STVN – Gõ cụm từ “Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội”, công cụ tìm kiếm Google cho hàng nghìn kết quả là những bài báo viết về truyền thống 70 năm vẻ vang của Nhà hát (1951-2021), được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND. Truyền thống của Nhà hát gắn với tên tuổi của những nhạc sĩ, ca sĩ lừng danh trong nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam. Nhiều người ví, Nhà hát là “Cánh chim đầu đàn”, là “Người khổng lồ” trong các đơn vị nghệ thuật của Quân đội. Thế hệ trẻ của Nhà hát hôm nay xung kích, sáng tạo trên “đôi chân” của “Người khổng lồ”.
Lớp trẻ Nhà hát hôm nay…
Thoạt nhìn từ cổng vào Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, chúng tôi bất ngờ bởi những công trình kiến trúc tinh khôi trong khuôn viên khang trang, rộng rãi, sạch sẽ. Đón tiếp chúng tôi là Đại tá, NSƯT Nông Thị Bích Kim, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên; Đại tá, NSƯT Nguyễn Thị Bích Hạnh (tên nghệ danh NSƯT Hồng Hạnh), Giám đốc Nhà hát; NSƯT Thanh Loan và đồng chí Nguyễn Công Hải, Trưởng ban Chính trị.
Đại tướng Phan Văn Giang – Ủy viên Bộ Chính Trị, Phó Bí thư quận ủy TW, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng tặng hoa Nhà hát trong Lễ bế mạc Hội thao quốc tế Army Games 2021 tại Miếu Môn (tháng 8/2021).
Đã biết các chị lung linh, rực rỡ trên sân khấu, nhưng khi gặp, các chị thật giản dị, nồng hậu và ấm áp. Phòng làm việc của Giám đốc Hồng Hạnh ngăn nắp, trên tường treo nhiều bức ảnh của chị biểu diễn ở biên giới hải đảo và rất nhiều bằng khen, giải thưởng, huy chương… tại các hội diễn từ năm 1995 đến nay. Ngồi bên cạnh chị là Đại tá, NSƯT Bích Kim, người nghệ sĩ nổi tiếng với cây đàn bàn tỳ bà quen thuộc trên các sân khấu, truyền hình, đến các vùng núi, biên cương, hải đảo, kiều bào nước ngoài… Vậy mà, khi gặp, chúng tôi bất ngờ về sự trẻ trung và ấm áp của các chị.
Trung tướng Trịnh Văn Quyết (ngoài cùng bên phải), Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thăm phòng truyền thống Nhà hát (tháng 10/2021).
NSƯT Thanh Loan giới thiệu, giọng đầy tự hào: “Nhà hát hiện toàn diễn viên trẻ, NSƯT Bích Kim và NSƯT Hồng Hạnh và Đại tá, NSƯT Trần Quốc Đạt… thuộc hàng gạo cội, còn lại đa số là thế hệ 8X, 9X, thậm chí có diễn viên sinh năm 2000”. Rồi NSƯT Thanh Loan giới thiệu hàng loạt gương mặt nghệ sĩ của Nhà hát hiện nay mà tên tuổi của họ xuất hiện tràn ngập trên các báo qua các cuộc thi, các hội diễn của những sân khấu lớn với những thành tích thành tích xuất sắc như Đại tá, NSƯT Trần Quốc Đạt (Phó Giám đốc Nhà hát) – người được nhiều giải thưởng về sáng tác của hội Nhạc sĩ Việt Nam; và hàng loạt các gương mặt nghệ sĩ trẻ: Hoàng Viết Danh, Huy chương Vàng trong các Hội diễn chuyên nghiệp toàn quân; Hoàng Hồng Ngọc, Quán quân Sao Mai 2015 và nhiều Huy chương Vàng tại các Hội diễn; tiếp đến là Thu Thủy, Ploong Thiết, Cẩm Tú; Lan Anh, Hồng Duyên, Bùi Tuấn Ngọc, Tạ Duy Tuấn; Hà Công Cương, Ngô Duy Thông, Bùi Phi Trường, An Hồng Nhung, Trà My,… và còn nhiều nghệ sĩ, diễn viên đạt nhiều thành tích khác.
