STVN – Gia đình trong xã hội hiện đại có vẻ như đang mất dần các chức năng và giá trị vốn có của nó. Một vấn nạn là giới trẻ đang đánh mất đi vai trò của nó khi tỷ lệ không lập gia đình và phá bỏ cấu trúc gia đình (ly hôn) tăng cao. Khẩn thiết cần có những đường hướng giáo dục về lối sống và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với cá nhân, gia đình và tương lai chính họ.
Gia đình có lẽ là một cấu trúc xã hội ra đời sớm nhất của loại người, ổn định và phát triển nhiều nghìn năm qua. Được hình thành từ thời xã hội nguyên thuỷ khi loài người vẫn còn sống bầy đàn, nhưng quá trình sinh sản đã khiến cho giống đực và giống cái kết hợp với nhau để duy trì nòi giống. Sự kết hợp này khiến họ có trách nhiệm với những “đứa con” được sinh ra khi phải đi kiếm thức ăn để nuôi chúng, đây chính là hình thái gia đình đầu tiên của loài người.
Cấu trúc hệ trong gia đình
Quá trình tiến hoá con người cũng đồng thời phát triển nên cấu trúc một gia đình hoàn thiện bao gồm: Gia đình hai thế hệ (hay gia đình hạt nhân), là gia đình chỉ có cha mẹ và con; Gia đình ba thế hệ (hay gia đình truyền thống), là gia đình bao gồm ông bà, cha mẹ và con còn được gọi là tam đại đồng đường; Gia đình bốn thế hệ trở lên, là gia đình nhiều hơn ba thế hệ (Tứ đại đồng đường hay ngũ đại đồng đường).
Gia đình được hình thành với 2 vai trò chính là SINH SẢN (cha kết hôn với mẹ để cùng sinh ra con cái), bởi nó tạo ra nòi giống tương lai cho dân tộc, đảm bảo cho đất nước không bị suy vong do nạn lão hóa dân số và là TẾ BÀO của xã hội, đất nước muốn phát triển lành mạnh, bền vững thì Nhà nước phải có những chính sách để duy trì kết cấu gia đình vững mạnh.
Ý nghĩa ra đời của ngày Gia đình Việt Nam
Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, tỷ lệ người trẻ có xu hướng ngại kết hôn tăng lên, tỷ lệ ly hôn cũng tăng lên ở mức con số trên 2% cho cả hai đối tượng nam và nữ. Các vấn nạn hiện nay bao gồm tình trạng ly hôn, tảo hôn, bạo lực gia đình, làm mẹ đơn thân, sinh con ngoài giá thú, quan hệ tình dục trước hôn nhân đang tăng cao chính là vấn đề lớn mà xã hội hiện đại gặp phải. Sự phá vỡ cấu trúc gia đình truyền thống chính là đang huỷ hoại các tế bào xã hội.
Nhận thức được các vấn đề trên mà ngay từ khi bước chân vào thế kỷ 21, Đảng và Chính phủ ta đã ban hành quyết định số 72/2001/QĐ-TTG về việc ra đời ngày gia đình Việt Nam, chọn ngày 28/6 hằng năm sẽ là ngày là cả nước cùng hướng về gia đình, các tổ chức, cơ quan ban ngành tăng cường đẩy mạnh công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, góp phần duy trì các các trị văn hóa tốt đẹp của người Việt.
Gia đình là một thiết chế xã hội đặc thù, một nhóm xã hội nhỏ mà các thành viên của nó gắn bó với nhau bởi quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ con nuôi, bởi tính cộng đồng về sinh hoạt, trách nhiệm đạo đức với nhau nhằm đáp ứng những nhu cầu riêng của mỗi thành viên cũng như để thực hiện tính tất yếu của xã hội về “tái sản xuất con người”. Gia đình là một khái niệm phức hợp bao gồm các yếu tố sinh học, tâm lý, văn hóa, kinh tế, xã hội… khiến cho nó không giống với bất kỳ một tổ chức xã hội nào. Thực tế cho thấy, gia đình có những ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ đến xã hội. Những lý luận trên đây đã được chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận và khẳng định từ những ngày đầu thành lập đất nước: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình” .
Xã hội hiện đại tiếp tục phát triển không ngừng và các vấn đề về tổ chức gia đình cũng sẽ thay đổi theo nhưng để hướng tới một xã hội văn minh, phát triển bền vững thì Đảng và Nhà nước cần có thêm nhiều các chính sách quan tâm đến tổ chức xã hội gia đình như nêu cao tinh thần trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đưa việc giáo dục về tổ chức gia đình trong chương trình giảng dạy, có các chế tài pháp lý về việc gây tổn thương đến cấu trúc này.
Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6, xin chúc các gia đình, các bố mẹ luôn vui vẻ, hạnh phúc, giàu sức khỏe. Mong tất cả các gia đình luôn được vui vẻ hạnh phúc bên nhau, vượt qua mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống để mỗi gia đình là tế bảo khỏe mạnh của xã hội.
Tùng Lâm.