STVN – Sáng nay (ngày 21/12), tại Nhà Văn hóa thôn Khê Ngoại 3, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội, Hội đồng họ Đặng TP. Hà Nội phối hợp với Tổ chức “Trái tim người lính”; Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; CLB “Mãi mãi tuổi 20” đã tổ chức trao tặng Tủ sách Đặng Thùy Trâm cho xã Văn Khê.
Tới tham dự có Trung tướng, TS. Đặng Vũ Sơn, nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Họ Đặng TP. Hà Nội; Bà Đặng Thị Oanh, Phó Cục trưởng Cục công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ThS. Đặng Duy Khanh (Phó Ban Khuyến học Họ Đặng Việt Nam, Thường trực kết nối Tủ sách Đặng Thùy Trâm tại Mê Linh – Hà Nội); Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng, Chủ tịch Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam”; TS.LS Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Bà Đặng Ngọc Bích, nguyên Phó Vụ trưởng- Ban Tuyên Giáo Trung ương; Đại tá Trần Trọng Giá, Chủ tịch CLB Trái tim người lính Thủ đô; Ông Đặng Văn Cường, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Văn Khê; Lãnh đạo một số phòng ban của huyện Mê Linh, xã Văn Khê, cùng đông đảo bà con và các em học sinh xã Văn Khê.
Trước khi diễn ra chương trình trao tủ sách, các đại biểu đã tham dự lễ dâng hương tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt- Đền thờ Hai Bà Trưng (Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội).
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, các đại biểu đã dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức của Hai Bà Trưng, những người đã viết nên những trang sử vàng của Việt Nam trong thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước.
Vào năm 40 (sau Công nguyên), trước cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân lầm than, khốn khổ, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương cùng nhân dân cả nước đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập cho dân tộc.
Được sự hưởng ứng của Lạc Hầu, Lạc Tướng và Nhân dân khắp 65 Huyện thành, chỉ trong thời gian ngắn, với khí thế sục sôi, mạnh mẽ như nước vỡ bờ, Hai Bà Trưng đã lãnh đạo Nhân dân cả nước đã đánh đuổi quân Tô Định ra khỏi bờ cõi, giành lại giang sơn, chấm dứt ách đô hộ hà khắc của nhà Đông Hán.
Khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã ghi mốc son chói lọi đầu tiên trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam. Ngay sau khi khởi nghĩa thắng lợi, Hai Bà Trưng xưng Vương, lập Kinh đô, tiến hành củng cố, xây dựng lại đất nước. “Đô kỳ đóng cõi Mê Linh/ Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”.
Hai Bà Trưng và cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng tuy chỉ đưa lại nền độc lập cho đất nước trong gần 3 năm, nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn, là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử đấu tranh oanh liệt chống ách thống trị của ngoại bang của Nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường của dân tộc.
Các tài liệu lịch sử cho biết: Thi Sách (họ tên đầy đủ là Đặng Thi Sách, tự là Huyền), sinh năm 13 (SCN) là con trai của Lạc tướng Đặng Tập – Huyện lệnh huyện Chu Diên, quận Giao Chỉ. Năm Quý Tỵ – 33 (SCN) khi vừa tròn 20 tuổi, Thi Sách đã cưới Trưng Trắc, 19 tuổi, là con gái của Trưng Định, một Lạc tướng đất Mê Linh làm vợ. Hai gia đình dòng họ đều thuộc dòng dõi các Vua Hùng, nên rất giàu có và thế lực.
Bất bình trước thân phận người dân mất nước, Đặng Thi Sách đã vận động dân chúng nổi lên chống chế độ cai trị của quân nhà Đông Hán, rất nhiều người tài giỏi đã hưởng ứng theo ông. Năm Giáp Ngọ – 34 (SCN), vua nhà Đông Hán sai Tô Định sang thay Tích Quang làm Thái thú quận Giao Chỉ, cai trị nhân dân ta rất hà khắc. Đặng Thi Sách đã bị Tô Định bắt và giết hại năm Kỷ Hợi – 39 (SCN).
Căm thù Tô Định giết hại dân lành, bày đặt những chính sách cai trị dã man, lại giết cả chồng mình, Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị đứng lên phất cờ khởi nghĩa. Đó là mùa thu năm Canh Tý – 40 (SCN). Cái chết của ngài Đặng Thi Sách cũng là một trong những lý do để dẫn đến cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ huyện Mê Linh rồi nhanh chóng lan ra các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố…
Nhiều người con ưu tú của họ Đặng đất Việt đã hội tụ về đây cùng Hai Bà Trưng đánh giặc. Trong số đó phải kể đến con trai hầu tướng Đặng Long và bà Phạm Thị Phương là: Đặng Cả, Đặng Hai và Đặng Ba… đã hăng hái kéo 5.000 sỹ tốt và hơn 40 người thân trong tộc họ Đặng về Mê Linh yết kiến Hai Bà Trưng và chung lòng đánh giặc.