Phòng Truyền thống của Nhà hát trưng bày hình ảnh nghệ sĩ biểu diễn cho Bác Hồ; hình ảnh và kỉ vật của các nghệ sĩ – chiến sĩ trong trận địa ác liệt của các cuộc chiến tranh… Tất cả được bài trí trang trọng và khoa học. Những hình ảnh, kỉ vật tại Phòng Truyền thống cho thấy, các thế hệ cha anh của Nhà hát đã có mặt ở nhiều trận địa nóng bỏng, nâng bước và tiếp lửa cho các chiến sĩ, dân công bằng những tiết mục nghệ thuật khẳng định tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn quân, góp phần làm nên các chiến công lừng lẫy. Những năm tháng ấy cũng chứng kiến sự hy sinh anh dũng của nhiều nghệ sĩ. Họ đã ngã xuống, nhưng lời ca, tiếng hát và những sáng tác gắn liền tên tuổi họ vẫn luôn sống mãi cùng thời gian và lịch sử. Truyền thống của Nhà hát gắn liền với tên tuổi những nghệ sĩ nổi tiếng như: Các nhạc sĩ: Ðỗ Nhuận, Lương Ngọc Trác, Huy Du, Khắc Tuế, Nguyễn Ðức Toàn, Minh Tiến, Huy Thục…; các nghệ sĩ Lê Dung, Tường Vy, Kim Cúc, Hoài Thu, Kim Ngọc, Bích Việt, Trần Chất, Ðoàn Thiều, Ngọc Lê, Công Hải, Tiến Ðịnh, Trần Cường… Cùng với đó là những tác phẩm đi cùng năm tháng như Chiến thắng Ðiện Biên (Ðỗ Nhuận), Việt Nam trên đường chúng ta đi (Huy Du), Ðường tôi đi dài theo đất nước (Vũ Trọng Hối), Biết ơn chị Võ Thị Sáu (Nguyễn Ðức Toàn), Tiếng đàn Ta lư (Huy Thục), Tiến bước dưới quân kỳ (Doãn Nho), Sông Lô chiều cuối năm (Minh Quang), tác phẩm múa Mùa hoa ban nở (Minh Tiến), Con quỷ và nàng tiên (Kim Tiến), Vũ điệu chim công (Ứng Duy Thịnh)… Chúng tôi được biết, đến nay, Nhà hát có 13 Nghệ sĩ Nhân dân, 75 Nghệ sĩ Ưu tú. Nhiều nghệ sĩ được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật… Với bề dày truyền thống và thành tích vẻ vang, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đại tá, NSƯT Hồng Hạnh – Giám đốc Nhà hát và Đại tá, NSƯT Trần Quốc Đạt, Phó Giám đốc Nhà hát tại Liên hoan Tiếng hát Đường 9 Xanh 2019.
NSƯT Bích Kim chia sẻ: Thế hệ trẻ Nhà hát hôm nay đang đi trên sức trẻ đầy tài năng, nhiệt huyết trên bề dày 7 thập kỷ; đang tiếp bước và phát huy truyền thống của các thế hệ cha anh; luôn xung kích trong các chương trình nghệ thuật với nhiều quy mô, phục vụ bộ đội, nhân dân trên mọi miền Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Cơ quan Tổng cục Chính trị, sự chỉ đạo Tổng cục Chính trị, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao; đã có nhiều chương trình nghệ thuật có nội dung tư tưởng sâu sắc, chất lượng nghệ thuật cao, kịp thời biểu diễn phục vụ khán giả trong và ngoài quân đội; biểu diễn kỷ niệm các sự kiện chính trị, phục vụ tiếp khách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc Phòng và Tổng cục Chính trị… xứng đáng là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng.
NSƯT Bích Kim cùng dàn nhạc Dân tộc biểu diễn tiệc chiêu đãi chào mừng Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ailen cùng đoàn do Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng BQP nước CHXHCN Việt Nam chủ trì (tháng 7/2021).
