STVN – Trải qua hàng ngàn năm chiến đấu bảo vệ đất nước, hơn ai hết, người Việt Nam luôn luôn gắn bó sâu nặng với đất nước, với quê hương. Văn học trung đại đã có những kiệt tác viết về đất nước như bài thơ Thần “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt, "Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi. Từ sau Cách mạng Tháng Tám, để tài đất nước thường xuyên xuất hiện trong văn học với các tác phẩm nổi tiếng như: Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm... các tác giả đã để lại những thành công nhất định qua các tác phẩm của mình. Hòa vào dòng cảm xúc viết về đất nước, nhà thơ Nguyễn Đăng Độ cũng đã để lại dấu ấn riêng của mình qua bài thơ Đất nước.
Thiếu tá Mai Thanh Hải – Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh
Trong mỗi chúng ta ai cũng có cho mình một hình ảnh đất nước trong tim. Tổ quốc ta đã trải qua bao binh đao lửa đạn, thiên tai bão lụt, hàng triệu người con đất Việt đã hi sinh máu xương và sự sống của mình để bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân. Bằng cảm nhận tinh tế của mình, Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đã nhận ra vẻ đẹp đất nước mình. Ở khổ thơ đầu tiên tác giả vẽ ra hình hài của đất nước đẹp như một bức tranh: “Đất nước đẹp như một bức tranh thủy mặc”. Đất nước ta có rừng vàng, biển bạc phía tây tựa lưng vào dãy Trường Sơn sừng sững, phía đông là “Biển trùng điệp dựng muôn hình con sóng” trải suốt nghìn năm. Tác giả đã mở ra không gian, thời gian theo chiều dài từ quá khứ nghìn xưa cho đến hôm nay “Suốt nghìn năm hương sắc ngát trời trong”.
Doanh nhân Nguyễn Đăng Độ, tác giả bài thơ “Đất nước”.
Ở khổ thơ thứ hai nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đã nhắc lại những chiến công oanh liệt của cha ông trong lịch sử đã để lại những tác phẩm giá trị cả về văn học và lịch sử. Đó là tiếng vọng rền vang trong bài thơ “Thần” Nam quốc sơn hà (Sông núi nước nam) của Lý Thường Kiệt. Đó là Truyện Kiều bất hủ của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du phản ánh sinh động đời sống, số phận của người dân dưới chế độ phong kiến mà tiêu biểu là số phận đẫm nước mắt của Thúy Kiều. Tác giả cũng đã nhắc lại những tội ác của bọn giặc ngoại xâm “Khi thù giặc xéo dày nơi tông miếu”. Chính khi đất nước lâm nguy, người dân rơi vào cảnh lầm than thì dân tộc ta lại sinh ra những anh hùng cứu nước có sức mạnh phi thường như bước ra từ thần thoại. Tinh thần yêu nước nồn nàn và tình đoàn kết ruột thịt của nhân dân ta là một thứ vũ khí đặc biệt để chiến thắng kẻ thù. Sự gắn kết ấy, sợi dây vô hình ấy chính là tinh thần đoàn kết của nhân dân ta. Nó tạo nên sức mạnh kì diệu, liên kết mọi người lại, từ cái tôi đã hoà vào thành cái “ta” chung, cái “ta” của dân tộc, của đất nước trên cả hai phương diện địa lý và lịch sử.
Đến khổ thơ thứ 3, nhà thơ Nguyễn Đăng Độ lại trở về với từng cá nhân và gia đình cụ thể. Đất nước là một khối thống nhất rộng lớn mà trong đó mỗi con người cụ thể là một “tế bào” của xã hội, của đất nước. Tổ quốc thân thương từ chính mỗi căn nhà, đất nước ta, nhân dân ta đã trải qua những năm tháng giặc giã điêu tàn và đói nghèo trong rơm rạ, ông cha ta phải “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” nhưng chúng ta vẫn có tinh thần lạc quan và yêu đời, yêu cuộc sống, vượt lên đau thương mất mát của chiến tranh để cảm nhận cái đẹp giản dị nhưng thật ý nghĩa: “Hoa vẫn nở đầy chiều xanh lá/ Người yêu người sáng đẹp bản tình ca”.