Sau những chiến thắng vang dội, Nhà nước của triều đại Trưng Vương đã được thành lập. Có được vương triều đó, biết bao tướng sỹ đã ngã xuống và hóa thành bất tử trong đó ngài Đặng Thi Sách và nhiều người khác của dòng họ Đặng. Sau khi ngài mất và hoá thánh, nhân dân đã tôn thờ Đặng Thi Sách là Đặng Công Đại Vương được thờ phụng ở nhiều nơi trên cả nước.
Quê hương Mê Linh có họ Đặng, từ bao đời nay đã truyền lại cho nhau thờ phụng ngài Đặng Thi Sách. Các thế hệ con cháu họ Đặng cứ nối tiếp sinh cơ, lập nghiệp, duy trì dòng họ chung lưng đấu cật xây dựng xóm làng. Khi giặc xâm lăng bờ cõi, con cháu họ Đặng không phân biệt già trẻ, gái trai noi gương ngài Đặng Thi Sách đồng lòng cầm vũ khí bảo vệ quê hương đất nước.
Ngày nay, trong không gian linh thiêng tại quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng, có ngôi đền thờ thân phụ, thân mẫu và ngài Đặng Thi Sách. Trong lễ rước kiệu, ngoài các thành phần khác có đoàn rước voi trắng của Hai Bà Trưng, ngựa đỏ của ngài Đặng Thi Sách, để tôn vinh công lao của Hai Bà và chồng bà Trưng Trắc. Căn cứ tư liệu lịch sử, với 2.010 năm tuổi (13 – 2023) có thể khẳng định: Đặng Công Đại Vương – Đặng Thi Sách là người họ Đặng ở Hà Nội, được sử sách ghi nhận là sớm nhất!
Hằng năm, vào mùng 10 tháng 11 âm lịch, (theo Dương lịch, năm nay vào đúng ngày 22/12/2023) nhân dân trong vùng đất cổ Mê Linh và Ban Quản lý Đền Hai Bà Trưng, tổ chức trang trọng ngày giỗ của ngài Đặng Thi Sách. Theo phong tục cổ xưa truyền lại, trong ngày giỗ ngài Đặng Thi Sách các hoạt động diễn ra trang nghiêm với lòng thành kính, nhân dân trong làng mang lễ dâng lên ngài.
Trong khói hương quyện vào không khí linh thiêng 5 tuần tế lễ được tổ chức trang nghiêm. Lễ tế là nét đẹp truyền thống được duy trì nhiều đời nay của nhân dân, tất cả để bày tỏ lòng thành kính, sự tôn vinh công lao của ngài Đặng Thi Sách với dân tộc.
Đặng Công Đại Vương – Đặng Thi Sách hóa Thánh vào năm Kỷ Hợi – 39 (SCN), khi mới 27 tuổi. Như vậy năm Giáp Thìn – 2024 là Lễ giỗ thứ 1985 của Ngài. Theo sử sách ghi nhận, với 2010 tuổi (13 – 2023) thì Đặng Thi Sách chính là Người Họ Đặng Việt Nam nhiều tuổi nhất, đã hi sinh vì quê hương đất nước, đúng truyền thống chống giặc ngoại xâm. Tên tuổi của Ngài gắn liền với Khu di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng. Ngài là Người Họ Đặng hiếm hoi, được dân gian tự nguyện thờ phụng và tôn vinh hàng ngàn đời nay. Hiện còn được Nhà nước đầu tư kinh phí, tổ chức Lễ giỗ vào ngày 10 tháng 11 âm lịch hằng năm. Đặng Công Đại Vương – Đặng Thi Sách xứng đáng được suy tôn là “Thủy Tổ” của Họ Đặng Việt Nam. Chúng tôi đề nghị: Năm Giáp Thìn – 2024, trước Lễ giỗ lần thứ 1985 của Đặng Công Đại Vương, Hội đồng Họ Đặng Việt Nam nên phối hợp với các Cơ quan Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa có uy tín, tổ chức Hội thảo, hoặc Tọa đàm Khoa học về Danh nhân Lịch sử Đặng Thi Sách; đồng thời, tổ chức cuộc thi sáng tác mẫu Tượng của Đặng Công Đại Vương và mỗi người Họ Đặng Việt Nam hãy chung tay góp sức đúc tượng của Ngài. Và tượng của Ngài rất xứng đáng được thờ ở tất cả các Nhà thờ Họ Đặng trên toàn quốc!
Khu Di tích quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng còn có Bia lưu niện hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh (tức Đặng Xuân Khu) thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám. Trong bia có ghi “Nơi đây có cây lụa già thân rỗng là hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh – Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam những năm 1943-1945. Đồng chí Trường Chinh đã lấy đền thờ Hai Bà Trưng là một trong những nơi hội họp bí mật để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủ đô Hà Nội ngày 19/8/1945”. Ngày 16/2/2023, đại diện họ Đặng Việt Nam đã tổ chức về Đền Hai Bà Trưng dâng hương, tìm hiểu thân thế sự nghiệp ngài Đặng Thi Sách và dấu xưa, gốc tích họ Đặng.