Niềm vui vỡ òa…
Năm 2018, lịch sử 70 năm của Nhà hát, lần đầu tiên có nữ nghệ sĩ, nữ ca sĩ còn rất trẻ làm lãnh đạo, giám đốc nhà hát. Khi NSƯT Hồng Hạnh nhậm chức Giám đốc được 1 tháng, thì ngay tháng sau, Nhà hát đã nhận nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là đăng cai tổ chức và tham gia “Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2018”. Hội diễn có sự tham gia đông đảo của 14 đoàn đến từ các nhà hát, học viện, quân khu, binh chủng… đóng quân trên địa bàn cả ba miền Bắc – Trung – Nam được diễn ra từ ngày 6 đến 15/11. Đây chính là thử thách và sức ép lớn đầu tiên đối với nữ Giám đốc trẻ, quản lí Nhà hát với hơn 100 cán bộ, diễn viên, vừa thực hiện chương trình lớn chỉ được tập luyện trong đúng một tháng.
Tiết mục mở đầu trong chương trình tham gia Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân 2018.
Tốp nam múa tác phẩm “Sóng ngầm”, tiết mục đạt Huy chương Vàng trong Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân (tháng 11/2018).
NSƯT Bích Kim cho biết: “Khi bước vào nhiệm vụ đặc biệt, trong điều kiện thời gian ngắn, kinh phí hạn hẹp, nhưng với vai trò tổng chỉ huy, giám đốc trẻ đã quyết tâm dàn dựng chương trình nghệ thuật với chủ đề “Lời ca nâng bước quân hành”. Điều khiến chúng tôi hoàn toàn bất ngờ và nể phục là ngay trước hôm thi, đồng chí Hồng Hạnh đã có một quyết định sáng suốt, linh hoạt xử lý hiệu ứng âm thanh và quyết định mời ngay ekip về âm thánh, ánh sáng về phục vụ hội diễn. Kết quả, hội thi với chiến thắng giòn giã ngoài mong đợi, chương trình đã đạt giải đặc biệt xuất sắc; giành được nhiều Huy chương Vàng, Bạc…Trong đó, 05 tiết mục đạt Huy chương Vàng; 02 tiết mục đạt Huy chương Bạc; 01 giải Chỉ huy dàn nhạc xuất sắc cho Nhạc sĩ, NSƯT Trần Quốc Đạt; 01 giải xuất sắc cho tiết mục đơn ca nữ “Nhớ Bác lòng con trong sáng hơn” do Ca sĩ Cẩm Tú biểu diễn và còn nhiều bằng khen, giấy khen khác…được trao cho cá nhân và tập thể Nhà hát. Điều đó chứng minh được năng lực lãnh đạo và khả năng ứng biến tuyệt vời của nữ giám đốc trẻ, Đại tá, NSƯT Hồng Hạnh.”
Những bó hoa thắm tình đồng chí
Chắc hẳn khán giả xem Truyền hình còn nhớ về về chương trình truyền hình trực tiếp đêm khai mạc “Liên hoan Tiếng hát Đường 9 Xanh – 2019” diễn ra vào tối 20/7/2019, tại Quảng Trị. Nhưng có lẽ ít người biết, chương trình này có hơn 100 tiết mục, quy tụ gần 700 diễn viên, nghệ sĩ đến từ 10 đơn vị nghệ thuật ca múa nhạc trong cả nước cùng 2 đoàn nghệ thuật đến từ Lào và Campuchia. Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội vinh dự được chọn khai mạc Liên hoan với chủ đề “Bản hùng ca giữ nước”. Các chương trình được dàn dựng công phu, kỹ lưỡng và bám sát chủ đề, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV8 và Đài Truyền hình các tỉnh miền Trung đã làm sống lại những khoảnh khắc lịch sử đầy hào hùng của cách mạng Việt Nam và để lại nhiều ấn tượng khó quên cho khán giả nơi vùng gió Lào cát trắng.
Ca sĩ Viết Danh đơn ca bài hát “Bạch Đằng hùng thiêng núi sông”, tiết mục đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Tiếng hát Đường 9 Xanh 2019.
Song ca nữ Cẩm Tú – Lan Anh bài hát “Những bông hoa hỏa tuyến”, tiết mục đạt Huy chương Vàng trong tham gia “Liên hoan Tiếng hát Đường 9 Xanh” 2019.
