động thương mại điện tử phù hợp; hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng mã QR trong truy xuất thông tin trực tuyến, thanh toán trực tuyến, khuyến mại trực tuyến, kê khai thuế điện tử… và hỗ trợ kết nối nhanh giữa người sản xuất, người bán với người mua.
Mặt khác, chú trọng phát triển logistics phục vụ hoạt động thương mại điện tử; kết nối chuỗi cung ứng thương mại điện tử với doanh nghiệp sản xuất để tối ưu hóa chi phí và thời gian đưa hàng hóa ra thị trường… Triển khai các hoạt động kích cầu, hỗ trợ xuất khẩu thông qua thương mại điện tử và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về thương mại điện tử.
Mặc dù dịch bệnh Covid -19 gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tìm ra hướng đi, nhanh chóng triển khai những giải pháp để duy trì hoạt động như: đẩy mạnh hoạt động trên thị trường thương mại điện tử, cải thiện sản phẩm, chuyển đổi dịch vụ để phù hợp với thị trường, tích cực, nhạy bén tìm kiếm thị trường đầu ra.
Với tâm lý ngại ra ngoài, phải trực tiếp đi mua hàng, đến nơi đông người, vì sợ bị lây nhiễm dịch bệnh, nhiều người dân đã lựa chọn phương thức mua các sản phẩm thiết yếu qua mạng internet, vì thế hoạt động thương mại điện tử trở nên nhộn nhịp, sôi nổi hơn. Các doanh nghiệp thương mại điện tử đã nhanh chóng nắm bắt, tận dụng cơ hội, đẩy mạnh biện pháp thích ứng linh hoạt rút ngắn thời gian giao hàng, áp dụng công nghệ để tối ưu hóa sự thuận tiện, an toàn trong giao dịch giao nhận, mua sắm. Trong bối cảnh này, có lẽ giao dịch thương mại điện tử cũng chính là sự lựa chọn tối ưu của mọi người.
Hồng Nhung