LĐST – Lần đầu tiên trong lịch sử ngành y học thế giới, các nhà nghiên cứu Mỹ đã ghép thành công thận của một con lợn biến đổi gene cho một bệnh nhân, quả thận vẫn hoạt động bình thường và phục vụ cho các hoạt động sống của cơ thể bệnh nhân.
Theo The New York Times, các bác sĩ tại New York, Mỹ đã ghép thành công quả thận từ một con lợn được biến đổi gen cho người.
Ca ghép tạng nói trên diễn ra tại Trung tâm y tế học thuật NYU Langone Health (trực thuộc ĐH New York) tại thành phố New York, Mỹ. Người tiếp nhận là một bệnh nhân chết não, có dấu hiệu rối loạn chức năng thận.
Ca phẫu thuật ghép thận của lợn cho người đầu tiên trên thế giới (Ảnh: NYU Langone)
Trong 3 ngày, quả thận mới được nối với các mạch máu của bệnh nhân và duy trì hoạt động bên ngoài cơ thể người bệnh, cho phép các nhà nghiên cứu quan sát và đánh giá kết quả cấy ghép.
Tiến sĩ Robert Montgomery, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết kết quả kiểm tra chức năng của quả thận được cấy ghép “khá bình thường”.
Mức creatinine bất thường của người nhận – một chỉ số cho thấy chức năng thận kém – đã trở lại bình thường sau khi cấy ghép.
Quả thận mới cũng tạo ra “lượng nước tiểu như mong đợi” từ quả thận người được cấy ghép. Đồng thời cũng không có dấu hiệu về sự đào thải mạnh mẽ.
“Ca phẫu thuật đã thành công hơn chúng tôi mong đợi. Kết quả cũng giống như bất kì ca ghép thận nào mà tôi đã từng thực hiện từ người cho sống. Trong nhiều trường hợp, các quả thận từ người hiến đã chết sẽ không hoạt động trơn tru và thậm chí là mất nhiều ngày cho đến nhiều tuần để nó bắt đầu hoạt động. Trong khi đó, quả thận của lợn này đã hoạt động ngay khi được cấy ghép”, TS Montgomery nói.
Theo các chuyên gia, còn nhiều vấn đề cần được theo dõi, đánh giá để khẳng định sự thành công của kỹ thuật cấy ghép này, nhất là tuổi thọ của cơ quan được cấy ghép, vì cuộc phẫu thuật được tiến hành trên người nhận chết não và quá trình theo dõi chỉ kéo dài 54 giờ.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định đây vẫn là một bước tiến lớn về y học. Không chỉ dừng lại ở thận, kỹ thuật này còn mở ra tiềm năng có thể tạo ra các cơ quan thay thế khác từ lợn như tim, phổi, gan để phục vụ cho việc ghép tạng ở người. Từ đó, giúp cứu sống rất nhiều bệnh nhân phải ghép tạng để có thể duy trì sự sống.
Minh Hiếu