Chương trình biểu diễn mang chủ đề “Bản hùng ca giữ nước” của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đã mang về nhiều giải thưởng danh giá: 01 Huy chương Vàng toàn đoàn; 03 Huy chương Vàng, 03 Huy chương Bạc; 04 bằng khen…. và nhiều giả thưởng khác được trao cho cá nhân và tập thể Nhà hát. Đặc biệt, Giám đốc Nhà hát, Đại tá, NSƯT Hồng Hạnh được nhận giải thưởng Bằng khen Chỉ đạo Nghệ thuật xuất sắc của Hội đồng Nghệ thuật.
Nói về nỗ lực vượt khó và thành công trong hội diễn này, lãnh đạo Nhà hát cho biết: “Nhà hát vừa dốc toàn lực để xây dựng chương trình tham gia Hội diễn toàn quân vào tháng 11/2018; chỉ trong mấy tháng sau, Nhà hát lại xây dựng chương trình mới với chủ đề mới để tham gia “Liên hoan Tiếng hát Đường 9 Xanh – 2019”. Xác định đây là chương trình quan trọng, mang tầm quốc tế và đặc biệt Nhà hát là đơn vị duy nhất thay mặt toàn bộ các đơn vị văn nghệ trong quân đội tham gia biểu diễn.
Trước sức ép của thời gian và yêu cầu nghệ thuật cao, đòi hỏi sự năng động, quyết đoán, năng lực tổ chức, lãnh đạo của đồng chí Giám đốc Nhà hát kiêm Tổng đạo diễn, Chỉ huy nghệ thuật. Chỉ trong thời gian ngắn, Giám đốc cùng Ban lãnh đạo Nhà hát đã nhanh chóng xây dựng kịch bản, với tinh thần nghiêm túc, say mê tập luyện không mệt mỏi trong thời tiết nắng nóng. Những ngày tháng 7 ở Quảng Trị năm ấy còn khắc nghiệt hơn, đoàn của Nhà hát gồm 9 xe ô tô các loại, với 110 cán bộ, diễn viên cơ động hành quân vào Quảng Trị trong sự ngỡ ngàng của các đội bạn…”
Kết thúc Liên hoan, Nhà hát đã cơ động lực lượng về đơn vị, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Có được những thành quả trên là sự cố gắng quyết tâm, đồng lòng của cả tập thể từ Đảng ủy, Ban Giám đốc, Ban Chính trị, hậu cần… để chăm lo chu đáo cho hơn 100 con người từ bữa cơm, giấc ngủ trong lúc tập luyện, khi hành quân trong thời tiết khắc nghiệt, khó khăn.
Đại tá, NSƯT Hồng Hạnh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội.
Có một hình ảnh cảm động, thú vị, để lại ấn tượng đẹp là trong tất cả các đêm diễn, sau khi kết thúc chương trình biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật đội bạn, Đại tá Hồng Hạnh đại diện cho Nhà hát lên tặng hoa chúc mừng, động viên đội bạn. Những bó hoa tươi thắm ấy không chỉ thể hiện sự ứng xử tinh tế, sự quan tâm mà còn thắm tình đồng chí, đồng nghiệp; được lãnh đạo và tất cả các nghệ sĩ, diễn viên… của các đơn vị nghệ thuật đội bạn xúc động, hoan nghênh. Điều đó cũng thắt chặt tình cảm và tăng sự gắn kết của tất cả các đơn vị nghệ thuật trong cả nước.
Lãnh đạo Nhà hát ứng phó linh hoạt, sáng tạo, thực hiện tốt mục tiêu kép
Các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội thực hiện MV “Sài Gòn – Hà Nội, Việt Nam mình ơi cố lên”, cổ vũ tinh thần chống dịch.
Mặc dù chịu tác động sâu sắc của dịch bệnh Covid-19 nhưng Đảng ủy, Ban Giám đốc đã xác định, điều chỉnh kế hoạch để thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và phòng, chống dịch hiệu quả. Bằng những biện pháp ứng phó linh hoạt và sáng tạo, Đảng ủy và Ban Giám đốc chỉ đạo chia nhỏ các nhóm tập; nhóm hát, nhóm múa, nhạc công tự tập… đảm bảo khoảng cách 2 mét, yên tâm tập luyện vừa nêu cao tinh thần chống dịch.
