LĐST – Thực tiễn thương mại quốc tế gần đây, các tranh chấp về tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật quốc tế (các Hiệp định TBT và SPS) ngày càng nhiều, các phán quyết vi phạm, thu hồi sản phẩm, cấm nhập khẩu… liên quan đến TBT và SPS cũng nhiều hơn, phức tạp hơn.
Doanh nghiệp điêu đứng vì thông tin xấu
Sau vụ mì Hảo Hảo của Acecook bị thu hồi tại Ireland vì sử dụng chất cấm Ethylene Oxide (EO), mới đây, một sản phẩm mì ăn liền của công ty CP Thực phẩm Thiên Hương lại bị Na Uy thu hồi, cũng với lí do này. Thông tin xấu về một thực phẩm tiện dụng, quen thuộc với nhiều người, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành khiến dân tình choáng váng, nghi ngại, đồn đoán. Tâm lý dễ có nhất lúc này là người tiêu dùng “né”, còn doanh nghiệp đương nhiên lãnh đủ.
Mì Hảo Hảo không vi phạm quy định về chất cấm tại Việt Nam (ảnh minh họa).
Oái oăm là doanh nghiệp sở hữu 2 sản phẩm trên đều khẳng định lô sản phẩm được sản xuất theo đơn đặt hàng riêng, theo đúng quy trình, quy định và tiêu chuẩn đã thỏa thuận. Nhưng “không hiểu sao” lại có chất cấm trong đó (?).
Phía Bộ Công thương Việt Nam thì cho biết, chất EO bị cấm ở châu Âu và một số nước khác nhưng ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể. Fan của Hảo Hảo và mì bò gà lại thở phào đi chợ. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là để có được thông tin giải tỏa nỗi lo cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều mất nhiều thời gian khiến doanh nghiệp bị tổn thất nặng nề.
Mì Vị Hương của CP Thực phẩm Thiên Hương sản xuất luôn được kiểm tra, đảm bảo quy trình, quy chuẩn đã được công bố.
Trước đây đã có lùm xùm về nước tương Chin-su chứa chất 3-MCPD vượt tiêu chuẩn cho phép. Trong khi chờ phán quyết, một doanh nghiệp khác đã nắm bắt cơ hội người tiêu dùng đang hoang mang để tung ra thị trường một loại nước chấm mới với lời quảng cáo thật mỹ miều.
Ngay lập tức nước chấm mới này thu hút rất đông khách hàng vốn trước đây quen dùng tương Chin-su mà không hề được ai cho biết thứ nước chấm này cũng chứa chất cấm chẳng thua kém ai. Vậy mà, chỉ vì những thông tin xấu, những thương hiệu sản phẩm Việt Nam phút chốc trở nên điêu đứng.
Kẽ hở của cạnh tranh “bẩn”.
Chậm công bố sự thật về sản phẩm tiêu dùng, hoặc đưa thông tin không đầy đủ, không rõ ràng là kẽ hở cho tin đồn đoán thất thiệt gây hoang mang trong xã hội và đất sống cho cạnh tranh “bẩn”. Đến khi sự thật được phơi bày thì hậu quả đã rất nặng nề: Người tiêu dùng thiệt thòi, nhiều cơ sở sản xuất phá sản hoặc mất đi thương hiệu.
Tình trạng này đã có quá nhiều trong thực tế nhưng lạ là không một ai, cơ quan chức năng nào bị trả giá, phải chịu trách nhiệm. Không ít thông tin báo chí đã chỉ ra chính cơ quan có trách nhiệm đã “ém” thông tin, nhưng rồi vẫn không sao cả, có nghĩa là không ai “xử” ai!
Trở lại câu chuyện tương ớt Chin-su bị thu hồi ở Nhật Bản vài năm trước do chứa chất Benzene gây ung thư. Theo quy định về hàm lượng Acid benzoic trong thực phẩm của cả Việt Nam và Nhật đều cho phép đến 1000 mg/kg. Kết quả phân tích trong tương ớt bị thu hồi hàm lượng chất này chưa bằng một nửa quy định. Vậy tại sao bị thu hồi?
Không ở đâu có câu trả lời thỏa đáng! Các nhà khoa học Việt Nam thì vẫn kết luận gốc Benzene là chất gây ung thư nhưng không chỉ rõ hàm lượng bao nhiêu. Chỉ khổ người tiêu dùng vừa tấy chay tương ớt Chin-su vừa lo sợ bệnh đến vì đã dùng thứ này quá lâu rồi…
Cả năm trời sau, chính một nhà báo Nhật Bản đã viết về vấn đề này và khủng hoảng chấm dứt. Diễn đạt cho dễ hiểu thì đại loại thế này: Tương ớt Chin-su bị thành phố Osaka Nhật bản thu hồi là do chất gốc Benzene chứa trong đó không nằm trong danh mục đăng ký chất bảo quản của nước Nhật nên đương nhiên là vi phạm quy định. Còn Nhật Bản không cấm chất này trong thực phẩm khi nó dưới mức 1000 mg/kg.
Và như nói trên, hàm lượng Acid benzoic trong tương ớt được kiểm nghiệm còn nhỏ hơn nhiều mức cho phép. Rõ ràng không có sự đồng nhất về quy định giữa các nước, sự hiểu không đúng và đầy đủ về tiêu chí và tiêu chuẩn, về quy định nhãn mác và cả sự tắc trách nữa đã gây nên tình huống dở khóc dở cười trên.
Cần phản ứng nhanh trước sự cố truyền thông
Điều quan trọng nhất trong các tranh chấp quốc tế vẫn là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm; về trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết và cần thêm nữa là trách nhiệm của các cơ quan báo chí truyền thông. Cần chuyên nghiệp, kịp thời, dứt điểm với tinh thần thượng tôn pháp luật, chứ đừng theo kiểu “bịt mắt dẫn đường”.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần tìm hiểu kỹ lưỡng mọi vấn đề liên quan tới sản phẩm và thị trường của mình. Đồng thời xử lý khủng hoảng truyền thông nhanh và khôn ngoan hơn để tránh “được vạ, má sưng”. Tinh thần trách nhiệm cao, phương pháp công tác khoa học của chính quyền, các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí chính thống sẽ là điều kiện tiên quyết tránh khủng hoảng truyền thông, giúp các doanh nghiệp Việt Nam vững bước hội nhập.
Lê Thái Hà