Hiện nay Mê Linh có rất nhiều dòng họ trong đó có họ Đặng. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng tại xã Mê Linh có trên 10 chi họ Đặng trong 6 thôn gồm có: Đặng Văn, Đặng Đình, Đặng Thìn, Đặng Kim, Đặng Tiến, Đặng Quang, Đặng Duy… Tiếp bước tiên tổ, các thế hệ tiếp theo đã trên dưới thuận hòa, kỷ cương giữ vững, cùng nhau ra sức sản xuất, xây dựng, sẵn sàng tham gia đánh giặc bảo vệ Tổ Quốc. Tổ tiên họ Đặng vùng đất Mê Linh từ xưa đã kế thừa và phát huy truyền thống qúy báu của ông cha được truyền lại. Không chỉ yêu nước, gắn bó với quê hương, với lòng tự hào, tự tôn dân tộc, mà còn làm ăn rất khá giả, với nghề đánh cá, trồng lúa, trồng dâu chăn tằm, dệt vải; buôn sợi, buôn muối, buôn dầu, hàng xáo.
Các đời sau chịu thương chịu khó làm kinh tế gắn bó cây lúa, cây rau đặc biệt mang cây hoa hồng về trồng thay cho đất Ngọc Hà, Nhật Tân, Quảng Bá giá trị kinh tế rất cao. Bà con họ Đặng Mê Linh luôn tích cực xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị, quan tâm duy trì nét đẹp truyền thống họ Đặng ngàn xưa để lại như: Đoàn kết với các dòng họ khác, giúp đỡ nhau với tình yêu thương con người, tinh thần tương thân, tương ái khi gặp hoạn nạn; cần cù, dũng cảm, thông minh, sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất và chiến đấu.
Với ý nghĩa đó, nhân kỷ niệm tròn 2010 năm sinh (13 – 2023) của ngài Đặng Công Đại Vương – Đặng Thi Sách và ngày giỗ năm Quý Mão – 2023 của ngài; để góp phần lan tỏa tinh thần yêu nước, truyền thống chống ngoại xâm, đoàn kết các dòng họ và xây dựng quê hương; theo đề nghị của ông Đặng Văn Cường, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Văn Khê; trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình “Tủ sách Đặng Đặng Thùy Trâm”, Hội đồng Họ Đặng TP. Hà Nội đã quyết định chọn nơi đây, để trao tặng một Tủ sách Đặng Thùy Trâm, bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, do “Công ty TNHH Kiều Trịnh và Công ty CP TN HOME VN” tài trợ.
Tại huyện Mê Linh, Văn Khê cũng là vùng đất có truyền thống hiếu học, thời phong kiến từng có hai người thi cử và đỗ đạt cao, đó là: Tiến sỹ Nguyễn Ly Châu đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức 6 (1475) đời Lê Thánh Tông. Tiến sỹ Nguyễn Châu Mạo, 25 tuổi ông đã đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Giáp Tuất, niên hiệu Hồng Thuận 6 (1514) đời Lê Tương Dực, làm quan đến Đô ngự sử. (Đó là những chức quan cao cấp của triều đình phụ trách công việc xét xử, thanh tra, kiểm tra hành vi của quan lại và xét việc thăng, giáng, bổ dụng quan lại – công tác tổ chức nhân sự ở Trung ương). Hiện nay, hai ông đều được vinh danh, dựng bia tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Tủ sách Đặng Thùy Trâm bắt đầu được khởi xướng từ đầu năm 2023, do Hội đồng họ Đặng Việt Nam phối hợp với Tổ chức “Trái tim người lính”; Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Câu lạc bộ Mãi mãi tuổi 20″ và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cùng thực hiện.
Đây là một chương trình mang tính cộng đồng xã hội sâu sắc, góp phần hỗ trợ việc dạy học trong nhà trường; thúc đẩy văn hóa đọc bằng việc đưa trẻ em đến với sách, đến với nguồn tri thức nhân loại.
Tủ sách cũng là hoạt động tiến tới kỷ niệm 50 năm ngày Hòa bình và Thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) đồng thời góp phần “Tiếp lửa truyền thống Mãi mãi tuổi 20”, tiếp tục lan tỏa những điều tốt đẹp cho thế hệ trẻ và cộng đồng xã hội cũng như hưởng ứng các hoạt động nhân ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thường niên.
Theo Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng (Chủ tịch Tổ chức “Trái tim người lính”), người khởi xướng chương trình ý nghĩa nêu trên, cho biết: “Tủ sách Đặng Thùy Trâm” được trao tặng tại Mê Linh là tủ sách thứ 7 trên toàn quốc, kể từ tháng 8/2023. Đây cũng là Tủ sách đầu tiên được trao tại Hà Nội. Điểm khác biệt của “Tủ sách Đặng Thùy Trâm” so với nhiều Tủ sách khác là: sách sẽ được bổ sung hàng năm và “Tủ sách” sẽ được chăm sóc thường xuyên, với nhiều hoạt động phong phú như: giao lưu giữa các tác giả, các nhân vật và bạn đọc. Trao thưởng cho “Bạn đọc thông minh và sáng tạo”…
Hồng Nguyên
Nguồn: Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam”.