Trong các đợt bùng phát dịch cao điểm, các nghệ sĩ, diễn viên không đi biểu diễn được, Giám đốc lại nghĩ ra phương án rất sáng tạo, mới mẻ; Nhà hát đã phối hợp với Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội quay, ghi hình các nghệ sĩ, diễn viên… biểu diễn có đầy đủ âm thanh, ánh sáng và được phát sóng trực tiếp trên sóng Đài truyền hình trung ương và các đài địa phương để mang món ăn tinh thần đến với bộ đội, nhân dân cả nước; đến cả những vùng sâu, vùng sa, biên giới hải đảo… Cách làm việc sáng tạo này mang lại hiệu quả tốt, được lãnh đạo Tổng cục Chính trị, lãnh đạo các cấp đánh giá cao và sau này các đơn vị khác cũng học theo cách làm việc này… Tháng 8/2020, khi dịch tạm lắng xuống, Nhà hát đã đi biểu diễn 28 buổi trong tháng. Tính trong năm 2020, Nhà hát đã biểu diễn trực tiếp, quay hình, phát sóng được 120 buổi, phục vụ các sự kiện, ngày lễ kỷ niệm, công tác đối ngoại Đảng, Nhà nước, Quân đội…”
“Trong lúc nhiều nhà hát, nhiều đoàn nghệ thuật phải tạm ngưng biểu diễn, ngưng hoạt động. Đối với những người nghệ sĩ, diễn viên, một thời gian không được biểu diễn, họ thèm sân khấu, ‘thèm” hát, ‘thèm” khán giả… thì chúng tôi, bằng nhiều hình thức vẫn luôn được cống hiến và thăng hoa trên sân khấu. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ của người nghệ sĩ!” – NSƯT Thanh Loan chia sẻ.
Bên cạnh đó, Nhà hát cũng tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, nhân đạo, giúp đỡ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch: phát gạo, phát cháo miễn phí; thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách; ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; hiến máu an toàn trong mùa dịch; ủng hộ khẩu trang y tế; sáng tác và biểu diễn các bài hát về phòng chống dịch… Đặc biệt, lãnh đạo Nhà hát cũng quan tâm đến công tác: Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên. Năm 2020, Hội Phụ nữ Nhà hát vinh dự được tặng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam.
Phục vụ tốt Hội thao Quân sự Quốc tế Amy Games 2021 và công tác đối ngoại
Biểu diễn tại Lễ bốc thăm cuộc thi “Vùng tai nạn” phục vụ Hội thao Quân sự Quốc tế Army Games 2021.
Nhà hát phục vụ công tác đối ngoại.
Năm 2021, tính đến thời điểm này, Nhà hát đã có 100 buổi biểu diễn và 12 chương trình nghệ thuật được ghi hình và truyền hình trực tiếp. Đặc biệt, năm 2021, trong khuôn khổ Hội thao Quân sự Quốc tế Army Games, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức hai nội dung thi đấu là “Xạ thủ bắn tỉa” và “Vùng tai nạn”. Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội được huy động tham gia phục vụ Hội thao ở hai địa điểm trong nước và tại Cộng hoà Liên bang Nga. Để thực hiện nhiệm vụ trong nước, Nhà hát phải thực hiện 2 đợt cắm trại và một đợt cách ly, khắc phục thời tiết nắng nóng, ban ngày tập trung hơn 100 quân số tập luyện tại Nhà hát, chiều tối lại cơ động đến địa điểm tổ chức Hội thi để luyện tập. Những ngày này, hơn 100 con người của Nhà hát đều ăn, ngủ, tập luyện tại cơ quan. Nhiều diễn viên là hai vợ chồng cùng đoàn phải gửi con để tham gia phục vụ.
