LĐST – “Startup nghề truyền thống” là quyết định táo bạo nhưng lại được rất nhiều người trẻ lựa chọn trong thời gian qua, vừa thỏa sức đam mê vừa tìm cho chính mình hạnh phúc riêng. Họ làm vậy đơn giản chỉ vì thích, và vì muốn sáng tạo để lưu giữ một nét đẹp văn hoá quê hương.
Giữ chút gì rất Huế
Cô gái xứ Huế, Phan Ngọc Hiếu – CEO của Maypaperflower bên bức tranh “Sen ở Thuận Khiêm Hồ”
Nhắc đến Huế, chắc hẳn tất cả sẽ đều nhớ về những nét đặc trưng chỉ xứ Huế mới có: đó là nón bài thơ, là những cơn mưa xứ huế, là màu tím Huế mộng mơ, là những quần thể danh thắng, di tích lịch sử đồ sộ…Nhưng sẽ là cực kì thiếu sót nếu không ai nhắc nhớ đến hoa giấy xứ Huế – Hoa giấy làng Thanh Tiên nức tiếng.
Thanh Tiên – Làng làm hoa giấy nằm ở xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hoa giấy Thanh Tiên ra đời từ thời các chúa Nguyễn tính đến nay cũng xấp xỉ 400 năm tuổi.
Hoa giấy gắn với tín ngưỡng thờ cúng của người Huế, trước là dâng cúng thần linh, tổ tiên ông bà, sau là trang hoàng nhà cửa. Những bông hoa giấy rực rỡ sắc màu nơi thôn dã không còn “hương bảo” của làng Thanh Tiên nữa mà lan tỏa khắp phố thị, làng quê Huế mỗi dịp xuân về.
Để làm được cành hoa, người thợ phải chuẩn bị các công đoạn từ mấy tháng trước khi Huế vào mùa mưa. Họ chọn những cây tre tốt trong làng đem chẻ nhỏ, vót mỏng rồi phơi khô làm cuống hoa. Bí quyết làm hoa giấy tập trung ở khâu nhuộm màu, sao cho giấy giữ được màu sắc lâu bền.
Tranh – Hoa giấy, một trong những sản phẩm của Maypaperflower được khách hàng ưa thích.
Người làm hoa không sử dụng hóa chất công nghiệp, mà dùng các nhựa cây và lá cây để chế tạo thuốc nhuộm theo kiểu gia truyền.
Tuy đẹp và ý nghĩa như vậy, thế nhưng với tuổi đời lên đến gần 400 năm, bắt kịp và hòa nhập với xu thế của xã hội mới vốn luôn là một thách thức với những làng nghề nghệ thuật truyền thống.
Nhu cầu sử dụng hoa giấy giảm mạnh kéo theo thu nhập bấp bênh, thiếu ổn định khiến Thanh Tiên không đủ sức giữ chân người trẻ trong làng. Những người còn ở lại đa phần là nghệ nhân cao tuổi hoặc các nhóm học sinh, sinh viên làm thời vụ kiếm thêm những khi rảnh rỗi.
Thay đổi cách nhìn để giữ nét đẹp văn hóa “Cố đô”
Ngày nay, với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo của người dân, nghệ thuật làm hoa giấy không dừng lại ở việc thờ cúng mà phát triển phong phú hơn. Tiên phong trong hướng đi đầy sáng tạo thấm sâu văn hóa Huế vào từng sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên để ứng dụng vào với cuộc sống hàng ngày đó là Maypaperflower – của một cô gái xứ Huế còn rất trẻ.
Mọi chuyện bắt đầu khi cô gái trẻ Phan Ngọc Hiếu tìm đến Thanh Tiên, làng hoa giấy nổi tiếng bậc nhất khu vực Thừa Thiên Huế.
Dự án hoa giấy của Ngọc Hiếu đã đạt giải A trong cuộc thi
“Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức
Quan sát và nhận thấy tiềm năng bên trong những bông hoa giấy chưa được khai thác đúng cách, đã đến lúc sản phẩm cần được sáng tạo, đổi mới để đứng chân trong đời sống hiện đại. Hiếu quyết định thử nghiệm kết hợp với nhiều bộ môn nghệ thuật khác với quyết tâm đưa hoa giấy truyền thống hòa nhập được với nhịp sống hiện đại. Và thế là sáng kiến “Tranh – Hoa giấy” đã được tạo ra bằng cách kết hợp tranh sơn dầu cùng với nghệ thuật hoa giấy để cho ra tranh – hoa giấy Thanh Tiên.
Hiếu chia sẻ: “Bản thân mình mong muốn được kết hợp giữa sự hiện đại của tranh sơn dầu cùng nét cổ kính mà hoa giấy Thanh Tiên vốn có. Qua quá trình tìm tòi và nghiên cứu, mình nhận thấy một sản phẩm nghệ thuật độc đáo cần có sự đan xen nhiều khía cạnh. Tại Huế vốn có nghề hoa giấy Thanh Tiên, khi kết hợp tranh hiện đại sẽ tạo được sự lan tỏa, ứng dụng cao hơn…”.
Sản phẩm Tranh – Hoa giấy vừa đủ hiện đại để kết hợp vào các sản phẩm nội thất ứng dụng trang trí trong gia đình, vừa đủ tinh tế để nổi bật lên những giá trị nghệ thuật của xứ Huế.
Maypaperflower làm ra những bông hoa giấy có chứa yếu tố mỹ thuật đương đại, theo phương pháp mới, biến những giá trị cũ trở nên gần gũi với cuộc sống hiện đại hơn. “May” luôn coi trọng chất lượng của những bông hoa mình làm ra, tỉ mỉ, cẩn thận trong từng công đoạn.
Đồng thời, các sản phẩm tranh – hoa giấy được làm từ các nguyên liệu thân thiện với môi trường. Hiếu muốn, sản phẩm của mình có thể phần nào tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và hướng đến lối sống hài hòa, tôn trọng thiên nhiên, thân thiện với môi trường để mọi người có một “ngôi nhà chung” tươi đẹp, an toàn, bền vững.
Phan Ngọc Hiếu thuyết trình về tranh – Hoa giấy ở Techfest 2021
với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng
Năm 2020, dự án Tranh – Hoa giấy của Ngọc Hiếu đã đạt giải A trong cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức. Cột mốc này rất có ý nghĩa khích lệ với sự phát triển của Maypaperflower sau rất nhiều những đánh đổi để có được thành công bước đầu như ngày hôm nay.
Điều mà Hiếu còn trăn trở là làm sao để lan tỏa “làn gió mới” của hoa giấy dựa trên nền tảng văn hoá Huế kết hợp mỹ thuật đương đại tạo ra được nhiều sản phẩm hợp thời đại.
Để cho hoa giấy Thanh Tiên nói riêng và nghề hoa giấy xứ Huế nói chung; rằng dù cuộc đời có biến thiên, dù Cố đô có đổi khác thì không chỉ vẫn còn những lăng tẩm, mà còn có cả những con người xứ Huế “ôm trọn” trong mình những nét đẹp văn hóa thiêng liêng ấy như một cách để bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống xứ Huế.
Châu Phong