Đất nước của niềm tin yêu và hi vọng, đất nước của hòa bình được tác giả tiếp tục mạch cảm xúc ở khổ thơ thứ 4 với mỗi câu thơ như một lời tuyên ngôn về sức sống kì diệu của đất nước ta:
“Ôi đất nước của tình yêu của mỗi ngày mới lạ
Rũ bùn đứng dậy nở bừng hoa”
Đất nước của tình yêu, đất nước của niềm tin và hi vọng. Vậy nên dù trải qua hàng nghìn năm phải đương đầu với giặc phương Bắc, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ nhưng nhân dân ta vẫn anh dũng chiến đấu để giữ nước, bảo vệ từng tấc đất quê hương. Đất nước mà “Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt – Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng” thì đất nước ấy sẽ biết cách “Rũ bùn đứng dậy nở bừng hoa” và “Những Thánh Gióng vươn mình trên ngựa sắt – Mỗi bước chân lại hóa những anh hùng”.
Tác giả đã đi từ cái chung đến từng cá nhân con người cụ thể với cảm xúc khác nhau nhưng đều thống nhất trong sự chuyển hoá từ cái riêng đến cái chung, từ bộ phận đến khái quát, nâng lên để hoà quyện, kết dính lại với nhau làm nên đất nước trong chiều dài và chiều sâu của lịch sử, của truyền thống văn hoá.
Ở khổ thơ cuối nhà thơ Nguyễn Đăng Độ lại quay về với lòng biết ơn và tri ân những công lao to lớn của các bậc tiền nhân đã làm nên đất nước và bảo vệ đất nước để trao truyền cho con cháu ngày nay. Những chiến công vang dội và những hi sinh lớn lao của các thế hệ đi trước đã được khắc in vào đá núi và được tạc vào lòng con cháu mai sau.
Đất nước của Nguyễn Đăng Độ đã góp thêm thành công cho mảng thơ viết về đất nước. Từ những vẻ đẹp như bức tranh thủy mặc, đất nước cũng hiện lên gần gũi thiêng liêng như mỗi căn nhà, ngọn núi, dòng sông. Đọc Đất nước ta không chỉ trở về với quá khứ hào hùng của dân tộc mà còn khơi dậy tinh thần yêu nước trong mỗi con người Việt Nam trong thời đại ngày nay. Ý nghĩa về đất nước được nhà thơ diễn đạt qua chiều dài của lịch sử và qua lát cắt của những sự kiện chiến thắng oanh liệt để nhắc lại cho người đọc biết đất nước được như ngày hôm nay lớp lớp tiền nhân đã phải đánh đổi cả máu, nước mắt và sự sống của mình để bảo vệ./.
ĐẤT NƯỚC
Đất nước đẹp như bức tranh thủy mặc
Suốt nghìn năm hương sắc ngát trời trong
Biển trùng điệp dựng muôn hình con sóng
Lộng lẫy Trường Sơn sừng sững mây ngànKhi tiếng vọng rền vang bài thơ Thần đánh giặc
Nguyễn Du ơi giọt lệ đẫm trang Kiều
Khi thù giặc xéo dày nơi tông miếu
Những anh hùng như thần thoại sinh raTổ quốc thân thương trong mỗi căn nhà
Những năm tháng đói nghèo trong rơm rạ
Hoa vẫn nở thơm đầy chiều xanh lá
Người yêu người sáng đẹp bản tình caÔi đất nước của tình yêu của mỗi ngày mới lạ
Rũ bùn đứng dậy nở bừng hoa
Những Thánh Gióng vươn mình trên ngựa sắt
Mỗi bước chân lại hóa những anh hùngXin biết ơn hiển hách chiến công
Những trang sử tiền nhân in vào đá núi
Bao xương máu bao con người ngã xuống
Đất nước hòa bình mở sáng mãi mai sau…
Nguyễn Đăng Độ 01- 2023.