Mặc dù công tác chuẩn bị, tập luyện và biểu diễn diễn ra trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song với tinh thần quyết tâm cao, đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, công nhân viên đã chủ động hiệp đồng, triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thông qua việc tham gia dẫn chương trình hội thi, phục vụ Lễ Bốc thăm, Lễ Khai mạc, Bế mạc, biểu diễn văn nghệ và phục vụ các hoạt động bên lề Hội thi, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đã giúp bạn bè các nước hiểu biết thêm về truyền thống văn hóa, hình ảnh đất nước, con người và Quân đội nhân dân Việt Nam, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với các nước tham gia, được Bộ Quốc phòng và Ban tổ chức hội thao của Nga cùng các nước đánh giá cao, được Bộ Quốc phòng khen thưởng.
Nhà hát phục vụ công tác đối ngoại.
Bên cạnh phục vụ Hội thao Quân sự Quốc tế Army Games; tại thời điểm đó, Nhà hát nhận nhiệm vụ đột xuất của Bộ Quốc Phòng, trong 3 ngày phải xây dựng chương trình biểu diễn “Nhịp cầu Hữu nghị” phục vụ công tác đối ngoại. Với sự linh hoạt, sáng tạo, lãnh đạo Nhà hát đã khích lệ, động viên đội ngũ nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên học và biểu diễn ca khúc của các nước bạn bằng chính ngôn ngữ và nhạc cụ của nước bạn. Chỉ trong một tuần dàn dựng, lựa chọn tác phẩm, tập luyện, hòa âm, phối khí… chương trình biểu diễn của Nhà hát đã để lại ấn tượng, tình cảm cho các nước bạn về đất nước, con người Việt Nam.
Năm 2021, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Đồng thời, tập thể và các cá nhân của Nhà hát cũng được tặng Bằng khen của Bộ Quốc Phòng, Tổng cục Chính trị và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Dấu chân vạn dặm…
Đại tá, NSƯT Trần Quốc Đạt độc tấu kèn Saxophone trong chương trình biểu diễn của Đội ca múa nhạc Nhẹ phục vụ nhân dân huyện Mù Căng Chải, Yên Bái.
Mặc dù còn rất trẻ, nhưng các nghệ sĩ Nhà hát hôm nay đã đặt dấu chân vạn dặm tới mọi miền đất nước; từ vùng biên giới xa xôi tới tới những đảo xa và tới nhiều nước trên thế giới. Các chị chia sẻ, những anh chị nghệ sĩ hôm nay, họ đến Nhà hát khi tuổi còn mười tám, đôi mươi; họ cống hiến cả tài năng, tâm huyết, cả thanh xuân, tuổi trẻ. Có những chuyến lưu diễn hàng mấy tháng, phải xa gia đình, chồng con. Có những cái Tết không được đoàn viên cùng gia đình; những người nghệ sĩ vẫn miệt mài cống hiến, đem lời ca, tiếng hát đến bộ đội Trường Sa hay các chiến sĩ ngoài biên cương hải đảo… Thứ mà những người nghệ sĩ nhận được là tình quân nhân ấm áp!
Biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ tại quần đảo Trường Sa.
“Tôi về với Nhà hát khi còn trẻ lắm, mới 17, 18 tuổi thôi. Những năm tháng tuổi trẻ xông pha trên khắp mặt trận, vùng sâu vùng xa, biên cương, hải đảo… Có lẽ nơi nào có bộ đội là nơi ấy có dấu chân của những người nghệ sĩ – chiến sĩ của Nhà hát chúng tôi. Còn nhớ năm đó, tôi đi biểu diễn liền ba tháng, người yêu vào đón về để tổ chức đám cưới; được một tuần lại tiếp tục đi Trường Sa một tháng. Và những chuyến đi biểu diễn, làm nhiệm vụ hàng tháng như vậy là chuyện bình thường. Với bất cứ gia đình nào, có người vợ hoặc chồng là nghệ sĩ- chiến sĩ như chúng tôi thì đều xác định đó là nhiệm vụ chính trị, cần phải cảm thông, chia sẻ. Như NSƯT Bích Kim đi biểu diễn mang con đi cùng; NSƯT Thanh Loan nhiều chuyến đi biểu diễn ở Trường Sa. Có nhà cả hai vợ chồng đều là nghệ sĩ, họ cùng phải đi biểu diễn, gửi con ở nhà, có khi cả mấy tháng trời không được gặp con. Có chị con nhỏ để ở nhà, tối nào cũng bỏ áo và tã của con ra ôm ấp… Vì ngày ấy làm gì có điện thoại để liên lạc đâu;”- Đại tá, NSƯT Hồng Hạnh xúc động chia sẻ.
Tiếp nối cảm xúc, NSƯT Thanh Loan cũng nhớ lại một thời tuổi trẻ sôi nổi: “Hành trình của những người nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên Nhà hát là những bước chân không mỏi. Thời chiến tranh, Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị đã lẫy lừng với khẩu hiệu “Tiếng hát át tiếng bom”; thì ngày nay, lãnh đạo Nhà hát cùng các nghệ sĩ vẫn tiếp nối những truyền thống vẻ vang ấy. Có thời điểm, trong thời bình nhưng chúng tôi thực hiện nhiệm vụ chính trị trong những tình huống cam go, hiểm nguy và chúng tôi đã vượt qua. Thế hệ của Nhà hát hôm nay đã nối tiếp và phát huy thế hệ oai hùng của cha anh đầy tự hào và kiêu hãnh!”
Bên cạnh đó, những chuyến đi biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát ở nước ngoài vẫn luôn được kiều bào và công chúng nước bạn ấn tượng và dành tình cảm đặc biệt với các nghệ sĩ: NSƯT Bích Kim, NSƯT Hồng Hạnh, NSƯT Thanh Loan… Đến tận bây giờ, ca khúc Cô gái trên dòng sông Soyang – bài dân ca Hàn Quốc do NSƯT Hồng Hạnh biểu diễn năm 2013 tại Hàn Quốc, đã để lại ấn tượng sâu sắc với đại diện Đại sứ quán nhiều nước, kiều bào và công chúng nước bạn. Đến nỗi, đại diện phía Hàn Quốc tổ chức chuyến lưu diễn của đoàn phải thốt lên: “Tôi đã nghe và hát hàng nghìn lần bài hát này, nhưng hôm nay là ngày ca khúc nổi tiếng của chúng tôi được thể hiện hay nhất”.
Đặc biệt, sau chuyến đi công tác Trường Sa năm 2016, Nhà hát đã gây được tiếng vang và dấu ấn lớn; được Bộ Ngoại giao và Ủy ban Nhà nước Việt Nam ở nước ngoài nhiệt liệt hoan nghênh và đánh giá cao. Cũng từ đó, Ủy ban “kết đôi” cùng Nhà hát để tham gia các chương trình biểu diễn ở nước ngoài và đã để lại nhiều tình cảm, dấu ấn quan trọng đến với kiều bào và nước bạn.
Một số hình ảnh của hoạt động của Nhà hát
Lãnh đạo Nhà hát thăm và tặng quà gia đình chính sách.
Hội Phụ nữ Nhà hát phối hợp tham gia chương trình thiện nguyện.
Ca sĩ Hoàng Hồng Ngọc sáng tác và biểu diễn tiết mục “Thương anh chiến sĩ quân hàm xanh” đạt giải Huy chương Vàng tại Liên hoan Tiếng hát Đường 9 Xanh 2019.
Ca sĩ Thu Thủy đơn ca bài hát “Vợ lính”, tiết mục đạt Huy chương Vàng tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân 2018.
Trà My – An Hồng Nhung đạt giải Nhất múa đôi ArmyGames 2020 tại Nga.
Trà My, Hồng Ngọc, Công Cương, An Hồng Nhung (từ trái qua phải) tham gia ArmyGames 2020 tại Nga (Trà My – An Hồng Nhung giải Nhất múa đôi; Công Cương giải Nhất độc tấu Sáo trúc; Hồng Ngọc giải Nhì song ca và Khuyến khích đơn ca).
Ca sĩ Hồng Duyên đơn ca bài hát “Sóng nhịp chuông chùa”, tiết mục đạt Huy chương Bạc trong Liên hoan Tiếng hát Đường 9 Xanh 2019.
Dàn nhạc của Nhà hát.
Tốp múa nam của Nhà hát.
Tốp nữ múa tiết mục “Hạt thóc vàng”.